Tự sướng… tự xấu!

10/04/2015 - 12:36

PNO - PN - Năm 2013, từ “selfie” (chụp ảnh tự sướng) được đưa vào từ điển Oxford. Năm 2014, thiết bị gậy tự sướng cũng có mặt trên thị trường nhằm đáp ứng trào lưu khó cưỡng này. Sắp tới đây, giày tự sướng sẽ có mặt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chụp ảnh tự sướng len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, trở thành cơn sốt không chỉ với giới trẻ mà còn với các chính trị gia, nhân vật nổi tiếng. Thế nhưng, không phải bức ảnh selfie nào cũng được ủng hộ và không phải hành vi chụp selfie lúc nào cũng an toàn nếu xét ở góc độ luật pháp.

Ngày 6/4, trong chuyến thăm Úc với tư cách là thành viên không quân Hoàng gia Anh, Hoàng tử Harry có cuộc gặp thân mật với người dân Úc. Nhiều người muốn chụp selfie với hoàng tử nhưng Hoàng tử Harry đã thẳng thắn từ chối và cho biết ông không thích kiểu chụp hình này mà muốn được chụp bởi góc máy bình thường. Câu nói của hoàng tử nhanh chóng được lan truyền, trở thành đề tài bàn tán của nhiều người. Là hiện tượng toàn cầu nhưng ngày càng có những giới hạn mà người chụp ảnh selfie nếu không hiểu rõ có thể đẩy mình vào rắc rối ngoài ý muốn.

Bị chỉ trích nhiều nhất gần đây là loạt ảnh selfie phản cảm của bảy cô gái trước hiện trường một vụ cháy ở East Village (New York, Mỹ) làm hai người thiệt mạng. Những công dân trẻ này vô tư cười đùa trong khi mọi người đang khẩn trương dập tắt đám cháy và lo lắng cho tính mạng nạn nhân. Đây không phải trường hợp đầu tiên. Trong vụ bắt cóc con tin ở Sydney (Úc) thế giới cũng chứng kiến hành động tương tự, khi những du khách vô cảm “tự sướng” ngay gần hiện trường xảy ra vụ bắt cóc.

Tụ suóng… tu xau!

Tụ suóng… tu xau!

Chụp selfie với sư tử và hổ để chứng tỏ sự dũng cảm - Ảnh: Telegraph

Một số quốc gia đã bước đầu xây dựng quy định cụ thể của pháp luật và các nguyên tắc theo văn hóa, tôn giáo từng nơi để tránh sự phản cảm hay tác hại nhất định. Từ đầu năm nay, nhiều bang trên khắp nước Mỹ bắt đầu áp dụng luật cấm chụp ảnh selfie với hổ vì ngày càng có nhiều người muốn chứng tỏ sự... dũng cảm bằng cách cố có được bức ảnh với hổ. Trong đó, New York là nơi đầu tiên cấm du khách tiếp xúc hoặc selfie với các loài thú dữ ở vườn thú. Ai vi phạm sẽ bị phạt từ 500 - 1.000 USD.

Tại hồ Tahoe (bang California), các nhân viên quản lý kiểm soát gắt gao, không cho du khách “buông thả” với kiểu ảnh đầy nguy hiểm này. Đại diện công viên cho biết, gần đây, nhu cầu chụp selfie của du khách với gấu tăng mạnh. Trước đó, một cặp đôi đã bị tê giác tấn công khi họ cố selfie để có bức ảnh ấn tượng như lời khuyến khích của một hướng dẫn viên du lịch. Trong số 930 quy định pháp luật được triển khai áp dụng ở Mỹ năm nay còn có quy định cấm đăng ảnh, đoạn quay tự sướng của chính chủ nhân bức ảnh nếu đó là hình ảnh với cá nhân khác trong tư thế nhạy cảm và chưa được sự đồng ý của người còn lại.

Tụ suóng… tu xau!

Leo lên những tòa nhà cao chọc trời - The Princess Tower 101 tầng (cao hơn 411m) tại Dubai chỉ để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ

Gậy tự sướng hiện đang là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc chụp ảnh selfie. Thế nhưng, chức năng bluetooth giúp kết nối gậy và điện thoại chụp ảnh đang gây khó cho người dùng. Vì chức năng đặc biệt này, gậy tự sướng trở thành thiết bị có khả năng truyền phát tín hiệu, ảnh hưởng đến thiết bị thu sóng điện tử. Nếu chiếu theo luật về các thiết bị điện tử không dây ở Hàn Quốc thì những thiết bị này phải được chứng nhận an ninh quốc gia và được sử dụng vì mục đích dân sự. Những ai bán thiết bị trên mà không đăng ký sẽ phải nộp phạt 30 triệu won (khoảng 600 triệu VNĐ), thậm chí có thể đối mặt với án tù ba năm.

Chưa bao giờ việc chụp ảnh lưu niệm trong các chuyến du lịch lại dễ thực hiện như hiện nay, khi có “trợ thủ” gậy tự sướng. Thế nhưng, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới đã nói không với công cụ này để bảo vệ mỹ quan, tránh cản trở tầm nhìn của du khách cũng như bảo đảm an toàn cho các hiện vật. Chưa nói đến việc, gậy tự sướng có thể trở thành hung khí cho bất cứ ai. Nhiều nơi ở Pháp như cung điện Versailles Trung tâm triển lãm đương đại Georges Pompidou, bảo tàng lừng danh nhất Paris Louvre đã áp dụng quy định cấm dùng bất cứ vật gì chĩa vào hiện vật.

Trước đó, gậy tự sướng đã bị cấm ở Bảo tàng Smithsonian tại Washington DC (Mỹ), nhà hát O2 ở London, sân vận động White Hart Lane hoặc Wembley (Anh). Bãi biển Garoupe (Pháp) cũng không cho khách tham quan chụp ảnh tự sướng vì họ cho rằng liên tục chụp ảnh ở một nơi hoang sơ như thế sẽ phá hỏng việc thưởng ngoạn thiên nhiên của chính người chụp ảnh và những người xung quanh.

Tụ suóng… tu xau!

Vừa đua với bò vừa selfie - Ảnh: CNN

Bất chấp mọi rủi ro với tính mạng để có bức ảnh tự sướng “không đụng hàng”, đạt độ “liều” đến tận cùng để được tán thưởng, là tâm lý của nhiều người. Trong đó, có những cá nhân bất chấp quy định của chính quyền Pamplona, nơi tổ chức lễ hội chạy đua với bò thường niên. Năm ngoái, một công dân Anh bị phạt 4.000 USD vì cố tình phạm luật, để chụp cận cảnh ảnh anh này đã đua cùng những chú bò. Nhiều người gán cho tấm ảnh này là ảnh selfie nguy hiểm nhất, không phải để tung hô anh ta mà khuyến cáo những ai có ý định tương tự.

Nhiều ý kiến chỉ trích rằng luật cấm selfie hoặc cấm mua bán trái phép gậy tự sướng ở một số nơi là… bước lùi của văn hóa. Ảnh tự sướng là xu hướng, nhưng không có nghĩa điều này có thể vượt qua mọi hàng rào giới hạn. Điều chỉnh hành vi để có những bức ảnh selfie văn minh mới là bước tiến thực sự mà trào lưu này cần hướng đến.

 THIÊN ANH
(Theo Time, RT, Straits Times)

Không phải bức ảnh selfie nào cũng được ủng hộ và không phải hành vi chụp selfie lúc nào cũng an toàn nếu xét ở góc độ luật pháp.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI