Triều Tiên "nóng mặt" vì bẽ bàng với Phó đại sứ cấp cao đào tẩu sang Hàn Quốc

21/08/2016 - 13:19

PNO - Bắc Triều Tiên đã gọi ông Thae Yong-ho, phó đại sứ tại Triều Tiên ở London, đã đào tẩu cùng gia đình đến Hàn Quốc là "cặn bã của con người", và cho hay ông đã từng bị truy tố vì nhiều tội danh.

Trieu Tien
Thông tin vụ đào tẩu được báo chí Anh và Hàn Quốc đồng loạt loan tải ngày 16-8.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên của Triều Tiên, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Thae đã từng bị lệnh phải trở về nhà trong tháng Sáu để điều tra một loạt các tội danh. Những tội danh đó bao gồm biển thủ quỹ chính phủ, tiết lộ bí mật tín cẩn và xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên.

KCNA cho biết ông Thae: "Đáng ra phải bị pháp luật trừng phạt do những tội ác đã gây ra, nhưng ông ta vứt bỏ mảnh đất cha ông đã nuôi nấng mình và thậm chí cả chính cha mẹ và anh em mình, bằng cách chạy trốn, chỉ nghĩ tới việc cứu thoát bản thân, cho thấy ông ta là cặn bã của loài người, ông ta còn không có lòng trung thành tối thiểu và không có chút lương tâm và đạo đức mà con người cần có".

Trieu Tien
Việc ông Thae bỏ trốn từ London tới Seoul có thể làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao giữa London và Bình Nhưỡng.

Ngoài ra Triều Tiên còn cáo buộc Hàn Quốc vì đã lợi dụng vụ đào tẩu này để xúc phạm Triều Tiên và lên án Chính phủ Anh vì đã từ chối dẫn độ ông này quay lại Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng nước Anh đã tự làm nhiễm độc hình ảnh của một quốc gia tuân thủ luật pháp chặt chẽ qua  việc bàn giao vụ đào tẩu không hề có hộ chiếu cho con rối Hàn Quốc này.

Theo Washington Post, cuộc bỏ trốn từ Anh sang Hàn Quốc của ông Thae Yong Ho là một sự kiện chấn động mới nhất trong một loạt những vụ bỏ trốn của các yếu nhân tại Triều Tiên những năm qua.

Ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Triều Tiên tại Anh cũng là người từng hộ tống ông Kim Jong Chol, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thời gian ông này tới Anh năm ngoái khi tham dự chương trình biểu diễn của nghệ sỹ Eric Clapton.

Trieu Tien
Ông Thae Yong Ho trở thành nhà ngoại giao cao cấp nhất của Triều Tiên bỏ trốn kể từ khi đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập bỏ chạy tới Mỹ xin cư trú năm 1997.

Ông Adam Cathcart, chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Leeds, người từng gặp ông Thae nhiều lần nhận định: "Ông ấy thực sự là trung tâm của mọi hoạt động tại đại sứ quán. Ông ấy đã ở đó lâu hơn cả đại sứ và mọi nhân viên khác của Triều Tiên tại London đều cho rằng ông ấy là nhân vật chủ chốt tại đó".

Bộ thống nhất Hàn Quốc ngày 17/8 đã xác nhận việc ông Thae và gia đình ông ấy hiện đang cư trú tại Seoul. Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn bộ này, Jeong Joon Hee, cho biết: "Họ (gia đình ông Thae) hiện đang được chính phủ Seoul bảo vệ, các cơ quan liên quan cũng đang tiến hành những thủ tục cần thiết".

Những người bỏ trốn sang nước ngoài từng nắm giữ các cương vị trọng yếu về chính trị hay quân sự trong chính quyền Triều Tiên sẽ bị cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm vấn rất kỹ càng, sau đó họ sẽ được chuyển tới cơ quan tình báo Mỹ.

Nhìn chung những người này sẽ không trải qua các thủ tục của chương trình tái định cư thường áp dụng với những người bỏ trốn thông thường, mà rốt cuộc thường sẽ liên quan tới một tổ chức nghiên cứu gắn với chính phủ.

Nhiều người trong số hơn 27.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc gặp khó khăn khi hòa nhập vào môi trường sống và không có cuộc sống khá giả, tuy nhiên, những quan chức cấp cao như ông Thae sẽ được đối đãi đặc biệt vì họ được coi là nguồn tin có giá trị về nước láng giềng khép kín, theo Reuters.

Trieu Tien
Những quan chức cấp cao như ông Thae sẽ được đối đãi đặc biệt vì họ được coi là nguồn tin có giá trị về nước láng giềng khép kín.

Choi Ju-Hwal là một đại tá quân đội Triều Tiên khi ông trốn đến Hàn Quốc qua Hong Kong, trong một chuyến công tác ở Trung Quốc năm 1995. Ông là nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) năm 1997-2012, trước khi rời vị trí này để trở thành người đứng đầu Hiệp hội Người đào tẩu Triều Tiên.

"Chính phủ Hàn Quốc không thể trả tiền cho ông Thae nếu ông không làm gì, vì vậy, rất có thể ông ấy sẽ được giao một công việc tại viện nghiên cứu", ông Choi, hiện 67 tuổi, đề cập đến INSS.

Chính phủ Hàn Quốc đã viện dẫn sự bỏ trốn của ông Thae để lên án, chế giễu chính quyền Bình Nhưỡng: "Vụ việc này cho thấy các yếu nhân Triều Tiên đã nhìn nhận rằng không còn cơ hội nào tại đất nước họ. Nó cũng chứng tỏ sự đoàn kết trong nội bộ chính quyền Triều Tiên rất lỏng lẻo".

Tuy nhiên một số chuyên gia phân tích phỏng đoán, quyết định bỏ trốn của ông Thae có lẽ liên quan tới những lệnh trừng phạt ngặt nghèo quốc tế đang áp lên Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và các vụ thử tên lửa tầm xa năm nay.

Các đại sứ quán của Triều Tiên luôn được nghĩ là những "cỗ máy in tiền" cho chính phủ trong nước và nhiều năm qua, không ít nhà ngoại giao nước này bị bắt vì tội buôn lậu đủ loại mặt hàng, từ vàng, thuốc lá, cho tới sừng tê giác, heroin.

Sự kiểm soát ngặt nghèo với mọi hoạt động giao thương của Triều Tiên rất có thể đã khiến các nhà ngoại giao không thể kiếm đủ tiền để hoàn thành mức "quota" được giao của họ.

Thông thường các nhà ngoại giao Triều Tiên phải để lại một thành viên trực tiếp trong gia đình họ ở lại Bình Nhưỡng, một biện pháp phòng thủ chống bỏ trốn của chính quyền Bình Nhưỡng. Hiện chưa rõ ông Thae có xoay xỏa để đưa được toàn bộ gia đình ông tới Seoul hay không.

Minh Đức


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI