Vòng xoáy bi kịch của tội phạm ấu dâm

21/03/2017 - 06:00

PNO - Tội phạm ấu dâm tuy là không thể dung thứ, nhưng phía sau chuỗi hành vi lệch lạc đó có thể là những tâm hồn thương tật đã không được “chạy chữa” kịp lúc.

Vòng xoáy từ người bị hại, vốn chịu những ẩn ức, ám ảnh trong tuổi thơ đã biến những đứa trẻ ấy từ chối “lớn lên” từ lúc đó.

“Đứa trẻ” này tồn tại mãi trong “đứa trẻ trưởng thành” nhưng ở vị trí khác, lại hóa thành ác quỷ tiếp tục gieo rắc bi kịch.

Vong xoay bi kich cua toi pham au dam
Carrie Bailee ra mắt hồi ký Flying on Broken Wings (Bay lên với đôi cánh tả tơi) năm 2014 - Ảnh: Sydney Morning Herald

Ngày 18/3, tòa án tại South Carolina tuyên có tội đối với đại tá không quân William Jones trong một vụ lưu trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Dù không bị tố cáo cũng như không có chứng cứ về việc William Jones có hành vi dâm ô với trẻ em, nhưng theo quy định pháp luật, việc lưu trữ hình ảnh ấu dâm (với hơn 7.000 ảnh và 10 video tải về thiết bị điện tử cá nhân) đã là phạm tội.

William Jones lãnh án tù 12 tháng, bị loại khỏi lực lượng không quân Mỹ. Những người quen biết anh đều nói đó thật sự là điều đáng tiếc vì William là người luôn cư xử chuẩn mực.

Việc lưu trữ hình ảnh đó là một góc khuất mà phải đến khi sự việc vỡ lở, mọi người mới hiểu tường tận nỗi đau thầm kín đã giày vò cuộc đời William.

Trong vô thức, William định nghĩa mình là đứa trẻ bị bỏ rơi. Năm bảy tuổi, cha anh tự tử, sau đó mẹ cũng bỏ rơi anh.

Sau này, người anh nuôi của anh cũng tự tử, rồi đến người mẹ nuôi cũng khủng hoảng tâm lý, tự kết liễu đời mình. Những cái chết và sự chia cắt lặp đi lặp lại liên tục đã thành cơn ác mộng của William.

Anh không lấy điều đó để bào chữa cho hành vi phạm pháp của mình, mà chỉ muốn công khai để chia sẻ, để không còn có những tâm hồn lớn lên trong nỗi sợ hãi và xem hành vi lệch lạc là cứu cánh cho bản thân như anh. 

Theo các chuyên gia tâm lý, những tổn thương sâu sắc trong tuổi thơ như ngọn lửa chưa thể dập tắt, sẽ lại bùng lên, xâm chiếm nội tâm của một người.

Carrie Bailee sinh ra ở Canada, được một cặp vợ chồng nhận nuôi khi còn rất nhỏ. Cha nuôi là người thường xuyên có hành vi bạo lực với vợ và các con. Cô bị ông hành hạ cả tâm hồn lẫn thể xác suốt giai đoạn từ 4-14 tuổi.

Đặc biệt, sau khi bố mẹ cô ly hôn, những lúc ở riêng với bố là lúc Carrie phải chịu cực hình.

Ông buộc cô phải chứng kiến những hành vi tình dục quái gở, xâm hại thân thể cô và “trao tay” cho những người đàn ông khác để kiếm chút tiền. Carrie câm lặng chịu đựng, giấu mọi kinh hoàng vào trang nhật ký với tâm lý tự đổ lỗi cho bản thân.

Cô nghĩ, bản thân mình đáng ghét nên mới phải chịu cảnh khổ sở như thế. Sau đó Carrie tìm cách bỏ trốn sang Úc để tạm quên ký ức đau buồn.

Sau những dày vò nội tâm, Carrie quyết định bước ra ánh sáng, chia sẻ quá khứ qua quyển hồi ký Flying on Broken Wings (Bay lên với đôi cánh tả tơi) xuất bản năm 2014.

Cô viết: “Tôi cố gắng kể lại những điều tồi tệ ấy chỉ vì muốn mọi người hiểu được thời khắc đứa trẻ bị xâm hại là cuộc sống của nạn nhân cũng vĩnh viễn thay đổi”.

Người bố nuôi ấy gây khốn đốn cho cuộc đời Carrie không phải vì ông căm thù cô mà vì ông ghét bỏ chính thân xác của mình. Ông cũng từng là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục từ những linh mục ông vô cùng kính trọng.

Rodney Alcala là cái tên từng gây rúng động thế giới vì hành vi tàn bạo không tưởng. Tên này bắt cóc, lạm dụng tình dục rồi giết chết hàng loạt nạn nhân nhiều độ tuổi, nhỏ nhất có cả các bé gái tám tuổi.

Số nạn nhân mà cảnh sát tìm thấy thi thể là 130 người. Rodney Alcala đã lãnh án tử hình năm 2010.

Đây là một trong những trường hợp mà các chuyên gia tâm lý thường dẫn chứng để phân tích về rối loạn nhân cách ảnh hưởng đến hành vi độc ác gây ảnh hưởng nghiêm trọng với đời sống cộng đồng.

Tìm hiểu bối cảnh lớn lên của Rodney, các chuyên gia tâm lý ghi nhận nhiều mấu chốt quan trọng. Tuổi thơ của Rodney không hề dễ dàng bởi quan hệ của bố mẹ trục trặc suốt từ khi Rodney biết nhận thức.

Năm Rodney 12 tuổi, người bố bỏ rơi gia đình, đẩy cả nhà vào cảnh túng bấn.

Năm 17 tuổi, Rodney nhập ngũ với mong muốn gia đình có được một số tiền trang trải nhưng những ngày trong quân ngũ với những nội quy sinh hoạt hà khắc cùng nỗi sợ bị ức hiếp, trêu chọc đã khiến tâm lý Rodney càng thêm khủng hoảng.

Bốn năm sau, Rodney phải rời quân đội vì chứng rối loạn nhân cách theo xu hướng ghét bỏ cộng đồng ngày càng nặng.

Bác sĩ trực tiếp theo dõi hồ sơ của Rodney cho biết, đây là hệ quả của thời thơ ấu bị bạo hành về tinh thần, không được công nhận vị trí, vai trò trong gia đình. 

Tuổi thơ bị ám ảnh vì bất cứ lý do gì khi đã dẫn đến chán ghét bản thân thì cũng trở thành nỗi đau kéo dài đối với các nạn nhân.

Carrie Bailee là một trong những nạn nhân may mắn thoát khỏi vòng xoáy bi kịch và hiện là đại sứ của dự án Cánh cổng cho nữ giới trẻ ở Mebourne (Úc).

Cô khuyến khích các nạn nhân của bạo hành tuổi ấu thơ tìm đến mình, chấm dứt ghét bỏ bản thân và chủ động cắt đứt vòng tròn ám ảnh tội lỗi. Chỉ khi mỗi cá nhân “hòa giải” với quá khứ, tương lai của họ mới thật sự bắt đầu. 

THIÊN NHƯ (Theo Fox News, Sydney Morning Herald, Bizarre Pedia)

Cách hỗ trợ tâm lý trẻ sau khi bị xâm hại tình dục

Không chối bỏ: Không né tránh câu chuyện và khẳng định bạn tin tưởng trẻ, không đổ lỗi cho trẻ.

Kiềm chế cảm xúc: Trẻ quan sát cảm xúc, phản ứng của người lớn và lấy đó làm điểm tựa. Người thân phải tỏ ra vững vàng, không gây áp lực để trấn an trẻ, trẻ mới dám kể lại những gì đã xảy ra. 

Làm chỗ dựa cho trẻ: Trẻ dễ nảy sinh tâm lý tự trách bản thân, từ chối đón nhận yêu thương nên người lớn phải kiên trì chứng tỏ mình sẵn sàng ở bên cạnh hỗ trợ tâm lý trẻ. Đây là hành trình lâu dài, kể cả khi trẻ đã trưởng thành.

(Theo Life Centre)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI