Vòng tay rộng mở cho những người mẹ "nhí"

08/07/2016 - 11:54

PNO - Năm 2015, số trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu em, khu vực Đông Á và Nam Á là 8 triệu, Tây Phi và Trung Phi là 8 triệu.

Nhân Ngày dân số thế giới 11/7, một số liệu vừa công bố cho thấy, năm 2015, số trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu em, khu vực Đông Á và Nam Á là 8 triệu, Tây Phi và Trung Phi là 8 triệu. Mỗi ngày 20.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi tại các nước đang phát triển sinh con. Đặc biệt, tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ gái tuổi từ 15-19. Chưa bao giờ, việc hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên trở nên cấp bách như bây giờ.

Theo các chuyên gia dân số, vấn đề vô cùng quan trọng hiện nay là phải có những chính sách đầu tư, giáo dục y tế cho trẻ em gái vị thành niên và các điều kiện kinh tế giúp tạo việc làm cho các em. Đó là lý do chủ đề của Ngày dân số thế giới năm nay (11/7) là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.

Hai tháng trước, một cô bé 15 tuổi (giấu tên), người Kenya, đã tử vong vì mất máu trong lúc nạo phá thai “chui”. Ở Kenya, việc nạo phá thai chỉ được thực hiện trong tình huống sống còn, tính mạng bà mẹ mang thai bị đe dọa. Nếu không, hình phạt cho những ai vi phạm quy định cấm phá thai lên đến bảy năm tù. Theo thống kê, ở Kenya mỗi năm có ít nhất 2.600 phụ nữ tử vong vì phá thai chui, 21.000 người nhập viện vì biến chứng sau phá thai; trong đó, tỷ lệ trẻ em gái vị thành niên chiếm hơn nửa.

Ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ trẻ em gái cho biết mình từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 10%. Nhiều em đã phải đánh đổi cả tính mạng khi cơn ác mộng ập đến. Một em gái vị thành niên ở Ấn Độ đã bị người hàng xóm tên Monu cưỡng hiếp nhiều lần và khi phát hiện em mang thai, tên này buộc em phải uống thuốc phá thai. Dùng thuốc sai quy cách cộng với sức khỏe kém khiến cô bé rơi vào tình trạng nguy kịch. Monu bỏ mặc em trong cơn thập tử nhất sinh và khi mọi người phát hiện, đưa em đến bệnh viện thì đã quá muộn! Mỗi năm, ở Ấn Độ có 25.000 trường hợp trẻ em gái bị cưỡng hiếp. Các bác sĩ Ấn Độ liên tục cảnh báo về tình trạng không ngừng tăng nhanh tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở đất nước này.

Trẻ vị thành niên mang thai không còn là chuyện riêng của các nước đang phát triển mà còn là ung nhọt trong những xã hội phát triển, khi có sự hụt hẫng từ chính gia đình và sự thiếu chăm lo đời sống tinh thần cho thanh thiếu niên của cộng đồng. Mỹ, một quốc gia có chương trình giáo dục giới tính rất bài bản, cũng không tránh khỏi việc trẻ vị thành niên sinh con ngoài ý muốn. Mỗi giờ, ở quốc gia này có 40 đứa bé ra đời từ những bà mẹ “tuổi teen”, trong khi tỷ lệ sinh ở người trưởng thành lại sụt giảm. Mỹ đã xếp tình trạng trẻ em gái mang thai là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.

Vong tay rong mo cho nhung nguoi me
Katelynn Young cùng con đến học một buổi học tập trung ở trường Pathways

Chiến dịch quốc gia ngăn chặn mang thai ở trẻ vị thành niên tại Mỹ đã xác định mục tiêu quan trọng nhất là đưa những bà mẹ trẻ trở lại trường, không bỏ phí nguồn nhân lực, không đẩy họ khỏi guồng phát triển của xã hội. Thực tế, chưa đến 38% số trẻ em gái có con quay lại được với trường học vì các em không thể “phân thân” vừa chăm sóc con, vừa đến lớp. Học trực tuyến trở thành lựa chọn khả dĩ nhất giúp các nữ sinh tiếp tục con đường học vấn.

Tuy nhiên, để phát huy mô hình này, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Ở Detroit, người ta nhắc đến thầy Nate King, hiệu trưởng Trường Pathways như một “ông bụt” giữa đời thường. Thầy King đặc biệt quan tâm đến những trẻ em gái có con, luôn đốc thúc và tạo điều kiện cho các em học tập. Sau giờ làm việc và cả những ngày cuối tuần, ông thường xuyên thăm những “bà mẹ trẻ” trạc tuổi con cháu mình, động viên các em cố gắng theo đến cùng chương trình học của trường Pathways.

Ông Nate King chia sẻ: “Chỉ có học vấn mới giúp thay đổi tương lai của các em và cả những đứa bé”. Katelynn Young, làm mẹ ở tuổi 16, đã được hiệu trưởng Nate King khuyến khích theo học ở trường Pathways. Cũng như những bà mẹ khác, từ khi có con, Katelynn có thêm nhiều động lực phấn đấu. Với cô bé, nếu không có trường Pathways, cô thật sự không biết làm gì với tương lai vô định của mình.

Thiên Như (Theo Life News, Times of India, Irish Times, hechingerreport.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI