Tự do hàng hải trên Biển Đông là trước hết

31/07/2019 - 07:29

PNO - Triều Tiên, Biển Đông sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại các diễn đàn ở châu Á - Thái Bình Dương cuối tuần này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến Bangkok (Thái Lan) ngày 1/8, để sáng hôm sau dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Bên cạnh cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, tin cho hay ông Pompeo cũng sẽ có các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng với các quan chức Triều Tiên bên lề những cuộc họp.

Tu do hang hai tren  Bien Dong la truoc het
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có mặt ở châu Á và Thái Bình Dương đầu tháng 8/2019, trong bối cảnh căng thẳng diễn ra ở Đông Á và Biển Đông - Ảnh: AP

Kiên định đối thoại với Bình Nhưỡng

Khi được hỏi về các hoạt động ngoại giao liên quan đến Triều Tiên, trong một sự kiện diễn ra ở Washington hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ nói, vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng không hủy hoại các nỗ lực ngoại giao hiện nay của phía Hoa Kỳ. 
Những ngày qua, nhằm khẳng định chắc chắn về vấn đề Triều Tiên, Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp xây dựng lòng tin, tạo tiền đề cho đối thoại và để các nhà ngoại giao nỗ lực hướng tới hòa bình vĩnh viễn cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Niềm tin với các đồng minh chiến lược cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Morgan Ortagus bảo đảm, sau sự kiện Triều Tiên thử tên lửa: “Chúng tôi sẽ tiếp tục minh định với các đồng minh của mình - những quốc gia phải đối mặt trực tiếp với vấn đề này”.

Tuy nhiên, có tin cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ không tham dự các cuộc họp liên quan đến ASEAN tại Bangkok - điều lạ, bởi trước đây, Bình Nhưỡng luôn cử các nhà ngoại giao đến tham dự. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc đều có mặt ở EAS.

Từ Thái Lan, ông Pompeo sẽ tới Úc ngày 4/8. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ mới tuyên thệ nhậm chức - Mark Esper - sẽ cùng ông Pompeo đến Sydney để dự tham vấn ngoại giao - quốc phòng Úc - Hoa Kỳ (AUSMIN). Ngày 5/8, ông Pompeo sẽ là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm Liên bang Micronesia - đảo quốc ở Thái Bình Dương. Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau lễ tuyên thệ của tân Tổng thống David Panuelo.

Ngoài việc tài trợ hơn 350 triệu USD vào các dự án hỗ trợ kinh tế cho đảo quốc Palau và Marshall, Hoa Kỳ sẽ làm việc với Liên bang Micronesia, nhằm “giữ cho khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương được tự do và cởi mở”.

Tu do hang hai tren  Bien Dong la truoc het
Cùng với việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính - Vũng Mây, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh còn cho tàu hải cảnh trang bị vũ khí nặng đến khiêu khích giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật tại lô 06-01, thuộc dự án Nam Côn Sơn của liên doanh Nga - Việt

Đi qua Biển Đông bằng sức mạnh dân chủ

Trở lại vấn đề Biển Đông - khu vực giàu tài nguyên của ASEAN mà các quốc gia Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, cũng như Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền - ngày càng căng thẳng vì các hoạt động “thăm dò” của Trung Quốc được tàu chiến hộ tống. Hoa Kỳ luôn phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách bất hợp pháp của họ ở Biển Đông. Washington kêu gọi một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi rất lo ngại” - bà Ortagus nói trong một cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến các vụ phóng tên lửa chống hạm gần đây của Trung Quốc, cũng như các công trình san lấp đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp và sự “đối đầu” giữa Trung Quốc - Việt Nam gần đây. Tuyên bố về các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - Eliot Engel - gọi đó là sự xâm lược. “Sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế. Đồng thời, hành vi của Trung Quốc cũng đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực này” - ông Engel nói.

Các cuộc gặp của ông Pompeo với Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cũng diễn ra trong bối cảnh nói trên, khi các hành động của Trung Quốc ngày càng tỏ rõ quyết tâm thôn tính vùng biển nhiều tài nguyên và là tuyến đường hàng hải quan trọng của Việt Nam.

Bình luận trên diễn đàn Hải quân Hoa Kỳ, cựu biên tập viên tạp chí Navy Times - John Grady nói, những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông rơi vào vùng “xung đột xám” với Mỹ, ám chỉ các hoạt động bắt nạt và cưỡng bách như đâm tàu đánh cá, quấy rối việc khảo sát dầu mỏ của Việt Nam và Malaysia.

Việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo san hô vào năm 2016 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần cho các tàu đánh cá quân sự, tàu cảnh sát biển và tàu chiến năm 2017 mà không gặp thách thức trực tiếp nào đã khiến Bắc Kinh tin rằng, sự đe dọa hiện tại sẽ khiến Việt Nam, Philippines và Malaysia phải chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Theo John Grady, Washington sẽ quyết thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhằm bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. Nghĩa là Bắc Kinh sẽ không thể mặc sức vi phạm luật pháp quốc tế.

“Hoa Kỳ cần phải liên tục di chuyển qua các vùng biển bị tranh chấp trên toàn cầu”, Đô đốc Scott Swift - cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương - nói trong một sự kiện tại trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của hải quân. Theo ông Swift, cũng như Hoa Kỳ, mọi quốc gia phải hiểu rằng, sức mạnh không được đo bằng quân đội, mà bằng sức mạnh của nền kinh tế. Từ đó, sức mạnh thực sự của quân đội không phải là khí tài mà nằm ở nền dân chủ và cam kết của mọi chính quyền vào sự thích nghi với lợi ích toàn cầu. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI