Trung Quốc khó dụng binh ở Hồng Kông

16/08/2019 - 10:00

PNO - Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói, tình hình Hồng Kông chưa đạt đến điểm khiến Bắc Kinh can thiệp trực tiếp, nhưng khả năng này vẫn có thể xảy ra, nếu bạo lực tiếp tục.

Chắc chắn hành động quân sự sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ quốc tế, khi Mỹ bày tỏ lo ngại về các phong trào bán quân sự và sự “xói mòn” dân chủ tại đặc khu hành chính Hồng Kông.

Kêu gọi kiềm chế

Dù dư luận tại Trung Quốc muốn chính phủ nước này có động thái cứng rắn hơn, những bất ổn ở Hồng Kông dường như vẫn chưa đến mức khiến Bắc Kinh phải trực tiếp can thiệp. Shi Yinhong - chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc - nói, việc can thiệp quân sự đe dọa phá hủy mối quan hệ với Mỹ và các cường quốc khác, làm đảo lộn sự phát triển kinh tế và đánh mất vị thế đặc biệt của Hồng Kông trên thương trường. Theo ông Shi, cảnh sát Hồng Kông sẽ tăng dần hoạt động và tận dụng tối đa các nguồn lực để giải quyết vấn đề. Dù vậy, ông cảnh báo, nếu bạo lực và hỗn loạn tiếp diễn, Bắc Kinh có thể phải hành động.

Trung Quoc kho dung binh o Hong Kong
Các xe quân sự Trung Quốc đậu trong khuôn viên Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến ở Thâm Quyến vào ngày 15/8/2019 - Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ rất quan tâm đến các báo cáo về những phong trào bán quân sự dọc biên giới Hồng Kông và nhắc lại lời kêu gọi kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói, điều quan trọng đối với chính phủ Hồng Kông là tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tụ tập hòa bình, đồng thời nhắc nhở Bắc Kinh tuân thủ các cam kết về quyền tự trị của Hồng Kông. Bà cho biết: “Sự thay đổi liên tục khả năng tự trị của Hồng Kông có nguy cơ làm rạn nứt trạng thái đối xử đặc biệt trong các vấn đề quốc tế dành cho đặc khu này".

Căng thẳng tiếp tục leo thang sau các cuộc biểu tình tại sân bay quốc tế Hồng Kông, khiến các chuyến bay bị đình trệ, gây ra cuộc phản ứng dữ dội trên đất liền, khi công chúng cảm thấy họ trở thành mục tiêu “trút giận” của những người biểu tình ngày càng bạo lực. Nhiều người yêu cầu chính quyền trung ương hành động để chấm dứt hỗn loạn. Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trích dẫn các nguồn tin tình báo, đăng trên Twitter rằng, chính phủ Trung Quốc đang chuyển quân đội đến biên giới với Hồng Kông. Ông Trump kêu gọi tất cả các bên giữ “bình tĩnh và an toàn”.

Đoạn phim về những chiếc xe tải của cảnh sát vũ trang Trung Quốc tiến đến Thâm Quyến lan truyền trên internet vào cuối tuần trước. Nhưng ông Shi và nhiều chuyên gia cho rằng, việc can thiệp trực tiếp quá tốn kém cho Trung Quốc và sẽ chỉ được sử dụng khi tất cả các phương pháp khác đều thất bại. Ông Shi nói: “Giữa cuộc thương chiến Mỹ - Trung, tầm quan trọng của Hồng Kông đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc ngày càng lớn. Nếu Bắc Kinh can thiệp quá nhiều, Mỹ có thể sẽ thu hồi chính sách ưu đãi của Hồng Kông”.

Cửa ngõ ra vào của dòng vốn

Theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông của Mỹ năm 1992, đặc khu này luôn có một vị thế đặc biệt. Hồi tháng Sáu, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra một dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ kiểm tra quyền tự trị của Hồng Kông hằng năm, để quyết định có nên gia hạn ưu đãi hay không. Việc mất các chính sách ưu đãi từ Mỹ có thể làm tê liệt hoạt động của nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại Hồng Kông.

Trung Quoc kho dung binh o Hong Kong
 

Wang Yong - chuyên gia kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh - nêu: “Có rất nhiều sự phản đối từ các nhóm lợi ích ở Mỹ. Hồng Kông là cầu nối để nhiều tập đoàn và nhà đầu tư đa quốc gia từ Phố Wall thâm nhập thị trường Trung Quốc. Chính quyền thành phố, chính phủ Trung Quốc cần xử lý việc này một cách cẩn thận, vì kết quả có thể gây thêm căng thẳng cho các mối quan hệ song phương và phá hỏng mọi triển vọng của một thỏa thuận thương mại”.

Trong bảng xếp hạng chỉ số thân thiện kinh doanh vào năm 2019 của Ngân hàng Thế giới, đặc khu Hồng Kông đứng ở vị trí thứ tư, còn Trung Quốc ở hạng 46. Theo Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông, gần 60% vốn đầu tư quốc tế lưu chuyển khỏi Trung Quốc thông qua thành phố, bao gồm tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hồng Kông cũng là nơi thu hút nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất từ nước ngoài vào nền kinh tế đại lục. Vì vậy, theo Pang Zhongying - chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Đại dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, việc Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông có thể làm tổn hại mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác.

Một số nhà quan sát thì cho rằng, Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực chính trị để chấm dứt các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trước ngày quốc khánh 1/10. Tuy nhiên, theo ông Shi, chính quyền trung ương sẽ không mất kiên nhẫn: “Chúng ta gần như có thể nói chắc chắn rằng, cuộc chiến thương mại vẫn sẽ tiếp diễn và một bước ngoặt lớn ở Hồng Kông sẽ không xảy ra. Lễ kỷ niệm vẫn phải tiếp tục”. 

Tấn Vĩ (theo SCMP, CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI