Triều Tiên nỗ lực phá thế cô lập

26/04/2019 - 18:57

PNO - Cuộc gặp thượng đỉnh lần nàygiữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Nga Vladimir Putin mang một ý nghĩa sâu sắc mà có lẽ nước Mỹ khó có thể không quan tâm.

Ngày 25/4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga là nơi đầu tiên ông Kim đến, sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ. Những nỗ lực của ông Kim thể hiện mong muốn phá thế cô lập, để Triều Tiên mở rộng cánh cửa kinh tế, khẳng định vị thế trên thế giới.

Trieu Tien no luc pha the co lap
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tươi cười bắt tay hợp tác tại Vladivostok (Nga)

Triều Tiên và Nga có đường biên giới chung dài 18,3km, dọc theo sông Đồ Môn. Hơn ai hết, Nga hiểu Triều Tiên không muốn uy hiếp thế giới bằng vũ khí hạt nhân. Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi cuối tháng Hai ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nga đã lập tức ra thông cáo, kêu gọi hai quốc gia nên tiếp tục nỗ lực đàm phán. Vài ngày sau đó, Triều Tiên tuyên bố điểm đến tiếp theo sẽ là nước Nga, cho thấy mục tiêu rõ ràng của ông Kim Jong Un là mở rộng cánh cửa ngoại giao, thay vì chỉ hướng đến Trung Quốc hay tìm sự đột phá trong mối quan hệ với Mỹ.

Nga và Triều Tiên bấy lâu vẫn duy trì mối quan hệ đặc biệt. Nga luôn giữ định mức (quota) 35.000 vị trí lao động là người Triều Tiên trên đất Nga hằng năm và liên tục có những chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các lãnh đạo tương lai của Triều Tiên.

Tháng 4/2014, Quốc hội Nga bất ngờ xóa 90% khoản nợ 10,96 tỷ USD của Triều Tiên dưới thời Liên Xô. Một trong những nguyên nhân là để xúc tiến xây dựng đường ống dẫn khí đốt đi xuyên qua Triều Tiên, đến Hàn Quốc. Đây là một trong những mấu chốt quan trọng trong kế hoạch Nga chuyển hướng xuất khẩu khí đốt từ châu Âu sang châu Á, tránh những mâu thuẫn với châu Âu và Mỹ, liên quan đến câu chuyện Crimea.

Năm 2017, Công ty viễn thông TransTelecom của Nga đã cung cấp dịch vụ kết nối internet cho Triều Tiên, trong bối cảnh quốc gia này bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt. Ngược về quá khứ, Liên Xô chính là quốc gia đầu tiên ủng hộ thành lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, năm 1948. Những gì mà Nga và Triều Tiên đang nỗ lực chính là sự cam kết vững chắc vì lợi ích hai phía, tiếp tục duy trì mối liên kết gắn bó từ nhiều thập niên trước.

Đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un tiếp tục lăn bánh đến nơi mà ông và cả nước Triều Tiên đặt kỳ vọng sẽ tạo nên thành công, có được lợi ích, để góp vào sự chuyển mình của quốc gia Đông Bắc Á này.

Hình ảnh một lãnh đạo Kim Jong Un có nhiều câu chuyện bí ẩn đang dần biến thành một lãnh đạo muốn tạo nên những dấu ấn quan trọng cho Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Còn nhớ, ngay trước thềm năm mới 2019, ông Kim đã gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, thể hiện nguyện vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ sớm xúc tiến những dự án hợp tác kinh tế. Ông Kim đã có những hành động cụ thể hướng đến nguyện vọng ấy.

Với Nga, đó là chiến lược xoay trục châu Á, là cơ hội để Tổng thống Putin củng cố hình ảnh, vai trò nước Nga trên trường quốc tế. Nếu mâu thuẫn phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khiến tiếng nói của Nga trên các diễn đàn quốc tế bị cản trở thì vai trò của Nga lại được củng cố khi khẳng định được vị thế trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria hay Afghanistan.

Truyền thông quốc tế không quá ồn ào, rầm rộ hình ảnh lãnh đạo Kim và Tổng thống Putin, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh lần này mang một ý nghĩa sâu sắc mà có lẽ nước Mỹ khó có thể không quan tâm.

Anh Thông

Trieu Tien no luc pha the co lap
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tươi cười bắt tay hợp tác tại Vladivostok (Nga)
Từ khóa xcba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI