Từ nhà giáo đến chính trị gia

19/11/2018 - 08:03

PNO - Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, bà Jahana Hayes - chủ nhân của danh hiệu “Nhà giáo của năm 2016” - đã vinh dự trở thành người phụ nữ gốc Phi đầu tiên đại diện cho bang Connecticut tại Quốc hội Mỹ.

Tu nha giao den chinh tri gia
Jahana Hayes là phụ nữ gốc Phi đầu tiên đại diện cho bang Connecticut tại Quốc hội Mỹ

Chiến dịch tranh cử của bà Jahana Hayes gắn liền với sứ mệnh tạo dựng môi trường giáo dục lý tưởng mà ở đó, giáo viên chính là hạt nhân trao truyền tinh hoa, lan tỏa giá trị tích cực cho thế hệ tương lai.

Jahana Hayes là giáo viên dạy môn lịch sử và đảm đương nhiều vị trí trong các tổ chức hỗ trợ giáo dục. Kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục cho bà Hayes góc nhìn tường tận, hiểu rõ về những điều thế hệ trẻ cần, thay vì định hướng giáo dục đóng khung, cứng nhắc. Hayes hiểu học sinh ngày nay cần gì và hiểu nhiệm vụ của người làm giáo dục trong thời đại này chính là giữ lấy tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ, cho các em khoảng không gian vẫy vùng, sáng tạo với điều kiện duy nhất là giữ lấy giá trị nhân văn. Trong phiên tranh luận hồi tháng Mười với ứng viên đảng Cộng hòa - Manny Santos, bà Hayes đã ghi điểm trước cử tri nhờ cách phản ứng quyết liệt, phản đối cách đáp trả thù hằn, hủy hoại sự sống thay vì giáo dục giá trị nhân văn.

Hayes đã chiếm được lòng tin của cử tri bằng những trải nghiệm thực tế. Bà từng làm việc trong một trường trung học có đến 1.300 trẻ và với bất cứ lớp học nào có cơ hội làm việc cùng, Hayes cũng luôn đặt hết niềm tin vào các em. Bà xây dựng trong học trò lòng tự tôn mà không cần bất cứ nguyên tắc kỷ luật khắc nghiệt nào. Năm 2012, Trường Sandy Hook từng chứng kiến vụ xả súng kinh hoàng, giết chết 20 học sinh. Đó là nỗi ám ảnh không chỉ với ngành giáo dục mà với tất cả người dân ở bang Connecticut. Nó khiến mọi người hoang mang và dễ dàng thể hiện thái độ chọn bạo lực đáp trả bạo lực. Hayes xem lựa chọn như thế là hủy hoại tinh thần giáo dục, vì cuối cùng, mục tiêu sâu sắc, thiêng liêng nhất của giáo dục là sự thấu hiểu và chuyển hóa.

Jahana Hayes đã đưa ra những kế hoạch hỗ trợ, đồng hành cùng giáo viên, tăng quỹ trường học, tạo môi trường lý tưởng nhất cho học sinh thuộc mọi thành phần xã hội. Bà đặc biệt lưu tâm đến những học sinh yếu thế, dễ gặp trở ngại trong việc thể hiện bản thân như cộng đồng LGBTQ (đối tượng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và chưa xác định được giới tính), trẻ em thuộc các gia đình nhập cư. Hoàn cảnh không làm nên số phận và đó là niềm tin lớn lao mà những nhà giáo có thể gieo vào suy nghĩ của thế hệ trẻ, hướng các em đến ước vọng đủ lớn, vượt qua thực tại quá đỗi khó khăn.

Tu nha giao den chinh tri gia
Jahana Hayes nhận danh hiệu “Nhà giáo của năm 2016” do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng

Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng được Hayes tự hào chia sẻ chính là chuyện đời bà. Hayes lớn lên ở khu nhà mở tại Waterbury, bang Connecticut mà thiếu vòng tay người cha. Hai người phụ nữ quan trọng nhất với Hayes chính là bà ngoại và người mẹ vật vã trong nghiện ngập. Hayes mang thai con đầu lòng khi còn là học sinh. Nghịch cảnh gia đình cùng biến cố phải làm mẹ quá sớm đã không vùi dập tương lai Hayes, vì bà may mắn có những người dẫn đường tuyệt vời. Họ là những người thầy, người cô đã dành sự ưu ái cho Hayes, luôn động viên và gửi sách về tận nhà cho bà trau dồi, kể cho bà nghe những câu chuyện về nghị lực sống, vươn lên với ý chí mạnh mẽ. Họ đã thúc đẩy Hayes tiến về phía trước, khuyến khích bà phải mơ giấc mơ lớn, phải luôn mong muốn cuộc đời rồi sẽ khác đi.

Thành công của Hayes hôm nay chính là quả ngọt của sự đỡ nâng từ chính thầy, cô của bà. Khi chọn và sống với công việc của một nhà giáo, điều Hayes trăn trở nhất là làm sao tạo được động lực và duy trì ngọn lửa khát khao của những học sinh cũng có xuất thân chẳng mấy thuận lợi như bà. Hayes luôn nhắc nhở bản thân phải gieo nơi học sinh niềm tin vào sự thay đổi.

Khi mọi người nhắc về cuộc đua trên chính trường, về chính sách thuế, việc làm, mục tiêu kinh tế… thì Hayes nghĩ đến “sợi chỉ đỏ” giáo dục - linh hồn trong mỗi chính sách. Hayes quay về, tìm kiếm sự củng cố giá trị con người. “Bàn cãi đúng, sai về một chính sách, định hướng chính trị sẽ là vô nghĩa nếu không nghĩ đến nền tảng giá trị nhân văn, về con người cụ thể. Điều ấy thì chỉ có giáo dục toàn diện mới chạm đến được. Đó là lý do mà chính trị gặp gỡ giáo dục” - bà khẳng định. 

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Hayes một mực phản đối chính sách ủng hộ trang bị vũ khí cho giáo viên. Với bà, giáo dục có một nguyên tắc bất di bất dịch: không ngừng gieo yêu thương và niềm tin. Việc trao vũ khí cho giáo viên sẽ có thể buộc họ phải “xông lên”, đáp trả tấn công bạo lực, khiến trường học, giảng đường trở thành môi trường đầy rẫy nỗi bất an, nguy hiểm.

(theo pbs.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI