Vì sao nước nghèo như Việt Nam, học sinh lại giỏi?

22/03/2018 - 08:03

PNO - Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố thu nhập thấp không phải là rào cản những thành tựu trong giáo dục. Điều này đúng với học sinh miền Đông Trung Quốc và Việt Nam.

Rất lâu trước khi nổi lên như là một trong những người đề xướng chủ đạo Brexit, vai trò Bộ trưởng Giáo dục Anh đã đưa ông Michael Gove tới châu Á. Khi nói về chất lượng học tập ở khu vực này, ông tuyên bố hồi năm 2010 rằng "những nơi như Thượng Hải và Singapore khiến chúng ta phải xấu hổ”.

Có lẽ ông Gove không cần phải ngạc nhiên, vì năm trước đó Thượng Hải đứng đầu bảng xếp hạng về khoa học PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được công bố ba năm một lần và xếp loại sinh viên về toán, khoa học và đọc hiểu.

Vi sao nuoc ngheo nhu Viet Nam, hoc sinh lai gioi?
Một cậu bé viết trên bảng trong ngày đầu đi học tại trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội - Ảnh: Reuters

Tám năm sau, không chỉ các trường được tài trợ tốt như ở Singapore đứng đầu bảng xếp hạng PISA năm 2015, vượt xa phương Tây, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về giáo dục ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bản báo cáo có tựa đề "Phát triển thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương" cho biết: "Kết quả trung bình ở Việt Nam và khu vực B-S-J-G (Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông) ở Trung Quốc đã vượt các nước thành viên OECD. Các học sinh này chiếm 12% trong số 330 triệu học sinh trong khu vực - tương đương 1/4 tổng số học sinh toàn cầu”.

Phát hiện cho thấy học sinh từ các khu vực nghèo hơn có thể có kết quả học tập cũng tốt tương đương, đôi khi tốt hơn học sinh các nước giàu.

Michael Crawford, đồng tác giả của báo cáo và chuyên gia giáo dục hàng đầu của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Học sinh Việt Nam và Trung Quốc thuộc nhóm thu nhập thấp thứ hai (các hộ gia đình ở mức thu nhập thứ 21 đến 40) có điểm số tốt hơn so với học sinh trung bình của OECD”.

Ông Crawford cho biết: "Điều này rất đáng lưu ý, vì nhìn chung học sinh các gia đình có thu nhập thấp khó đạt được kết quả trung bình cao hơn học sinh điển hình từ nhóm nước giàu có”.

Bảng xếp hạng PISA gần đây nhất, công bố năm 2015, cho thấy "học sinh nghèo có kết quả học tập thấp hơn 3 lần so với học sinh con nhà giàu”.

Vi sao nuoc ngheo nhu Viet Nam, hoc sinh lai gioi?

Theo ông Trần Văn Hòa, giáo sư Đại học Victoria, Australia, kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu cấp cao Việt Nam và Đông Á, "chính sách giáo dục của Việt Nam được thúc đẩy bởi các đặc điểm của đất nước như truyền thống lịch sử, đặc tính văn hoá và nhu cầu cấp bách để giải quyết cạnh tranh bên ngoài cũng như lợi thế so sánh trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa".

Phát hiện của Ngân hàng Thế giới dường như phản bác khuôn sáo của việc học vẹt đến mụ đầu đã làm tàn lụi các trường học ở những nơi khác trong khu vực, chẳng hạn như ở Thái Lan. Cũng theo Ngân hàng Thế giới, điểm số PISA của Việt Nam "không phải là học vẹt thiếu hiểu biết”.

Edward Vickers, giáo sư về giáo dục so sánh tại Đại học Kyushu, Nhật Bản, đồng ý rằng "khuôn mẫu đó (học vẹt) là sai lầm và thái quá”.

Nhưng những tiến bộ trong giáo dục châu Á chủ yếu là trong các ngành khoa học tự nhiên, toán học và kỹ thuật. Phương pháp giảng dạy khoa học nhân văn hay các môn xã hội ở Trung Quốc vẫn còn "theo quy tắc" và hướng tới việc ngăn chặn tư duy phê phán, giáo sư Vickers nói.

Tuy nhiên, xét tổng thể theo báo cáo, 40% học sinh của 18 nước Đông Á học tập “có kết quả tốt” và không có gì ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục ở các nước như Nhật Bản và Singapore “cho phép học sinh học nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Các khảo sát cho thấy những cải thiện ở các trường châu Á trong những thập kỷ gần đây đang tác động đến chất lượng các trường đại học trong khu vực, một số trường vươn lên trong bảng xếp hạng toàn cầu, mặc dù phần lớn các trường vẫn chưa phải là thách thức đối với các đại học lâu đời ở phương Tây.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong số các nước có kết quả học tập của học sinh yếu kém trong khu vực bao gồm Đông Timor, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Hoàng Diệu (Theo Nikkei Asian Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI