Vụ rơi máy bay Indonesia: Câu hỏi lớn về vấn đề kỹ thuật

29/10/2018 - 15:55

PNO - Chuyến bay số hiệu JT610 của Indonesia chở 189 người gặp nạn sáng 29/10 và rơi xuống biển, chỉ 13 phút sau khi máy bay cất cánh từ sân bay Jakarta.

Vu roi may bay Indonesia: Cau hoi lon ve van de ky thuat
Phi công điều khiển chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air là Bhavye Suneja

Theo Guardian, phi công điều khiển chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air là Bhavye Suneja. Phi công Suneja sống ở Jakarta với người vợ mới cưới được hai năm, còn gia đình của anh hiện sống ở Delhi, Ấn Độ.

Một người họ hàng của phi công Suneja cho biết, gia đình của anh đã biết tin về chuyến bay ngộ nạn và rất đau khổ. "Chúng tôi đã biết tin này sáng nay qua truyền hình, và không hiểu tin này có đúng không. Tất thảy đều câm nín, không ai nói nên lời".

Về phi công Suneja, người họ hàng này nói: "Cậu ấy rất yêu nghề, và đặc biệt chuyên tâm với nghiệp lái máy bay".

Phi công Bhavye Suneja bắt đầu làm việc cho hãng Lion Air từ tháng 3/2011, và có 6.000 giờ bay. Còn cơ phó Harvino trên cùng chuyến bay có hơn 5.000 giờ bay.

Hiện chưa rõ máy bay rơi là vì lỗi do phi công hay do kỹ thuật, nhưng thông tin từ cơ quan khí tượng cho thấy, vào thời điểm máy bay rơi, thời tiết tại khu vực này không có gì bất thường.

Vu roi may bay Indonesia: Cau hoi lon ve van de ky thuat
Trục vớt các mảnh vỡ của máy bay Boeing 737 gặp nạn.

Mặc dù các nhà chức trách nói rằng họ sẽ không phỏng đoán nguyên nhân của vụ tai nạn, nhưng thông tin ban đầu cho thấy chiếc Boeing 737 đã có vấn đề về kỹ thuật trước khi gặp nạn.

Edward Sirait - CEO của hãng Lion Air - nói rằng chiếc máy bay rơi có "vấn đề về kỹ thuật" từ hôm Chủ nhật 28/10, nhưng đã được xử lý mọi vấn đề "theo đúng quy trình".

Tuy nhiên, vị lãnh đạo hãng hàng không không nói rõ "vấn đề kỹ thuật" cụ thể là gì.

"Chiếc máy bay trước đó bay từ Denpasar đi Jakarta. Có một báo cáo về vấn đề kỹ thuật, nhưng đã được xử lý theo đúng quy trình" - ông Edward Sirait nói.

Mảnh vỡ máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air rải rác trên biển. Clip: DM

Ông Edward Sirait cho biết thêm, hãng Lion Air có 11 chiếc máy bay Boeing 737 Max8, cùng loại với chiếc bị rơi sáng 29/10, nhưng hãng không có kế hoạch dừng bay đối với những máy bay này.

Cùng lúc, Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia đã ra tuyên bố chính thức, trong đó nói rằng nguyên nhân của vụ rơi máy bay chưa được xác định rõ.

Bản tuyên bố cũng xác nhận, thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp đã không phát tín hiệu cấp cứu, dù rằng thiết bị này được cấp chứng nhận hoạt động cho tới tháng 8/2019.

"Nguyên nhân của vụ rơi máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air trong hành trình từ Jakarta đi Pangkal Pinang vẫn là câu hỏi lớn. Thiết bị truyền tín hiệu khẩn cấp trên máy bay đã không phát tín hiệu cấp cứu" - trích tuyên bố trên.

Các cơ quan chức năng của Indonesia đang ráo riết tìm kiếm người sống sót và thi thể người bị nạn, cũng như trục vớt hộp đen của máy bay để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc.

Mẫu máy bay Boeing 737 Max 8 gặp nạn được hãng Malindo Air đưa vào khai thác bay thương mại vào tháng 5/2017.

Kể từ đó, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã nhập mẫu máy bay này, trong đó có American Airlines, United Airlines, Ryanair, Jet Airlines, FlyDubai, Norwegian Air, Iceland Air, SilkAir, Turkish Airlines, Korean Air, Air Canada và Malaysia Airlines.

Loạt máy bay Boeing 737 Max có tốc độ bán chạy nhất trong lịch sử hãng Boeing. Phiên bản Max8 tiết kiệm nhiên liệu có tầm bay 6.570km, chuyên chở 210 hành khách, giảm tiếng ồn trong cabin xuống 40%.

Boeing 737 Max 8 thậm chí còn được quảng bá là "chiếc máy bay đáng tin cậy nhất trên thế giới". 

Minh Thu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI