50% thực phẩm chức năng trên thị trường vi phạm chất lượng

30/12/2015 - 13:49

PNO - Trên thị trường có khoảng 60% sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) sản xuất trong nước, còn lại được nhập khẩu.

Ngày 29/12, tại hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết trên thị trường có khoảng 60% sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) sản xuất trong nước, còn lại được nhập khẩu.

Nhu cầu sử dụng TPCN tại các thành phố đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tại Hà Nội, có tới 63% người trưởng thành sử dụng TPCN, TP.HCM là 43%. Do lợi nhuận cao nên tình trạng sản xuất TPCN nhái, giả, kém chất lượng đang ở mức báo động.

Trong năm 2015, chỉ riêng Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm, với tổng số tiền phạt tới hơn 4,5 tỷ đồng. Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ 15/7 đến 15/10/2015, cơ quan này đã thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước đến 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; khởi tố bốn vụ án hình sự với năm đối tượng.

50% thuc pham chuc nang tren thi truong vi pham chat luong
phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả được nhập từ Trung Quốc - Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, sau đó đượ c thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, sản phẩm làm giả bán ra thị trường có giá cao hơn hàng thật.

Ông Trần Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, các thủ đoạn vi phạm ngày một tinh vi: “Những đối tượng sản xuất TPCN giả, kém chất lượng thâm nhập vào nội địa, tiếp cận người kinh doanh TPCN và đưa vào bằng cách nhập các viên nang nén để nếu bị phát hiện sẽ không bị xử lý hình sự. Ở trong nước, nhãn mác được nhập từ nước ngoài rồi dán lên sản phẩm bằng phương pháp thủ công. Hầu hết mặt hàng này được lưu thông với số lượng nhỏ lẻ, giá cao để tránh bị phát hiện”.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng TPCN giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, theo PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, là do định nghĩa về TPCN còn mơ hồ, có sự bất cập trong quy chế quản lý. Ngoài ra, quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún, không đủ khả năng về khoa học công nghệ. “Theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng”, ông Truyền khẳng định.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI