USD phục hồi, nhiều doanh nghiệp lo lắng

19/12/2015 - 07:56

PNO - Ngay khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng USD liền tăng giá. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn.

Hội đồng thị trường mở (FOMC) đã chính thức nâng lãi suất cho vay lên 0,25 - 0,5%, chấm dứt bảy năm lãi suất tiệm cận mốc 0%. Đối với Mỹ, đây chính là tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đã chính thức thoát khỏi bóng ma của cơn khủng hoảng tài chính năm 2007- 2009.

Sau đợt tăng lãi suất này, giới quan chức FED cũng dự báo lãi suất sẽ tăng lên 1,375% vào cuối năm 2016, lên 2,375% trong hai năm tới và 3,25% tính đến cuối năm 2018. Theo tính toán, sẽ có bốn đợt tăng lãi suất trong năm 2016, mỗi lần tăng 0,25%.

USD phuc hoi, nhieu doanh nghiep lo lang
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Theo giới đầu tư, cùng với việc tăng lãi suất, quyết định của FED khiến đồng USD tăng giá ngay so với euro và yên Nhật. Chuyên gia tại công ty State Street Global Advisors cũng dự đoán đà tăng giá của đồng USD chưa dừng lại, nó còn phụ thuộc vào kế hoạch nới lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản.

Nhìn diễn biến của đồng USD, giới đầu tư trong nước tỏ ra lo ngại vì việc trượt giá mạnh của đồng euro, yên Nhật cũng như các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ thế giới ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước.

Thừa nhận điều này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, tỷ giá USD tăng so với euro và yên Nhật khiến các DN xuất khẩu lao đao. Thời gian qua, khi đồng USD tăng giá thì euro và yên Nhật lại giảm giá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu thủy sản.

Nay, USD tiếp tục tăng giá mạnh kéo theo sức tiêu thụ của thị trường này đi xuống. Các nhà nhập khẩu của thị trường châu Âu, Nhật Bản cũng chèn ép, hạ giá mua khiến DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu. Vì thế, các DN trông đợi vào động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc nới thêm biên độ tỷ giá hỗ trợ DN.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các thị trường trên thế giới đang sụt giảm. Vì thế, các nhà nhập khẩu cũng luôn ép giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ, một DN xuất qua thị trường châu Âu được thanh toán bằng euro. Các DN lĩnh vực xuất khẩu chịu thiệt thòi khi euro giảm giá mạnh so với đồng USD trong thời gian qua.

Hiện, đồng USD lại tăng giá mạnh so với euro khiến các DN chịu thêm tác động. Đáng chú ý là nhóm các DN xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu được trả bằng đồng euro, nhưng bán hàng ra thu về bằng đồng USD.

Đồng USD đang tăng mạnh so với euro, trong khi tiền đồng được kiểm soát thì tỷ giá sẽ tăng lên so với euro. Hiện đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu. Trong đó, có những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Quỳnh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI