Trung Quốc: Án tử từ hố sâu giàu nghèo

22/09/2016 - 15:56

PNO - Yang Gailan (28 tuổi) đã bức tử chính mình cùng các con. Xác chị nằm rũ trước cửa nhà, kế bên đó là bốn đứa con thơ bị chính mẹ ruột cho uống thuốc trừ sâu rồi nện bằng búa cho đến chết.

Khốn khó, túng quẫn, người mẹ trẻ Yang Gailan (28 tuổi) như bị dồn vào bước đường cùng, và đi đến hành động bức tử chính mình cùng các con. Xác chị nằm rũ trước cửa nhà, kế bên đó là bốn đứa con thơ bị chính mẹ ruột cho uống thuốc trừ sâu rồi nện bằng búa cho đến chết. Chuyện xảy ra ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, tạo nên dư luận chỉ trích hố sâu giàu nghèo đang bào mòn xã hội nước này.

Bốn đứa bé (ba gái, một trai) tất cả đều dưới bảy tuổi chẳng thể hưởng trọn tháng ngày đẹp đẽ của cuộc đời. Bố chúng phải bỏ xứ đến tỉnh bên cạnh làm thuê để có số tiền tròm trèm 500 USD gửi về cho vợ chi tiêu cho cả gia đình mỗi năm.

Ở nhà, vợ con anh đắp đổi qua ngày, rau cháo nuôi nhau. Dường như khoản thu nhập từ việc trồng trọt của chị Yang không đáng là bao vì hạn hán quanh năm. Hay tin vợ con qua đời, người chồng cũng chẳng thiết sống, tự vẫn ngay sau đó.

Chuyện đau lòng lan truyền trên mạng, không ít người trách chị Yang vô trách nhiệm, tước đi mạng sống quý giá của mình và các con, đẩy người chồng xuống vực sâu tuyệt vọng. Bên cạnh đó, không ít người thấu cảm nỗi đau mà chị mang nặng trong lòng.

Gia đình chị Yang không thuộc diện được chính phủ hỗ trợ. Theo quy định, chỉ những hộ thu nhập mỗi năm dưới 350 USD mới đủ tiêu chuẩn nhận trợ giúp. Giáo sư Hu Xingdou thuộc Viện Kỹ thuật Bắc Kinh cho rằng: “Có nhiều người nghèo lẽ ra cần hỗ trợ thì lại bị gạt ra ngoài, chỉ vì chính sách không công bằng và thiếu minh bạch. Cái nghèo không đơn giản đong đếm bằng mức thu nhập mà phải là điều kiện sinh sống thực tế”.

Trung Quoc: An tu tu ho sau giau ngheo
Cậu ấm cô chiêu Trung Quốc luôn nghĩ cách gây ấn tượng bằng… tiền - Ảnh: Nextshark

Truyền thông trong nước và quốc tế từng nhiều lần đề cập đến hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc. Khi nước này vượt mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo sự mâu thuẫn này.

Trung Quốc với dân số đông nhất thế giới, hơn 1,3 tỷ người, nếu chia GDP bình quân đầu người, sẽ thấy rõ mấu chốt vấn đề. Thực tế, dân số vùng nông thôn nghèo khó là rất lớn, đến 82 triệu người. Mức sống của họ dưới 1 USD/ngày.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất thế giới. Hệ số Gini (thước đo sự bất bình đẳng thu nhập) của Trung Quốc đã tăng lên 0,49, cao hơn hẳn hệ số chạm mức cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng do Ngân hàng Thế giới (World Bank) đề ra là 0,4. Hiện nay, 1% số người giàu nhất sở hữu tới 1/3 tài sản của cả nước. Trong khi đó, 25% số người nghèo nhất Trung Quốc chỉ nắm giữ 1% số tài sản của quốc gia.

Năm 2015, Trung Quốc có 596 tỷ phú đô la, cao hơn cả Mỹ. Giới phân tích nhìn nhận, với đà gia tăng tỷ phú này cùng sự thiếu đầu tư cho phát triển bền vững, chắc chắn khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Ở Trung Quốc không thiếu những cậu ấm, cô chiêu vung tiền như nước, lấy sự khoe khoang, hoang phí làm lẽ sống. Mỗi ngày, danh sách ấy cập nhật thêm nhiều cái tên mới. Việc họ bận tâm mỗi ngày là tìm địa điểm, hình thức để “đốt tiền” ấn tượng nhất. Phần lớn họ chọn học đại học và sinh sống ở nước ngoài.

Bước đệm để họ gia nhập giới thượng lưu là những khóa huấn luyện ngắn hạn ở Trung Quốc. Trung bình, mỗi khóa kéo dài một tuần với chi phí dao động từ 1.000-2.000 USD. Sự hoang phí này đã phản ánh phần nào sự vô cảm của một xã hội thúc ép phát triển bằng mọi giá mà bất chấp nền tảng của đông đảo công dân.

 Anh Thông

(Theo China Youth Daily, NY Times, Financial Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI