Trung Quốc thay đổi giọng điệu, tuyên bố ‘sẽ chiến đấu đến cùng’ với Mỹ

14/05/2019 - 10:00

PNO - Trung Quốc dường như đã sẵn sàng chơi “con bài chủ nghĩa dân tộc” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, một hình thức khẩu chiến Bắc Kinh tránh dùng kể từ khi bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ tháng 5 năm ngoái.

Chương trình tin tức “Tân văn liên bá” được nhiều người xem nhất trên Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã giải quyết căng thẳng thương mại Trung-Mỹ bằng một giọng điệu “diều hâu” hiếm có trong bài xã luận hôm 13/5.

Sự thay đổi giọng điệu diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và vòng đàm phán thương mại mới nhất ở Washington mà nhiều người dự kiến ​​sẽ đạt được thỏa thuận đã kết thúc với rất ít tiến triển.

Trung Quoc thay doi giong dieu, tuyen bo ‘se chien dau den cung’ voi My
Triển lãm 5 năm thành tựu của Trung Quốc tại Phòng triển lãm ở Bắc Kinh - Ảnh: AP

Người dẫn chương trình CCTV nói: “Trung Quốc từ lâu đã thể hiện thái độ của mình đối với cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng - chúng ta không muốn tranh chấp, nhưng chúng ta không ngại đấu tranh. Nếu Mỹ muốn đối thoại, cánh cửa vẫn bỏ ngỏ, nếu họ muốn so găng, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng”.

Thông điệp tương tự lần đầu tiên được Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nêu ra tháng 4 năm ngoái, sau đợt đầu Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã sớm lùi lại và tuyên bố “không có chiến tranh thương mại là sự đồng thuận giữa Trung Quốc và Mỹ” khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Kể từ đó, Trung Quốc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông trong nước liên quan đến đưa tin tăng thuế quan của Tổng thống Trump và giảm bớt thái độ thù địch đối với Mỹ trên truyền thông xã hội. Thông điệp mới nhất hôm 13/5 cho thấy các cuộc đàm phán kéo dài một năm đã đi vào ngõ cụt và Trung Quốc cảm thấy cần phải thu phục người dân của mình.

Chiến tranh thương mại do Mỹ áp đặt “không phải là vấn đề lớn”

Chương trình CCTV phát sóng hôm 13/5 trình chiếu lịch sử Trung Quốc và mô tả các động thái thương mại mới nhất của Washington như một cách thức để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, giống nhiều sự kiện từng xảy ra trong lịch sử.

Người dẫn chương trình nói: “Sau khi trải qua 5.000 năm thăng trầm, Trung Quốc không còn lạ với bất kỳ cuộc chiến nào. Trong quá trình trẻ hóa quốc gia, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những khó khăn, trở ngại và thậm chí là bão tố. Cuộc chiến thương mại do Mỹ áp đặt với Trung Quốc chỉ là một trở ngại trong quá trình phát triển của Trung Quốc, không phải chuyện gì lớn. Trung Quốc sẽ củng cố niềm tin, vượt qua khó khăn, biến khủng hoảng thành cơ hội và đấu tranh cho một thế giới mới”.

Thái độ thù địch đối với Mỹ khá phổ biến trên mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhưng hiếm khi thấy một phương tiện truyền thông nhà nước như CCTV truyền tải một thông điệp mạnh mẽ như vậy. Bắc Kinh luôn cẩn trọng với việc khuấy động tình cảm dân tộc, vì sợ rằng nó có thể phản tác dụng, vì một trong những trọng tâm hàng đầu của Trung Quốc là ổn định xã hội.

Thông điệp mạnh mẽ ngày 13/5 được nhiều người dùng mạng xã hội Weibo tán thưởng, vi deo chương trình CCTV được xem hơn 450 triệu lần và nhận được 1,5 triệu like.

Thông điệp cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã hoàn toàn sẵn sàng khi tuyên bố, “tiếp theo, dù Mỹ muốn đàm phán, ‘chiến đấu’ hay bất kỳ hành động nào khác, Trung Quốc đã chuẩn bị một hộp công cụ chính sách và sẵn sàng đáp lại toàn diện”.

Diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại

Ba ngày sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung, ngày 13/5 Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và có hiệu lực từ ngày 1/6, bao gồm 25% đối với các sản phẩm nông nghiệp như mật ong, rau quả, cà phê và thịt. Công ty dịch vụ tài chính quốc tế Société Générale nói rằng trận chiến thuế quan mới nhất có thể kéo giảm GDP của Trung Quốc 0,5% và Hoa Kỳ 0,25%.

Gary Hufbauer, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nói rằng: “Lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho người dân nước này sẵn sàng với một cuộc chiến kinh tế toàn diện với Mỹ”. Ông cho rằng, nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể tăng lên nếu ông Trump áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, “nhưng nếu cần, lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một cuộc suy thoái do xung đột thương mại”.

Tô Châu (Theo Yahoo! Finance)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI