Vỡ đập thuỷ điện ở Lào: Sự thật bị che giấu một ngày trước thảm hoạ?

28/07/2018 - 14:13

PNO - Chỉ một ngày trước khi con đập thuỷ điện bị vỡ, các nhà thầu xây dựng đập đã biết tình trạng của nó đang xấu đi, một người trong số họ còn nhìn thấy dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ trước đó đến 3 ngày.

Thế nhưng bao nhiêu con người sống ở hạ du vẫn không nhận được một cảnh báo nào về cơn lũ kinh hoàng sẽ quét sạch làng mạc, ruộng vườn, gia súc và lấy đi mạng sống của họ.

Vo dap thuy dien o Lao: Su that bi che giau mot ngay truoc tham hoa?
Toàn cảnh khu vực bị nước nhấn chìm sau thảm hoạ vỡ đập làm ít nhất 27 người chết, nhiều người mất tích, ở Lào. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times

Các nhà thầu này cho biết đã cảnh báo các quan chức Lào về nguy cơ này, một số ngôi làng cũng đã được sơ tán, nhưng sự cố vỡ đập vẫn làm chết ít nhất 27 người, rất nhiều người mất tích và ít nhất 6.600 người mất nhà cửa.

Truyền thông Campuchia cho biết khoảng 25.000 người dân nước này đang phải sơ tán khỏi khu vực tỉnh biên giới phía Bắc Stung Treng, vì nước lũ đã bắt đầu đổ xuống phía Nam.

Công ty Điện Xe-Pian Xe-Namnoy, liên doanh gồm 2 doanh nghiệp Hàn Quốc, 1 doanh nghiệp Thái Lan và 1 doanh nghiệp nhà nước của Lào, đứng ra xây dựng dự án thuỷ điện này, bao gồm nhiều con đập khác nhau.

Hai công ty Hàn Quốc đến nay đã đưa ra một số thông tin nhưng họ vẫn chưa trả lời câu hỏi quan trọng nhất: Khi nào họ biết, hoặc đáng nhẽ phải biết, là con đập có nguy cơ đổ sập?

Vo dap thuy dien o Lao: Su that bi che giau mot ngay truoc tham hoa?
Dân làng sơ tán đến nơi an toàn ở tỉnh Attapeu, Lào. Ảnh: Jes Aznar/Getty Images

Ngày 20/7, các kỹ sư đã nhận thấy một chỗ lõm, hay “chỗ lún”, sâu khoảng 10cm ở trung tâm con đập, theo thông tin do Korea Western Power, một trong hai công ty Hàn Quốc, báo cáo lên Quốc hội Hàn Quốc.

Theo lời một quan chức công ty này ghi trong báo cáo, những chỗ lõm, lún như vậy là bình thường trong tình trạng mưa lớn mà khu vực này hay gặp, do đó các kỹ sư quyết định chỉ theo dõi chứ chưa làm gì cả.

Đến Chủ nhật ngày 22/7, các kỹ sư tìm thấy 10 “chỗ lún nứt” trên đỉnh đập và lên kế hoạch sửa chữa, nhưng họ không thể đưa các thiết bị sửa chữa cần thiết đến hiện trường cho đến chiều thứ Hai, và thế là quá muộn, báo cáo trên cho biết.

SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, nhà thầu chính của dự án, thì cho biết khoảng 9 giờ tối ngày Chủ nhật đó, họ nhận thấy một phần đỉnh đập đã bị mất.

Công ty này cho biết họ đã thông báo biến cố này “ngay lập tức” đến chính quyền địa phương và tiến hành sơ tán các ngôi làng gần đó nhất, nhưng họ đã không báo động đến chính quyền cấp tỉnh cho đến trưa ngày hôm sau, khi tình hình con đập đã xấu hơn rất nhiều.

Vo dap thuy dien o Lao: Su that bi che giau mot ngay truoc tham hoa?
Một cửa hàng bị lũ phá tan hoang ở Attapeu. Ảnh: Jes Aznar/Getty Images

Đến 11 giờ sáng ngày thứ Hai 23/7, Korea Western Power cho biết, đã xuất hiện một chỗ lõm sâu đến gần 1m trên đỉnh đập.

Lúc này thì liên doanh xây dựng dự án đã làm công văn đến các quan chức cấp tỉnh, cảnh báo rằng con đập có tên Saddle Dam D đang ở trong “tình trạng vô cùng nguy hiểm do mưa lớn” và rằng người dân vùng hạ du nên được thông báo “di tản lên các vị trí cao để tránh tai nạn không may do nước chảy siết”.

Đến chiều tối thứ Hai, con đập rung lắc dữ dội và nước bắt đầu phun qua thân đập. SK cho biết họ nhận được tin báo về ngôi làng đầu tiên bị ngập lúc 1 giờ 30 sáng sớm thứ Ba.

Cả hai công ty Hàn Quốc đều nhấn mạnh chuyện mưa lớn trong các miêu tả của họ về thảm họa này. Nhưng Ian Baird, giáo sư địa lý ở ĐH Wisconsin, Madison, Mỹ, người chuyên nghiên cứu về Lào và đã nghiên cứu về dự án thuỷ điện này, nói ông tin rằng vấn đề là ở việc xây dựng tắc trách, hoặc quyết định trữ quá nhiều nước trong hồ chứa trong khi việc mưa lớn là có thể biết trước.

Vo dap thuy dien o Lao: Su that bi che giau mot ngay truoc tham hoa?
Quân đội được triển khai đến hỗ trợ người dân sơ tán. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times

“Có bao giờ cuối tháng Bảy mà khu vực này không có mưa đâu?”, ông đặt vấn đề. Các công ty này đang “cố gắng đổ lỗi cho thiên tai thay vì nhận lỗi về mình”, ông nói tiếp. “Tôi chả tin được lời nào của họ hết”.

Công ty Điện Xe-Pian Xe-Namnoy thì không bắt máy các cuộc điện thoại gọi đến.

Liên Hợp Quốc cho biết đã có 8 ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trong khi các chuyên gia và những người dân mất chỗ ở cho rằng con số có thể là 11 hoặc hơn. Có những khu vực mà cứ mùa mưa là bị cô lập hoàn toàn, chưa cần đến lũ lớn, giáo sư Baird nói.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, có 14 cây cầu đã bị phá huỷ và ít nhất 1.494 người phải sơ tán đến các địa điểm trú tạm. Trực thăng và thuyền là các phương tiện hiếm hoi di chuyển được trong khu vực lụt ở tỉnh Attapeu.

Người dân một số làng bị lụt cho biết họ không hề nhận được cảnh báo về thảm họa này. Silam, 25 tuổi, có hai con nhỏ, cho biết nhà chị chạy lũ kịp tối thứ Hai vừa rồi là nhờ một cú điện thoại, không phải từ chính quyền, mà từ một người họ hàng sống gần đó.

Vo dap thuy dien o Lao: Su that bi che giau mot ngay truoc tham hoa?
Liên Hợp Quốc cho biết có 8 ngôi làng bị ảnh hưởng, nhưng chuyên gia và người dân cho rằng con số ít nhất là 11. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times

Người họ hàng bảo chị rời nhà ngay, di chuyển lên chỗ cao hơn “vì nước đang đổ xuống đấy”, chị kể lại. Giờ ngồi trong lán tạm ở thị trấn Paksong, chị vẫn còn thấy sợ.

Bruce Shoemaker, một chuyên gia độc lập về thuỷ điện ở Lào, cho rằng con đập vốn dĩ đã là “một quả bom nổ chậm về thảm hoạ nhân đạo và sinh thái” ngay cả trước khi sự cố xảy ra, vì việc chia nước do con đập này gây ra đã đe dọa nghiêm trọng đến nghề cá ở vùng hạ du, nguồn thực phẩm chính của người dân địa phương.

“Vấn đề lớn ở Lào là kiểm soát môi trường rất kém, các công ty tư nhân được hưởng nhiều ưu đãi trong khi chả mấy ai giám sát xem họ hoạt động thế nào, và trong lĩnh vực thuỷ điện thì tình trạng này càng phổ biến hơn”, ông Shoemaker, đồng tác giả cuốn sách “Chết chìm trong nước: Những bài học toàn cầu từ dự án thuỷ điện mẫu của Ngân hàng Thế giới ở Lào”, nói.

Đại An (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI