Vượt qua hủ tục

08/12/2013 - 07:25

PNO - PNCN - Khi Kakenya Ntaiya 14 tuổi, một phụ nữ lớn tuổi với con dao rỉ sét trong tay kéo cô bé ra phía sau nhà. Lúc đó, đám đông trong làng đã tụ tập. Ntaiya phải ngồi xuống, vén váy và dang chân để người phụ nữ cắt bộ phận nhạy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ntaiya sinh ra và lớn lên ở ngôi làng Enoosaen của người Maasai, phía tây Kenya. Cắt bỏ âm vật là nghi thức bắt buộc với mọi bé gái người Maasai, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau thủ tục này, các cô bé (có khi chỉ 10 tuổi) phải lấy chồng và nghỉ học.

Vuot qua hu tuc 

Kakenya Ntaiya (ảnh: Vital Voice)

Khoảng 140 triệu bé gái và phụ nữ khắp thế giới đang chịu tác động của hủ tục cắt âm vật. Nghi thức này dựa trên đức tin về tôn giáo và quan niệm văn hóa truyền thống, với mong muốn sẽ ngăn chặn được quan hệ tình dục trước hôn nhân hay ngoại tình.

Hiện hủ tục này đã bị xem là bất hợp pháp ở Kenya, nhưng các quan chức tại đây nhìn nhận tình trạng này vẫn xảy ra, đặc biệt là ở nông thôn.

Mặc dù chính phủ Kenya đã áp dụng chương trình giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc từ 10 năm trước nhưng việc trẻ em gái đến trường không phải là một ưu tiên đối với văn hóa Maasai. Theo chính phủ Kenya, chỉ 11% các bé gái Maasai ở Kenya hoàn thành bậc tiểu học. “Hủ tục cắt âm vật có nghĩa là kết thúc những giấc mơ của các bé gái về bất cứ điều gì họ muốn vươn đến”, Ntaiya nhận định.

Nhưng khi Ntaiya chịu đựng đau đớn bởi nghi lễ man rợ này vào năm 1993, cô bé đã có kế hoạch cho riêng mình. Ntaiya đạt được… thỏa thuận với cha, cô đã dọa sẽ bỏ trốn trừ khi cha hứa là cho cô hoàn tất bậc trung học. “Tôi thực sự thích đi học. Tôi biết rằng một khi tôi đã cắt âm vật thì phải kết hôn. Như thế, ước mơ trở thành giáo viên sẽ kết thúc”.

Vuot qua hu tuc

Kakenya Ntaiya với học sinh của mình (ảnh: www.ghafla.co.ke)

Đối với đời sống các bé gái tại những ngôi làng Kenya, mơ ước của Ntaiya thật khác biệt. Đính hôn lúc năm tuổi, tuổi thơ của Ntaiya đã được rèn giũa những kỹ năng để trở thành người vợ tốt theo khuôn mẫu của người Maasai. May sao, mẹ Ntaiya luôn khuyến khích các con phấn đấu cho một cuộc sống tốt hơn.

Được tiếp tục học, Ntaiya học rất giỏi và đoạt học bổng đại học tại Mỹ. Dân làng quyên góp tiền cho Ntaiya mua vé máy bay đi Mỹ, còn cô hứa sẽ trở lại giúp đỡ làng mình. Mười năm sau, Ntaiya thành đạt, có công việc ở Liên Hiệp Quốc và là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nhưng cô không bao giờ quên lời hứa với làng quê.

Năm 2009, Kakenya Ntaiya thành lập trường tiểu học gọi là “Kakenya Center for Excellence” ngay ở làng quê mình. Đến nay, Ntaiya đã giúp hơn 150 bé gái được hưởng những ưu đãi giáo dục cũng như cơ hội phát triển việc học hành. Học sinh từ lớp 4 đến lớp 8 được ăn học và sống nội trú. Các bé gái không phải đi bộ nhiều dặm để đến trường, nhờ vậy tránh được nguy cơ bị tấn công hay lạm dụng tình dục. Điều đó cũng bảo đảm cho các em không “chôn” thời gian vào việc nhà.

Vuot qua hu tuc

Kakenya Ntaiya bên ngôi trường do mình đầu tư tại nơi "chôn nhau, cắt rốn" (ảnh: CNN)

Sau bốn năm thành lập, trường Kakenya Center for Excellence trở thành trường tốt nhất trên địa bàn và nhận được sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Kenya. Tuy nhiên, phần lớn chi phí vẫn dựa vào quỹ phi lợi nhuận mà Ntaiya duy trì ở Mỹ. Mỗi năm, hơn 100 bé gái nhập học và phụ huynh phải cam kết không buộc con gái của họ cắt âm vật cũng như bị tảo hôn. Ngày càng có thêm các gia đình chấp nhận cam kết để con mình được đến trường, đó cũng là cách Ntaiya dần dần thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Quỹ phi lợi nhuận của Ntaiya còn dạy cho các bé gái từ lớp 6 trở lên về hậu quả của tảo hôn và mang thai khi còn tuổi “teen”, đại họa HIV/AIDS. “Chúng tôi muốn các em hiểu quyền của phụ nữ, quyền trẻ em và lên tiếng vì điều này” - Ntaiya nói.

VĨNH LINH (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI