Trung Quốc phải lựa chọn

06/06/2019 - 06:06

PNO - Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La năm nay cho thấy dấu hiệu gió đã đổi chiều...

Đối thoại Shangri-La là hội nghị thường niên, quy tụ các bộ trưởng và quan chức quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thảo luận về những thách thức và an ninh trong khu vực. Ở Shangri-La diễn ra tại Singapore ngày 1/6 vừa qua, sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cùng những căng thẳng từ đại diện Mỹ, Trung càng cho thấy tầm quan trọng của khu vực này.

Trung Quoc phai lua chon
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại sự kiện Đối thoại Shangri-La

Từ năm 2012-2018, Bắc Kinh không cử Bộ trưởng Quốc phòng đến dự Đối thoại Shangri-La (còn được biết dưới tên Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á) như các nước khác, mà chỉ gửi những nhân vật cấp thấp. Dư luận thế giới nhận định, Trung Quốc không mặn mà với nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với các quốc gia ASEAN và nước này vẫn không ngừng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp.

Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La năm nay cho thấy dấu hiệu gió đã đổi chiều. Châu Á - Thái Bình Dương, trong những năm gần đây, được nhắc đến là khu vực chiến lược quan trọng của Mỹ. COC chính là cái cớ để Mỹ lên tiếng và có những động thái cụ thể, trong đó có việc hải quân Mỹ cho tàu chiến đi qua vùng biển này. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Joseph Dunford - mới đây cũng đã lên tiếng, kêu gọi các nước ASEAN cần phản ứng bằng hành động tập thể rõ ràng đối với những động thái ảnh hưởng an ninh biển Đông.

Trước thềm sự kiện Đối thoại Shangri-La, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác việc Thượng viện Mỹ đề xuất trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia các hoạt động trái pháp luật và nguy hiểm trên biển Đông. Nếu dự luật được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu lại hoặc từ chối cấp visa cho bất kỳ cá nhân hay công ty Trung Quốc nào tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực đang tranh chấp ở biển Đông.

Bắc Kinh không thích bất kỳ bên thứ ba nào can dự vào chuyện của họ với những quốc gia láng giềng và càng không muốn Mỹ có thêm lý do để gây khó dễ đối với thương mại Trung Quốc. Thời điểm hiện tại chính là lúc thích hợp để Trung Quốc quyết định nỗ lực cho một COC, với những cam kết cụ thể. Theo ông Termsak Chalermpalanupap - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore - năm 2019 là năm bản lề cực kỳ quan trọng, bởi là năm cho hàng loạt sự chuẩn bị, với mục tiêu đạt được COC giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2020. Trong năm 2019, Trung Quốc và ASEAN cũng đang tập trung vào tự do hóa thương mại.

Việc sớm ký kết COC chính là thông điệp rõ ràng Bắc Kinh muốn gửi đến Washington, khẳng định Trung Quốc có thể làm việc với các nước láng giềng mà không cần ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc dường như đang không có nhiều lựa chọn và đây chính là bước đi phù hợp trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng bị đẩy lên cao. Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc thương chiến mà cả hai bên đều hiểu mình sẽ phải chịu những tổn thất cụ thể, nhưng không thể dừng lại, bởi chẳng quốc gia nào muốn về nhì trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường toàn cầu tương lai. Cả hai quốc gia liên tục có những đòn tấn công thẳng vào các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia còn lại. Mới nhất, từ ngày 1/6, Trung Quốc tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Phản ứng trên nhằm đáp trả việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh. Trung Quốc, dù muốn hay không, cũng phải “tung đòn”, bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump không dừng lại ở đó mà đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời gian tới. Ngay trong sự kiện Shangri-La lần này, hai bên cũng đã có lời lẽ công kích trực diện đối phương. Họ không nhắc về căng thẳng thương mại, nhưng ai cũng hiểu, chính cuộc thương chiến đã thổi bùng chỉ trích liên quan đến vấn đề biển Đông.

Lúc này, Trung Quốc hiểu, họ cần xây dựng niềm tin với các quốc gia láng giềng và đây sẽ là niềm tin chiến lược trợ lực cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại dự đoán sẽ kéo dài. Các quốc gia ASEAN hiện vẫn đang quan sát, đánh giá động thái của Trung Quốc, để trả lời câu hỏi liệu họ nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế đến đâu trong những căng thẳng ở biển Đông.

Đối thoại Shangri-La là sự kiện hướng đến an ninh khu vực lẫn an ninh toàn cầu, trong đó an ninh trên biển Đông là chủ đề không riêng ASEAN mà cả thế giới đều quan tâm. Dù có những tính toán, bước đi ra sao, các quốc gia cũng cần hiểu rõ: chính sự tuân thủ luật pháp quốc tế mới tạo nên sự ổn định, bền vững lâu dài. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI