Trung Quốc thề sẽ 'hành động' nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Á

09/08/2019 - 09:58

PNO - Một cách thận trọng, Bắc Kinh “khuyên” các quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, không nên cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trong lãnh thổ của mình.

Dẫn nguồn từ hãng thông tấn AP, Thời báo Đài Bắc cho hay, Trung Quốc tuyên bố sẽ không “đứng yên” và sẽ có biện pháp nếu Hoa Kỳ cho triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điều mà Washington nói sẽ thực hiện trong vòng vài tháng.

Nhắc khéo về vũ khí hạt nhân

Tuyên bố trên được đưa ra bởi Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) hồi tuần trước. Động thái của Chú Sam, được Fu nhận định sẽ tác động tiêu cực đến chiến lược ổn định toàn cầu, cũng như vấn đề an ninh ở Châu Âu cùng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

“Trung Quốc bị buộc phải có biện pháp đối phó nếu Mỹ triển khai tên lửa đất đối không tầm trung ở khu vực này”, ông Fu nói với các phóng viên.

Theo lời một quan chức Mỹ, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc không sớm thì muộn Washington cũng công bố kế hoạch phát triển và thử nghiệm tên lửa tầm trung trên đất liền ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quoc the se 'hanh dong' neu My trien khai ten lua o chau A
Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong tuyên bố nước này sẽ không để yên và thề sẽ hành động nếu Mỹ triển khai tên lửa ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AFP

Fu “khuyên” các quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, nên thận trọng và không cho phép Mỹ triển khai các loại vũ khí như vậy trên lãnh thổ của mình, bởi nó sẽ “không phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia” của các nước này.

Như chúng ta biết, cuối tuần rồi, tại Sydney, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chính thức cho biết siêu cường muốn triển khai tên lửa tầm trung thông thường ở Châu Á - Thái Bình Dương, trong vài tháng tới.

Vì lẽ đó, Fu cho biết về một vấn liên quan, đó là Bắc Kinh không có ý định tham gia các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga. Lý do mà Fu đưa ra rằng có một khoảng cách lớn về quy mô kho vũ khí của Trung Quốc so với hai cường quốc kia.

Theo ước tính của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc chỉ có khoảng 290 đầu đạn hạt nhân được triển khai, ít hơn nhiều so với 1.600 của Nga và 1.750 của Mỹ.

“Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế tối đa trong việc phát triển kho vũ khí của mình và kiên định với chính sách rằng sẽ không phải là người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột”, Fu nói.

Fu nói tiếp: “Vào thời điểm này, tôi không tin đó là điều hợp lý hoặc thậm chí công bằng, khi mong đợi Trung Quốc tham gia vào một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí”.

Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí Trung Quốc Fu không nêu chi tiết về những biện pháp mà Trung Quốc đang cân nhắc chống lại Mỹ. Ông Fu chỉ quả quyết “tất cả mọi thứ đều đã có trên bàn”, cho dù cũng khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Tương tự, đối với các nước tổ chức cho Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung trên đất liền của mình, Fu cũng không cho biết cụ thể biện pháp trả đũa nào. Trước đây, họ đã từng dùng các biện pháp kinh tế để “trừng phạt” Hàn Quốc khi quốc gia này triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Chú Sam.

Fu bác bỏ cách giải thích của Mỹ bằng các “nguyên nhân thuần túy” khi rời bỏ hiệp ước hạt nhân. Ông cho rằng Washington chỉ đang kiếm một cái cớ để phát triển vũ khí mới. “Nếu Mỹ thực sự tin rằng Nga đang lừa dối hiệp ước như đã tuyên bố, thì con đường phải hướng tới là đàm phán, thay vì rút khỏi bàn hội nghị”, Fu nêu quan điểm.

Phản ứng của những “địa chỉ đỏ”

Trong khi đó, theo Reuters, phản hồi trước các tuyên bố của Mỹ về việc đặt tên lửa tại Châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hôm thứ hai 5/8, địa điểm đặt các bệ tên lửa chưa được tiết lộ, nhưng Úc sẽ không nằm trong số đó.

Tuy quan chức hai chính phủ đã có cuộc hội đàm tại Sydney vào cuối tuần qua, kết thúc bằng một tuyên bố chung, trong đó hai đồng minh cam kết tăng cường sự phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng lo ngại về ảnh hưởng lan rộng của nước này.

Nội dung hội đàm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về tham vọng triển khai tên lửa ở khu vực trong những tháng tới sau khi Washington rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt tuần trước, đã khiến có suy đoán rằng Úc đã được yêu cầu là một trong những địa điểm đặt tên lửa. Nhưng trả lời báo chí, Morrison đã phủ nhận. Ông cho hay không có yêu cầu nào được đưa ra, đồng thời nói rằng Úc cũng sẽ từ chối nếu được yêu cầu.

Theo giới quan sát, sự gia tăng căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh, cả về thương mại lẫn tự do hàng hải ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, đã khiến Úc rơi vào tình thế khó xử. Một bên, Mỹ là đồng minh lớn nhất và phía còn lại, Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xứ sở Kangaroo.

Cũng tuần trước, Bắc Kinh đánh giá những nỗ lực của Úc nhằm cải thiện quan hệ song phương là không đạt yêu cầu. Còn Úc rất quan ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng chiêu bài “viện trợ” hòng củng cố ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia nhỏ, cũng như kiểm soát những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên ở Thái Bình Dương.

Cường quốc ở Nam Thái Bình Dương này đã hứa sẵn sàng tiêu tốn 3 tỷ đô la Úc (tương đương hơn 2 tỷ USD) cho các khoản tài trợ và vay lãi suất thấp để chống lại đường lối ngoại giao cho vay ngắn hạn của Trung Quốc, những điều mà Washington đã liên tục cảnh báo.

Trung Quoc the se 'hanh dong' neu My trien khai ten lua o chau A
Ảnh minh hoạ của trang California Sun về sự đối đầu Mỹ - Trung

Liên quan đến Hàn Quốc, quốc gia bị Bắc Kinh nêu tên “hàng đầu” trong tuyên bố doạ nạt chống lại kế hoạch “dàn trận” tên lửa của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, mới đây nhất, ngày 7/8, trên Fanpage của Tổng thống Donald J.Trump đã tiết lộ vấn đề khá nhạy cảm.

Dòng trạng thái viết: “Hàn Quốc đã đồng ý trả nhiều hơn cho Hoa Kỳ nhằm được bảo vệ khỏi Triều Tiên. Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã chi rất ít cho khoản này, nhưng năm ngoái, theo yêu cầu của Tổng thống Trump, Hàn Quốc đã đồng ý bỏ ra 990 triệu USD. Các cuộc thảo luận tương tự về các khoản thanh toán cho Hoa Kỳ cũng bắt đầu tăng lên. Một quốc gia giàu như Hàn Quốc, giờ đây cảm thấy có nghĩa vụ đóng góp cho Hoa Kỳ trong vấn đề cung cấp quốc phòng bằng quân sự. Mối quan hệ giữa hai nước đang rất tốt”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI