Úc “dẹp loạn” bắt nạt trẻ em trên mạng xã hội

04/11/2014 - 08:51

PNO - PN - Năm 2013, có 463.000 trẻ ở Úc bị bắt nạt trên mạng xã hội (gồm các trang như Facebook, Twitter, Instagram...). Các em phải chịu sự nhạo báng, châm chọc, chỉ trích bởi những từ ngữ thô tục của nhiều người. Xác định đây là mối...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đại diện Bộ Truyền thông Úc tuần qua chính thức cho biết, một đạo luật bảo vệ người dùng mạng xã hội là trẻ em, thiếu niên sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Bất cứ lời lẽ xúc phạm nào, sau khi bị phát hiện, cảnh cáo mà không xóa kịp thời thì chủ tài khoản sẽ bị cảnh sát liên bang mời về làm việc. Nhiều khả năng đối tượng đó đối mặt với các hình thức phạt theo luật định. Song song đó, các nhà mạng xã hội cũng liên đới chịu trách nhiệm và bị chính quyền Úc buộc xóa những nội dung xấu.

Thư ký Quốc hội chuyên phụ trách Bộ Truyền thông Úc, ông Paul Fletcher công bố thông tin về đạo luật trên tại hội thảo “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước làn sóng thông tin trực tuyến”. Ông Fletcher chia sẻ: “Bắt nạt trên các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay, nhất là mạng xã hội, để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Nó khiến nạn nhân hoang mang, căng thẳng, dẫn đến rối loạn hành vi, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực như tự sát để trốn thoát khỏi áp lực. Nhờ có mạng xã hội mà hành vi bắt nạt càng dễ thực hiện. Chỉ bằng vài câu chữ, hình ảnh, một kẻ thiếu thiện chí có thể vu khống, bôi nhọ bất kỳ ai. Những người dùng thiếu suy nghĩ khác nếu “hùa” theo bằng cách bình luận, chia sẻ dòng thông tin ấy lại càng khiến mọi việc đi xa hơn. Đến một lúc nào đó không ai có thể kiểm soát được”.

Uc “dep loan” bat nat tre em tren mang xa hoi

Nạn nhân của tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội rất dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý - Ảnh: Alamy

Chính phủ Úc lần này quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống bắt nạt bằng phương tiện mạng xã hội, và đã giao cho các chuyên gia hàng đầu về xã hội học và giáo dục thực hiện. Một cuộc khảo sát để hiểu rõ hơn về thực trạng bắt nạt thông qua mạng xã hội đã được tiến hành. Kết quả thực sự gây choáng. Năm 2013, có đến 20% em học sinh từ 8-17 tuổi bị bêu xấu, chửi mắng trên mạng xã hội. Độ tuổi bị nhắm đến nhiều nhất là 10-15 tuổi.

Điều đáng mừng là chủ nhân của những lời lẽ hung bạo, thách thức trên mạng xã hội lại là những đối tượng biết sợ luật pháp. Chuyên viên tư vấn Julianne Elliott, người hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu niên, trẻ em tại đường dây Legal Aid cho biết: “Năm 2013, tôi nhận được 50 cuộc gọi nhờ giúp đỡ về thông tin pháp lý sau khi đối tượng bị cảnh sát, gia đình điều tra liên quan đến những tin nhắn, thư điện tử và thông tin xúc phạm nạn nhân”. Cô Julianne Elliott nói: “Số lượng này là khá ít so với số nạn nhân chịu cảnh bị “hành hung” bằng câu chữ thô tục, nhưng đó là dấu hiệu khả quan. Từ đó, nếu việc giám sát và áp đặt chế tài, hình phạt nghiêm khắc, cứng rắn sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng này”.

Ông Fletcher cho biết thêm: “Một số cá nhân lo ngại luật mới ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Quyền này là rất quan trọng nhưng nó không thể vượt qua giới hạn, khiến ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của trẻ em”.

Đây không chỉ là vấn nạn ở Úc mà có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều quốc gia khác, nơi người trẻ có thể truy cập mạng xã hội một cách nhanh chóng. Ở Anh từng có một trường hợp gây chấn động dư luận. Năm 2013, nữ sinh Hannah Smith (14 tuổi) treo cổ tự sát trong phòng ngủ sau khi em bị nhục mạ, tấn công bằng lời lẽ thô bạo trên trang Ask.fm.

 THIÊN ANH (Daily Mail, Sydney Morning Herald, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI