Yêu và ghét...mùng Bảy

06/02/2014 - 10:37

PNO - PNO - Có một kỷ niệm, kể từ sau một lần trở về đơn vị vào mùng Bảy Tết không may mắn, cách nay hơn hai mươi năm, khiến cho tôi nhớ mãi. Kể từ đó, đi đâu xa, tôi đều không quên để ý, và tránh ngày Bảy, cũng như dân gian ta...

edf40wrjww2tblPage:Content

Yeu va ghet...mung Bay 

Hồi ấy, tôi còn là bộ đội trẻ măng, đang học y ở Phố Ràng, được về quê ăn tết hai tuần. Khi hết phép phải có mặt ở đơn vị đúng mùng Bảy tết âm lịch. Đoạn đường từ nhà lên đơn vị phải đi tàu Hà Nội - Phố Lu suốt đêm, xuống ga Phố Lu lại phải bắt xe quay trở về đơn vị. Hồi ấy không có nhiều xe khách chạy liên tục như bây giờ. Chuyến đi ấy tôi phải đi bộ suốt hai ngày trời mới về đến đơn vị, nên đến tận bây giờ, nó vẫn còn ám ảnh tôi mãi.

Đó là một buổi chiều bố đạp xe đưa tôi ra ga Việt Trì đáp chuyến tàu Hà Nội - Phố Lu. Mới đi được hơn nửa đường thì chiếc xe cà tàng của bố dở chứng thủng xăm. Hai bố con phải dắt bộ khá xa mới tìm được điểm vá xe. Thời gian bị rút ngắn tưởng như không kịp giờ tàu, khuôn mặt bố hiện rõ vẻ lo lắng. Hú vía, và may sao, tới ga vẫn còn kịp mua vé, tôi vội vàng rời ga, khoác lên vai ba lô lặc lè những bánh trái mà mẹ còn nhét thêm đủ thứ đem đi làm quà.

Yeu va ghet...mung Bay

Con số 7 may mắn theo phong thủy, hóa ra lại gắn liền với chuyện xui xẻo của người viết

Lao vào không gian nhập nhoạng tối, tự nhiên tôi hốt hoảng khi phải chia tay bố, nước mắt đầm đìa chỉ sợ có trộm cướp ập tới hay có “thằng nào” làm bậy trên tàu, thân gái dặm trường biết phải làm sao? Nghĩ vậy từ trước nên tôi luôn mặc bộ quân phục dù nó dài rộng lùng nhùng, không vừa cỡ, đề phòng bất trắc, và hy vọng ai ai cũng rủ lòng thương người lính.

Chuyến tàu gầm gừ chuyển bánh hú còi inh ỏi, nặng nề ra khỏi ga, rời xa Việt Trì từ lúc nào không biết. Cho đến khi thấp thoáng nhờ nhờ những bụi cỏ lau lùi dần về phía sau cũng là lúc tàu dừng lại ga PL. Xuống ga, buổi sáng mùng Bảy trời âm u, mây xám bay bồng bềnh nhưng vẫn hiện rõ từ phía xa xa, thăm thẳm một màu xanh yêu thương của những dãy núi cao thấp nhấp nhô.

Tôi mua vội thau nước, rửa qua loa khuôn mặt đen nhẻm bám đầy bụi than rồi hỏi mua 1kg táo để ăn thay cho việc uống nước lúc đi đường.

Một mình không quen biết ai, tôi lang thang quanh khu vực nhà ga, nhớn nhác tìm xe về xuôi để hỏi đi nhờ. Một giờ, hai giờ đồng hồ chầm chậm trôi qua vẫn không có bất cứ chuyến xe nào về xuôi vì hôm ấy là mùng Bảy tết. Nghe nói lái xe duy tâm, không ai chạy xe ngày mùng mùng Bảy. Thế này có chết không, làm sao tôi có mặt ở đơn vị đúng ngày như Đại đội trưởng đã hẹn? Tôi sợ kỷ luật thép giáng xuống đầu mình... Nỗi lo lắng tăng lên khi nhìn đồng hồ nhích dần từng phút.

Bỗng một chiếc xe tải chở đầy bộ đội đứng kín xung quanh thùng xe. Không một chút đắn đo hay kén chọn, tôi lao vội ra ngả mũ vẫy lấy vẫy để. Anh lái xe mặt búng ra sữa phanh gấp dừng lại cho tôi đi nhờ. Thật may tôi được mời vào trong khoang lái. Vài câu chuyện qua lại mới biết các anh là lính QD29 chỉ đi đến ngã 3 Bắc Ngầm. Đoạn đường từ Bắc Ngầm về đến Phố Ràng còn khá xa.

Yeu va ghet...mung Bay

Các nữ chiến sĩ xinh đẹp hôm nay

Xuống xe tôi cố đứng bắt xe thêm nhiều giờ nữa nhưng lực bất tòng tâm. Tôi sụt sùi khóc, vạt áo lính thấm đẫm nước mắt mà vẫn chưa thấy bất cứ chuyến xe nào chạy về xuôi. Tôi khóc thành tiếng mỗi lúc một to hơn. Tiếng khóc của tôi lọt vào tai một chú sĩ quan đeo quân hàm đại úy cũng đang đứng bắt xe gần đó. Lúc này tôi để ý cũng có tới gần chục người đứng tản máx xung quanh ngã ba Bắc Ngầm, họ đều có ý đón xe về xuôi như tôi. Hầu hết là lính trẻ, duy nhất có đôi vợ chồng mặc quần áo dân sự.

- Đồng chí về đâu? Chú đại úy nhẹ nhàng hỏi. Tôi vẫn sụt sịt.

- Dạ cháu về Phố Ràng, bắt xe cả buổi sáng tới giờ chưa có chuyến nào. Hôm nay cháu phải có mặt ở đơn vị rồi.

- Chú về trung đoàn 406 - Tăng thiết giáp cũng đứng bắt xe đây!

- Trời! Tôi muốn hét toáng lên mừng rỡ vì có người về cùng đường lại là sĩ quan của trung đoàn tôi vẫn thường tới chơi khi có xe đến bệnh viện vào ngày nghỉ. Tôi kể có người bác họ làm việc ở phòng hóa học và đã đến đó chơi mấy lần. Từ đó đại úy và tôi trở nên thân mật hơn.

Nhìn đồng hồ đã quá trưa, lúc này tôi mới cảm thấy đói liền thọc tay vào ba lô lấy tấm bánh tẻ đặc sản quê do chính tay mẹ làm, bẻ đôi mời chú sĩ quan cùng ăn, nhưng chú từ chối và nói cũng mới ăn. Bánh này thường để ăn tết, hôm tôi đi mẹ thức trắng đêm trước ngồi làm mẻ bánh mới, gói và luộc chín để nguội cho tôi đem đi khỏi bị thiu.

Mặt trời đã xuống thấp dần mà chúng tôi chưa hề thấy bóng dáng chuyến xe nào nữa. Chú sĩ quan gom tất cả mọi người lại rồi dõng dạc nói:
- Có lẽ không có xe về xuôi và nếu có cũng chưa chắc họ cho chúng ta đi nhờ vì hôm nay là ngày mùng Bảy. Những ai đi bộ thì đi theo tôi!

Cả đoàn gần 10 người cũng không ai có gan đứng đợi thêm, thế là thống nhất cùng đi bộ về đơn vị. Hai vợ chồng thường dân nọ cũng bám theo chúng tôi, trên tay họ bế một cháu bé 3, 4 tuổi, trông thật tội nghiệp. Thế là cả đoàn bắt đầu đi bộ về xuôi lúc 16 giờ chiều.

Mới đầu chúng tôi nói cười rôm rả mặc dù chưa biết tên tuổi của nhau, dần dần thấm mệt ai cũng không buồn nói gì nữa. Chân tôi đi đôi sandal vừa là thế mà tới lúc ấy nó như rộng thêm ra. Tôi bắt đầu mệt mỏi, đau nhức bàn chân, cất bước theo đoàn người rất khó khăn. Lúc này chú sĩ quan nọ đi bên cạnh động viên nói tôi cố gắng.

Đi thêm vài cây số nữa, trời đã sập tối thì tôi không thể cố được nữa, lại thút thít khóc. Chú sĩ quan muốn chia sẻ bớt hành lý cho chú mang giúp tôi. Tôi đồng ý để chú mang giúp một số quà bánh.

Chúng tôi lầm lũi bước đi trong cảnh nhập nhoạng tối, trong cái rét lạnh của núi rừng Tây Bắc. Chỉ mong sao thấy nhà dân để xin vào trú tạm qua đêm. Cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy một nóc nhà ở bên tay trái, phải lội qua con suối nước sâu tới đầu gối.

Yeu va ghet...mung Bay

Nhà sàn cổ mái lá ở Tây Bắc

Cả đoàn sợ hãi đi vào ngôi nhà lợp cỏ tranh đã cũ. Trời tối nhá nhem nhưng vẫn nhìn rõ mấy đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc như chưa rửa bao giờ. Chúng cũng ngơ ngác nhìn chúng tôi không chớp mắt. Thì ra đây là ngôi nhà của hai vợ chồng người dân tộc Tày, họ có ba đứa con lít nhít đang quây quần bên nhau chuẩn bị bữa cơm tối.

Lúc này ai cũng sợ nhỡ họ nổi giận mà đuổi đánh thì sao? Nhưng may mắn nhờ trời, thấy chúng tôi đều là bộ đội, người vợ trấn tĩnh hơn, cất lời trước mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà trống hoác có độc một cái giường phản giữa nhà vừa là chỗ ngồi uống nước vừa là giường ngủ của họ thì phải. Chỉ đợi có thế, chú sĩ quan khẩn khoản thưa chuyện rằng chúng tôi đi đường lỡ xe nên xin nghỉ nhờ qua đêm.

Anh chồng lúc này hình như đã hiểu ra mọi chuyện nên đồng ý cho chúng tôi tá túc. Dù không có giường nằm nhưng được ngồi trong gian nhà có bếp than sưởi ấm cũng đỡ sợ và đỡ lạnh hơn. Tôi ngồi ngủ gật ở góc nhà rồi thiếp đi lúc nào không hay, trong tay vẫn ôm khư khư ba lô.

Tầm 5 giờ sáng tiếng gà gáy le te chú sĩ quan bật dậy gọi chúng tôi chuẩn bị ra đường đi bộ tiếp để kịp về đơn vị. Đoạn đường về ước chừng còn 20km. May thay, ra đến đường lớn chúng tôi bắt ngay được chiếc xe tải quân đội về xuôi. Nghe chúng tôi trình bày anh tài xế rất thông cảm, nên cho đi nhờ tới lối rẽ vào cổng trung đoàn 406 rồi đi tiếp về xuôi.

Lúc này chỉ còn tôi và hai vợ chồng thường dân cũng xuống Phố Ràng.

Hú vía tôi đã trở về đơn vị an toàn vào trưa ngày mùng Tám Tết, đem theo lá thư viết tay của chú sĩ quan nọ. Chú ấy nghe tôi nói sợ về đơn vị bị kỷ luật vì đi quá ngày qui định nên đã ghi vài dòng gửi Đại đội trưởng của tôi làm chứng. Đại đội trưởng có hơi bực nhưng sau khi đọc xong lá thư thì đổi giọng.

- Đồng chí về phòng nghỉ ngơi sáng mai lên lớp học.

Tôi mừng rơn lao vội vào phòng mở những tấm bánh mẹ nhét cho chật cứng ba lô, nhỏm nhẻm bóc ăn và nhớ ra đôi chân vẫn đau nhức ê ẩm.
Tôi thầm cảm ơn vợ chồng người dân tộc và chú sĩ quan trung đoàn 406 đã giúp tôi vượt qua con số 7 đáng ghét. Cũng từ đó, tôi kiêng kỵ luôn ngày mùng Bảy.

Yeu va ghet...mung Bay

Nhưng trên thực tế thì số 7 là con số thật kỳ diệu, được dùng trong nghi lễ đạo Lão, tượng trưng cho sức mạnh đẩy lùi ma quỷ trong phong thủy. Còn theo đạo Phật, số 7 có ý nghĩa là quyền năng mạnh nhất của mặt trời. Số 7 còn tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông, tây, nam, bắc nữa...

Ở Nhật, tôi chưa thấy ai kiêng ngày mùng Bảy bao giờ, kể cả khi tổ chức đám cưới. Ngày mùng Bảy Tết của người Nhật còn là ngày hội ăn rau truyền thống. Vào ngày 7 tháng 1 hàng năm, người Nhật nấu cháo với bảy loại rau và thảo dược của mùa xuân. Họ cho rằng "Ăn cháo rau này có ý nghĩa làm sạch bụng sau khi đã thưởng thức nhiều món ăn trong mấy ngày tết".

NGUYỄN TUYẾT MAI (Nhật Bản, mùng Bảy Tết Giáp Ngọ)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI