Vụ hành khách bị lôi khỏi máy bay Mỹ: 5 sự thật bất ngờ

12/04/2017 - 15:29

PNO - Sau sự cố hành khách bị lôi khỏi máy bay, hãng hàng không United Airlines hứng đủ mọi ‘búa rìu dư luận’, giá trị cổ phiếu mất hơn 1 tỷ USD.

Trong đoạn video clip phát tán khắp mạng internet, dường như hành khách người gốc Việt David Đào là nạn nhân khi ông bị lôi khỏi máy bay, dù đã trả tiền vé và yên vị ở chỗ ngồi, hôm 9/4 vừa qua.

Hình ảnh hành khách bị lôi khỏi máy bay, và miệng đầy máu, cùng các thương tích khiến dư luận đứng về phía ông, và hết lời chỉ trích hãng hàng không.

Nhưng sự thật có vẻ không đơn giản như những gì thể hiện trên clip, cũng như phản ứng phẫn nộ của dư luận.

Vậy, ai đã sai và đến mức độ nào? Dưới đây là một số khía cạnh giúp độc giả có cái nhìn khách quan hơn về vụ hành khách bị lôi khỏi máy bay.

1. Hành khách bị lôi khỏi máy bay một cách thô bạo là do lực lượng an ninh hàng không ở sân bay Chicago tiến hành, không phải nhân viên của hãng United Airlines.

Phần lớn chỉ trích và ‘búa rìu’ dư luận mà hãng United Airlines hứng chịu là do cảnh lôi hành khách ra khỏi máy bay một cách phản cảm và quá bạo lực.

Nhưng cộng đồng mạng quên rằng người thực thi biện pháp bạo lực này là an ninh hàng không của sân bay Chicago, chứ không phải nhân viên của United Airlines.

Trong trường hợp vị bác sĩ nhất quyết không hợp tác, lực lượng thi hành công vụ có quyền sử dụng vũ lực. Trên biên bản làm việc sau đó có ghi lại là ông Đào có ‘tìm cách chống lại người thi hành công vụ’.

Bản thân Cục Hàng không Chicago sau đó đã tiến hành rà soát lại vụ việc, và thừa nhận hành vi này ‘không phù hợp với quy chuẩn hoạt động của chúng tôi’. Nhân viên an ninh liên quan đã bị đình chỉ công tác.

Vu hanh khach bi loi khoi may bay My: 5 su that bat ngo
Hình ảnh hành khách bị lôi khỏi máy bay một cách thô bạo, gây nên sự căm phẫn từ dư luận. Ảnh: CNBC

2. Sai lầm của hãng United Airlines và thảm hoạ truyền thông

United Airlines không sai luật. Sai lầm của hãng nằm ở chỗ họ đã cứng nhắc trong xử lý tình huống, thiếu kỹ năng thuyết phục, dẫn đến không đạt được thỏa thuận với hành khách.

Vụ rắc rối hành khách bị lôi khỏi máy bay xuất phát từ việc không đạt được thỏa thuận giữa đôi bên, về việc dàn xếp trong tình trạng bán quá số ghế.

Nhiều người chỉ trích việc overbooking nhưng đây lại là lựa chọn hợp pháp. Riêng trong trường hợp này, United Airlines đã không tuân thủ đúng quy định.

Theo quy định từ Bộ Giao thông Mỹ, việc xác định quá tải hành khách phải được hoàn tất từ khâu làm thủ tục check-in ở cổng.

Khi hãng hàng không phát hiện số lượng khách vượt mức, họ phải báo ngay với hành khách ngay tại thời điểm này, chứ không phải chờ tới lúc khách đã vào khoang rồi mới giải quyết.

Do hầu hết hành khách không hiểu rõ luật và bản chất của việc mua vé lên máy bay, nên sự phẫn nộ của cộng đồng mạng, dù đuối về lý, nhưng lại có sức ảnh hưởng vô cùng lớn về mặt tình cảm.

Cộng đồng mạng Trung Quốc ban đầu nghĩ hành khách là người gốc Trung Quốc nên đã tức giận và cho rằng thái độ của United Airlines là kỳ thị người gốc Á. Cộng đồng mạng Trung Quốc ngay lập tức đòi tẩy chay hãng hàng không này.

Hơn nữa, bức thư Giám đốc Điều hành United Airlines, ông Oscar Munoz gửi nhân viên và cho rằng lỗi thuộc về hành khách càng như đổ thêm dầu vào lửa.

Vu hanh khach bi loi khoi may bay My: 5 su that bat ngo
Giám đốc điều hành của United Airlines, ông Oscar Munoz.

3. Sự phẫn nộ với United Airlines: Giọt nước tràn ly

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem đoạn clip quay lại cảnh hành khách bị lôi khỏi máy bay United Airlies.

Khi được hỏi về phản ứng của Tổng thống, ông Spicer cho rằng bất cứ ai biết việc đối xử của hãng hàng không với ông Đào đều sẽ cảm thấy bất bình.

Hơn 37.000 người đã ký vào thư trực tuyến đề nghị Oscar Munoz, Giám đốc Điều hành hãng hàng không United Airlines, từ chức sau khi một hành khách gốc Việt bị kéo lê khỏi máy bay.

Thực tế, những gì xảy ra với United Airlines trong vụ hành khách bị lôi khỏi máy bay, chỉ là ‘giọt nước tràn ly’, khi quá nhiều bức xúc với hãng này đã bị dồn nén lại, chỉ nhân dịp này mà trào ra.

Gần đây nhất, hãng gây nên tranh cãi kịch liệt khi cấm 2 cô bé mặc quần legging không được lên máy bay, khiến nhiều người nghĩ rằng United Airlines kỳ thị giới.

Trong khi đó, câu trả lời cho việc này nằm ở chỗ, quần legging làm bằng chất liệu vải tổng hợp, khi gặp sự cố hoả hoạn trong khoang máy bay, có thể gây nguy hiểm chết người cho người mặc.

4. Thái độ và hành vi của hành khách David Đào là đúng hay sai?

Không một ai có thể vui vẻ khi biết mình phải đổi chuyến bay, nhưng khi phân tích ngôn ngữ hành vi của hành khách David Dao, nhiều người cho rằng hành khách này không thật sự ổn định tâm lý.

Đoạn clip có quay cảnh ông đi qua đi lại liên tục quanh khu vực ghế ngồi và lặp lại liên tục câu: “Tôi phải về nhà”.

Theo bảng đánh giá của chuyên gia tâm lý thì ông David Dao có nhiều vấn đề về tâm lý, khó kiểm soát và chỉ khăng khăng làm những điều mình muốn. Ngoài ra, ông có vấn đề về tiếp nhận thông tin.

Vu hanh khach bi loi khoi may bay My: 5 su that bat ngo
Bác sĩ Đào liên tục nói 'Chúng giết tôi' sau khi bị lôi ra khỏi máy bay. Ảnh: ABC News

Về lý, nhiều điểm cho thấy hành khách David Đào đã hành xử không đúng.

Trong hợp đồng vận chuyển hành khách mà các hãng hàng không công khai, hành khách phải chấp nhận thực tế họ có thể bị huỷ vé. Và khi lên máy bay, họ phải chấp hành yêu cầu của cơ trưởng, vì cơ trưởng nắm quyền chỉ huy toàn bộ chuyến bay.

Vấn đề ở đây là bác sĩ Đào đã không chấp hành lệnh của cơ trưởng, dẫn đến việc an ninh phải can thiệp bằng bạo lực.

5. Làm sao cho thấu tình, đạt lý?

Bác sĩ Đào không chịu xuống máy bay, vì có cuộc hẹn quan trọng với bệnh nhân vào hôm sau. Nhưng lập luận của ông không được chấp thuận.

Việc United Airlines yêu cầu bác sĩ Đào nhượng ghế lại xuất phát từ việc hãng cần dành 4 ghế cho nhóm phi hành đoàn bay tới Louisville, để họ phục vụ cho chuyến bay kế tiếp.

Từ góc độ vị lợi, hãng hàng không buộc phải chọn ưu tiên cho phi hành đoàn này. Vì nếu họ không có mặt tại Louisville đúng lúc, hàng trăm hành khách của chuyến bay khác sẽ phải hoãn hoặc thậm chí huỷ chuyến.

Nhiều ý kiến còn cho rằng nếu cả đôi bên bình tĩnh thương lượng vì sẽ không đẩy sự việc đến tình huống xấu như vậy.

ANH KHÔI
(Theo CNN Money, Mamamia, Daily Calller, DailyMail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI