Vì sao Mỹ không thể lật được Tổng thống Assad?

05/04/2016 - 08:04

PNO - Sự yếu kém, lục đục ngay trong Nhà Trắng và chia rẽ trong liên minh đã khiến cho kế hoạch lật đổ Tổng thống Assad trở nên khó khăn gấp bội phần.

Nga ra mặt bảo vệ Assad, Mỹ mập mờ quan điểm

Trong một tuyên bố ngày 4/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực sẽ cản trở triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria.

Đồng thời, ông Ryabkov cũng đề xuất trì hoãn việc thảo luận về vai trò của Tổng thống Assad trong các cuộc đàm phán hiện nay và vấn đề này nên được các bên liên quan trong xung đột Syria quyết định sau này.

Vi sao My khong the lat duoc Tong thong Assad?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: npr.org)

Phát biểu của ông Ryabkov được đưa ra trong bối cảnh lực lượng đối lập, với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây luôn coi sự ra đi của ông Assad là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

Cũng liên quan đến "hòn đá tảng" ngăn cản đàm phán hòa bình Syria, ngày 3/4, Đại diện cho các nhóm đối lập chính tại Syria - Thành viên của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), ông Bassma Kodmani đã gay gắt chỉ trích Mỹ về thái độ mập mờ về tương lai của Tổng thống Assad, đồng thời, kêu gọi Nhà Trắng đưa ra xác nhận ông này sẽ không được "phục chức" trong một chính phủ tương lai.

Gần đây, Hoa Kỳ có một vài ý kiến bóng gió cho rằng ông Assad không nên là một phần của chính phủ đoàn kết chuyển tiếp.

Tuy nhiên, HNC cho rằng quan điểm này vẫn cần một sự xác nhận chính thức từ phía Nhà Trắng, trong thời điểm chỉ 2 ngày sau cuộc họp cấp cao thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Syria giữa Mỹ và Nga.

Trước đây, giới chuyên gia đã từng nhận định về mối quan hệ hợp tác ngầm giữa Washington - Moscow, khi thời gian đó 2 nước thường có các cuộc điện đàm Syria và Ukraine. Bởi vậy khi Nga - Mỹ đồng loạt thể hiện thái độ nghiêng về Assad thì càng xuất hiện thêm các nghi vấn về sự hợp tác 2 siêu cường này.

Mỹ lục đục, hỗn loạn từ nội bộ đến đồng minh

Về phía Mỹ đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy, tầm ảnh hưởng của Mỹ đã giảm đi đáng kể trong việc can thiệp và số phận Tổng thống Syria. Nhà báo Mỹ Rick Moran trong bài viết trên tờ "American Thinker" đã chỉ ra rằng, Tổng thống Mỹ Obama là nguyên nhân gây nên các cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa các nhóm vũ trang do CIA và Lầu Năm Góc huấn luyện tại Syria.

Nhà báo Rick Moran nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do chính sách yếu kém của nhà lãnh đạo Mỹ về các vấn đề Syria.

Vi sao My khong the lat duoc Tong thong Assad?
Mỹ bị chê yếu kém.

"Nếu nói chính sách của tổng thống chúng ta tại Syria là vụng về, vô ích và nguy hiểm, thì ví dụ chính là cuộc đụng độ khôi hài này giữa các tay súng do hai nhánh khác nhau của bộ máy an ninh quốc gia chúng ta huấn luyện," — tác giả bài viết than thở.

Cũng theo ông Moran, tình huống rắc rối này xuất phát từ việc Washington không sẵn lòng hỗ trợ cái gọi là Quân đội tự do Syria (FSA). Mỹ sợ rằng, hỗ trợ FSA sẽ cần đến lính bộ binh và có thể khiến Nga can thiệp.

Ngoài ra, nhà báo này bày tỏ lo ngại về các kế hoạch chống phiến quân IS của tổng thống Obama, đồng thời khẳng định Nga đã cứu thế giới khỏi cuộc xâm lăng Syria của Mỹ.

Những dấu hiệu rạn nứt, sứt mẻ trong các mối quan hệ của Nhà Trắng. Ankara hôm 9/2 đã cho triệu đại sứ Mỹ tại nước này tới để bày tỏ sự không hài lòng trước việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã nói rằng, Mỹ không coi Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd tại Syria như là một tổ chức khủng bố.

Thậm chí, chính quyền Erdogan còn không ngừng tiến hành kế hoạch B cũng như tăng cường nã pháo vào các khu vực có người Kurd tại Syria bất chấp tuyên bố cứng rắn hay mềm mỏng thì phía Nhà Trắng.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ - Ả Rập Saudi hay Ả Rập Saudi và Iran vẫn tiếp tục kéo dài và ngày càng có chiều hướng xấu đi. Tuy nhiên Washington không thể triệt để ngăn chặn và đứng ra làm vai trò hòa giải, kết nối.

Đặc biệt, khi Ả Rập Saudi hôm 2/1 hành quyết 47 tù nhân với tội danh khủng bố, trong đó có cả giáo sĩ Nimr al-Nimr, Nhà  Trắng cũng phản ứng yếu ớt và mất dần vai trò người dẫn đầu.

Giới phân tích cho rằng vì sự yếu kém, lục đục ngay trong Nhà Trắng và chia rẽ trong liên minh đã khiến cho kế hoạch lật đổ Tổng thống Assad trở nên khó khăn gấp bội phần.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI