Vợ anh làm nghề gì?

04/04/2015 - 07:59

PNO - PN - Câu hỏi trên của nữ phóng viên Geeta Pandey khiến cánh mày râu Ấn Độ có người lúng túng, khó chịu, nhưng cũng có nhiều người cảm thấy rất tự hào khi “khoe” về công việc của vợ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong hành trình rong ruổi khắp Ấn Độ để thu thập câu trả lời cho câu hỏi này, có lúc, Geeta Pandey bị nhiều người đàn ông hỏi ngược lại “Chồng chị làm nghề gì?”. Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng với Geeta đó là thành kiến áp đặt cho phụ nữ từ bao đời nay. Trong suy nghĩ quen thuộc ở đây, phụ nữ phải kết hôn sớm và chu toàn mọi chuyện trong gia đình để người đàn ông của mình ra ngoài kiếm sống.

Câu hỏi mà Geeta đưa ra đã “phá băng” lối tư duy sáo mòn này. Qua đó, nhiều ông chồng ở Ấn Độ cảm thấy thoải mái khi lần đầu tiên nhắc đến công việc của vợ với sự tôn trọng, đầy yêu thương.

Vo anh lam nghe gi?

Ông Yadav nhắc đến người vợ chăn gia súc ở quê nhà với vẻ trìu mến - Ảnh: BBC

Ông Yadav (53 tuổi), từ vùng quê hẻo lánh ở phía Bắc bang Uttar Pradesh lên Delhi làm việc tám năm nay, đã nhắc đến vợ với vẻ trìu mến. Vợ ông suốt bấy nhiêu năm một mình thay chồng chăm sóc, dạy dỗ lũ trẻ và chăn nuôi gia súc. Với nhiều người, việc quán xuyến nhà cửa là chuyện của phụ nữ nhưng với ông Yadav, đây là sự hy sinh thầm lặng của vợ. Dù vợ không có sự nghiệp độc lập, nhưng Yadav trân trọng những điều vĩ đại cô ấy dành cho ông và mái ấm gia đình.

Vo anh lam nghe gi?

Phóng viên Geeta Pandey (trái) và Prabhu Mishra - ẢNH: BBC

Vo anh lam nghe gi?

Anh Jagdish Singh Kaira ủng hộ vợ tiếp tục việc học  - Ảnh: BBC

Jagdish Singh Kaira thì cho rằng, đây không phải câu hỏi quá riêng tư. Anh tự hào kể, vợ mình đang là sinh viên. Từ trước đến giờ, chẳng ai hỏi anh câu này. Mọi người phần lớn hỏi về nghề nghiệp của anh. Hầu hết không mấy quan tâm đến vợ anh vì họ nghĩ đơn giản phụ nữ kết hôn rồi sẽ yên phận với gia đình, nhưng anh Jagdish ủng hộ quyết định tiếp tục việc học của vợ để cô ấy có cơ hội đeo đuổi đam mê nghề nghiệp riêng.

Một người đàn ông khác là Prabhu Mishra không giấu niềm hạnh phúc khi nhắc đến vợ. Vợ anh là chủ một cửa hiệu thời trang nhỏ. Cô bán những mẫu trang phục do chính mình thiết kế. Cô thành đạt, là mẫu phụ nữ hiện đại và khi nói về cô, anh Prabhu rất hãnh diện. Anh Prabhu cho rằng, câu hỏi thú vị của nữ nhà báo Geeta Pandey là dịp để anh nhìn lại và trân trọng những nỗ lực của người bạn đời.

Câu hỏi “Vợ anh làm nghề gì?” là câu hỏi khó nếu xét trên thực tế Ấn Độ có tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động thấp thứ hai trong số các nước thuộc G20 (nhóm các nền kinh tế lớn). Ở Ấn Độ, hơn 80% nam giới biết chữ, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 50%. Sự chênh lệch này là nguyên nhân lớn nhất khiến phụ nữ khó tìm công việc ngoài xã hội, trong lúc nữ giới chiếm 48,5% dân số Ấn Độ. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động giai đoạn 2004-2005 là 37%, còn ở giai đoạn 2009-2010, tỷ lệ này giảm còn 29%. Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng là do suy thoái kinh tế, buộc phụ nữ trở về với công việc truyền thống như làm nông, buôn bán, làm hàng thủ công. Hơn nữa, chế độ thai sản khá ít (tối đa chỉ 12 tuần) khiến nhiều phụ nữ khó sắp xếp làm việc trở lại sau khi thực hiện thiên chức làm mẹ.

Vo anh lam nghe gi?

Phụ nữ Ấn Độ sinh sống ở nông thôn coi việc chăm sóc con, chu toàn gia đình là sự nghiệp của mình - Ảnh: Agropedia

Năm 2013, Ấn Độ đã thông qua dự luật về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, là một cách để bảo vệ và khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, vì hiện phụ nữ chỉ được hưởng trung bình 62% mức lương của nam giới trong cùng vị trí. Trong số 50 nhân vật nữ quyền lực nhất châu Á có sáu phụ nữ Ấn Độ, hầu hết tiếp bước công việc kinh doanh từ gia đình. Xét số ghế quốc hội thì phụ nữ chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 11-12%. Dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, nhưng lực lượng lao động không đồng đều giữa hai giới ở Ấn Độ được đánh giá là khó tạo cân bằng lâu dài.

ANH THÔNG

(Theo BBC, catalyst.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI