'Tự sướng' trên đống hoang tàn

28/12/2018 - 08:16

PNO - Trong khi người dân Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm thi thể các nạn nhân, nỗ lực di dời thì nhiều du khách lại cố chụp ảnh tự sướng cảnh hoang tàn.

'Tu suong' tren dong hoang tan

Những nụ cười không nên xuất hiện trong bức ảnh của Solihat

Họ rảo quanh khu vực giờ chỉ còn là bãi bùn đất, hăm hở chụp ảnh selfie. Họ “bao biện” rằng, đây là những hình ảnh chứng minh họ đã đến và giúp đỡ sau thảm họa sóng thần. Họ chụp ảnh cùng những mất mát đau thương ấy và nở nụ cười thật tươi, bất chấp việc bị xem là phản cảm.

Một trong những bức ảnh được nhắc đến nhiều nhất là bức ảnh Solihat (40 tuổi) chụp cùng 3 người bạn ở bãi đất mênh mông nước, ngổn ngang xe hơi và cả những dụng cụ làm nông ở tỉnh Banten.

Trong ảnh, có người còn đưa hai ngón tay (ý nghĩa chiến thắng) tạo dáng. Solihat cho biết, chị cùng nhóm bạn đại diện cho một nhóm phụ nữ Hồi giáo ở thành phố Cilegon, đã dành 2 giờ đi khắp khu vực này, phân phát quần áo cho người dân may mắn sống sót. Việc chụp hình chỉ để đăng lên mạng xã hội, để báo cáo với mọi người việc nhóm chị đã đến hỗ trợ. 

Bất chấp giải thích của Solihat, nhiều người bình luận: “Có nhất thiết phải là ảnh tự sướng và có nhất thiết phải cười tươi như thế không?”, “Đâu cần bức ảnh này thì thế giới mới biết chuyện gì đang xảy ra ở Indonesia. Truyền thông đã làm việc đó rất tốt rồi”. 

'Tu suong' tren dong hoang tan

Anh Bahrudin thất vọng và bức xúc khi thấy nhiều người chụp ảnh tự sướng tại nơi đầy tang thương

Anh Bahrudin - một trong những người dân sinh sống ở khu vực bị sóng thần ảnh hưởng, nhà cửa và xe cộ đang bị nhấn chìm trong đống hoang tàn - bức xúc chia sẻ: “Những hình ảnh tự sướng ấy thật nhẫn tâm. Tôi không hiểu họ thể hiện sự vui vẻ gì ở đây”. Anh liên tục lặp đi lặp lại cảm nghĩ thất vọng khi nơi bị sóng thần tấn công bất ngờ trở thành địa điểm nổi tiếng nhờ những hình ảnh đăng trên mạng xã hội.

Gần 1.500 người bị thương, hơn 150 người mất tích trong vùng ảnh hưởng của sóng thần. Hy vọng tìm được người sống sót dưới đống gạch vụn gần như bằng 0. Dù có cảnh báo khu vực bị sóng thần đánh chưa thực sự an toàn, lực lượng cảnh sát và quân đội vẫn xông vào tìm kiếm, cứu nạn.

Thông tin Guardian cập nhật ngày 27/12 cho biết: gần 22.000 người phải di tản sau thảm họa. Hiện chính quyền Indonesia vẫn tiếp tục duy trì cảnh báo người dân tránh xa khu vực duyên hải. Núi lửa Krakatau hiện vẫn tiếp tục phun trào và theo các chuyên gia, khả năng trận sóng thần thứ hai xuất hiện là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Những người dân sống sót đang phải chạy đua với thời gian. Nhân viên của các tổ chức nhân đạo cho biết: nước sạch, thuốc men đang cạn kiệt dần. Những đứa trẻ quặt quẹo ở các khu tị nạn đang chống chọi với những trận sốt, mất nước, sức khỏe suy yếu. 

Đến ngày 27/12, những người sống sót vẫn tiếp tục xếp hàng chụp ảnh và lấy mẫu DNA nhằm giúp xác định danh tính, tìm người thân cho các thi thể đã được đưa vào bờ. Tất cả điều đó không cần thiết để lưu lại bằng những kiểu selfie vô cảm, những bao biện vô hồn về sự mất mát, sống sót của đồng loại. 

Thiên Như 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI