Việt Nam và Mỹ lên tiếng về việc Trung Quốc thử tên lửa ở biển Đông

06/07/2019 - 11:12

PNO - Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 1/7, Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông từ cuối tháng 6, đánh dấu hoạt động quân sự mới đáng kể của quân đội Trung Quốc tại vùng biển.

Cụ thể, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tiến hành một loạt các thử nghiệm vũ khí trong vòng 5 ngày. Cuộc thử nghiệm đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 6, quả tên lửa rơi  xuống vùng biển không xác định ở Biển Đông nơi chính quyền Trung Quốc đơn phương giới hạn hàng hải cho cuộc tập trận bắn đạn thật trong những ngày qua.

Báo cáo ghi: “Cửa sổ phóng tên lửa vẫn mở cho đến ngày 3/7, và dự kiến ​​quân đội Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm vũ khí trong tương lai gần”.

Đến nay, các quan chức Mỹ chưa công khai bất kỳ loại tên lửa đạn đạo chống hạm nào của Trung Quốc trong thử nghiệm ở biển Đông vào đầu tháng 7, nhưng các nhà quan sát và phân tích cho rằng đó có thể là DF-21D. Loại tên lửa này được thiết kế để có thể vận chuyển trên đường bộ và đường thủy, triển khai tới các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Hoàng Sa hoặc bảy đảo nhân tạo trong tại Trường Sa.

Viet Nam va My len tieng ve viec Trung Quoc thu ten lua o bien Dong

Theo phía Mỹ, Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tới các tiền đồn của mình ở rặng Subi, bãi đá Vành khăn và đảo Chữ Thập thuộc Trường Sa từ năm 2018. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có thể phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D từ lục địa để bắn hạ mục tiêu trong khu vực tại Biển Đông hay không.

Chính quyền Trung Quốc thường đưa ra các Thông báo giới hạn không lưu (NOTAM) trước những vụ thử tên lửa đạn đạo lớn. Trong khoảng thời gian từ ngày 30/6 đến ngày 1/7 đã có một thông báo NOTAM biểu thị vùng nguy hiểm tạm thời giữa Trung Quốc Đảo Hải Nam và một khu vực hạn chế hàng hải riêng biệt ngoài khơi quần đảo Trường Sa.

Khu vực NOTAM và khu vực hạn chế hàng hải cho phép quân đội thử tên lửa đạn đạo từ Hải Nam hoặc lục địa Trung Quốc.

Viet Nam va My len tieng ve viec Trung Quoc thu ten lua o bien Dong

Việc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm tới quần đảo Trường Sa thể hiện một sự thay đổi lớn trong vị thế Trung Quốc ở Biển Đông. DF-21D, từ lâu được mô tả là tên lửa triệt hạ hàng không mẫu hạm với tốc độ siêu thanh (không xuất hiện trên radar phòng thủ), nhưng vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh đã thử nghiệm chúng trên mục tiêu di động mặt nước thực tiễn hay chưa.

Dù vậy, Mỹ và Nhật Bản đều có tàu chiến lớn ở Biển Đông, bao gồm nhóm tấn công của tàu sân bay USS Ronald Reagan và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản, Escort Flotilla 1, do tàu khu trục hoạt động đa năng JS Izumo dẫn đầu.

Mặt khác, tên lửa hành trình chống hạm như YJ-62 của Trung Quốc cũng được triển khai đến Biển Đông. Những tên lửa này xuất hiện trên đảo Woody (Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B được triển khai tới quần đảo Trường Sa năm 2018.

DF-21D được cho là có tầm bắn 1.500 km, thuộc quyền kiểm soát của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, với khả năng tấn công vào lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tên lửa được cộng đồng tình báo Mỹ biết đến với tên gọi CSS-5 Mod 5.

Một tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa khác là DF-26 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 3.000 - 5.471 km. DF-26 là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tiếp cận căn cứ quân sự Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, do đó nó còn được gọi là “Guam Killer”.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh lớn ở châu Á, vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã đề cập đến việc Trung Quốc triển khai tên lửa mới cho Trường Sa: “Trung Quốc quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông bao gồm việc triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị gây nhiễu điện tử và gần đây là việc hạ cánh máy bay ném bom tại đảo Phú Lâm”.

Tuy nhiên, ngày 5/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng quân đội Trung Quốc vừa thực hiện các vụ thử tên lửa ở Biển Đông, thay vào đó, Bắc Kinh nói rằng họ đã tổ chức cuộc tập trận thường lệ liên quan đến việc bắn đạn thật.

Trong một tuyên bố ngắn gọn đáp lại báo cáo từ Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Gần đây, Bộ Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân miền Nam đã bố trí các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần đảo Hải Nam theo lịch tập trận hàng năm. Kế hoạch này không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào”.

Ước tính 3,37 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu lưu thông qua Biển Đông hàng năm, chiếm một phần ba thương mại hàng hải toàn cầu, trong đó bao gồm 80% lượng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc và 39,5% tổng số giao dịch của Trung Quốc. Vì thế,Trung Quốc luôn tìm cách bảo vệ yêu sách của mình tại khu vực.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 4/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam rất quan tâm và theo dõi sát việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và có bắn một số tên lửa chống hạm.

Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực

Linh La (Theo The Diplomat, Finance Twitter, TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI