​Vì sao các nhà báo bất chấp mạng sống để lao vào đưa tin từ tâm bão Irma?

11/09/2017 - 13:30

PNO - Dù bão Irma càn quét, phá nát toàn bộ vùng tây nam Florida, giới phóng viên Mỹ vẫn kiên trì bám trụ hiện trường để có thể cập nhật những thông tin mới nhất về tòa soạn.

Bất chấp với sức gió hủy diệt (hơn 225 km/giờ) và những cơn sóng vọt cao tới hơn 3 mét khi bão Irma đổ bộ, tất cả các kênh và đài lớn như CNN, MSNBC, ABC News, cũng như các kênh truyền hình địa phương đều tường thuật và đưa tin trực tiếp từ tâm bão, với thông tin được cập nhật theo từng phút.

​Vi sao cac nha bao bat chap mang song de lao vao dua tin tu tam bao Irma?

Tuy nhiên, dư luận Mỹ đang tranh cãi gay gắt về việc đây là sự dũng cảm, hết mình vì công việc hay chỉ là hành động liều mạng?

Hôm thứ Bảy vừa qua, khán giả gần như hết hồn khi chứng kiến nữ phóng viên Kyung Lah của kênh CNN suýt chút nữa là bị một tấm biển báo giao thông bay trúng người, trong lúc đang tường thuật cơn bão từ bãi biển Miami.

Tuy vậy, cô vẫn rất điềm tĩnh: “Nếu không phải là có dây thép an toàn cố định tôi với mặt đất, chắc tôi đã bay mất rồi, thưa quý vị khán giả”.

Nhiều khán giả thậm chí còn cảm thấy bức xúc khi phóng viên Miguel Almaguer của kênh NBC News tự treo mình vắt vẻo bên ngoài một tòa nhà vào sáng thứ Bảy (bằng đai bảo hộ lao động) để đưa tin về những trận gió khủng khiếp đang gầm rít khắp Florida.

Một cuộc tranh luận dữ dội đang bùng lên trên các mạng xã hội lớn như Twitter, mà câu chất vấn lớn nhất chính là: vì sao các tòa báo/đài truyền hình lại có thể cho phép nhân viên của họ tác nghiệp tại những khu vực nguy hiểm tính mạng đến như vậy?

Như tờ New York Times đã chỉ ra, nhiều phóng viên hiện trường tin rằng việc đưa tin tại chỗ là cần thiết để cho công chúng “mắt thấy tai nghe” về mức độ nguy hiểm của những cơn bão như Irma.

​Vi sao cac nha bao bat chap mang song de lao vao dua tin tu tam bao Irma?

“Tại sao các phóng viên lại liều mình đưa tin, trong lúc vẫn khuyên người dân làm điều trái ngược 100%?”, phóng viên Mark Strassman của CBS News, người đang ở trung tâm Miami để đưa tin về Irma chia sẻ.

“Một phần là vì truyền hình luôn yêu cầu bằng chứng hình ảnh. Bạn muốn thuyết phục khán giả rằng những gì họ đang xem đều là thật và có ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Nếu như họ chứng kiến tôi đứng ngoài đường và bị gió quật cho điên đảo, thì họ sẽ hoàn toàn tin rằng không nên ngu ngốc mà làm điều tương tự”.

Có chung quan điểm, nhà báo Ted Scouten của CBS4 News cũng cho rằng tường thuật từ hiện trường là việc mạo hiểm nhưng lại là yêu cầu cơ bản của nghiệp vụ.

“Hẳn nhiên, tôi không muốn chết trong lúc đang đưa tin về cơn bão. Chúng tôi đều cố gắng cẩn trọng tối đa khi đưa tin, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng khán giả sẽ có được mọi thông tin họ cần để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình”.

Còn Lah, cô gái suýt bị biển báo giao thông bay trúng người ở trên, chỉ nhún vai: “Tất cả các nguy cơ đều đã được chúng tôi tính toán trước cẩn thận”.

Sự thể hiện của giới phóng viên Mỹ hoàn toàn đối lập với những gì tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng móc mỉa về họ cách đây ít lâu.

Sau khi siêu bão Harvey tàn phá nước Mỹ, ông Trump từng ca ngợi các thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ vì đã “liều mình xông vào những khu vực mà truyền thông sẽ không dám vào” để giải cứu người dân.

Điều mà ông Trump không nhận thấy, hoặc cố tình không nhận thấy, là họ - các phóng viên – còn liều mình quá mức cần thiết khi tường thuật về những thảm họa như Harvey.

Phương Lâm (Theo Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI