TQ đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm, Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

17/02/2016 - 07:54

PNO - Báo Mỹ tố Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm, trong khi bán đảo Triều Tiên căng thẳng và xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Các ảnh vệ tinh trên do hãng ImageSat International (ISI) chụp, cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo thời gian của ảnh, bờ biển quanh đảo còn trống vắng vào ngày 3/2, rồi các tên lửa xuất hiện vào ngày 14/2. Theo Fox, một quan chức Mỹ đã xác nhận với đài này rằng ảnh vệ tinh phản ánh đúng thực tế đang diễn ra.

TQ dua ten lua den dao Phu Lam, Trieu Tien ben bo vuc chien tranh
Ảnh vệ tinh mới (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Vị này cho biết thêm, tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó.

Phản ứng trước thông tin của Fox News đưa ra, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban không khẳng định, cũng không phủ nhận về nội dung này. “Tuy tôi không thể bình luận về những vấn đề liên quan đến tình báo, tôi khẳng định chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ”, Reuters dẫn lời ông Urban nói.

Triển khai tên lửa tiếp tục là một trong những hành động phi pháp của Trung Quốc ở những đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó, vào ngày 7/2, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin phi cơ cất cánh từ Phi trường Quốc tế Mỹ Lan trên đảo Hải Nam rồi đáp trái phép xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hãng tin Mỹ công bố ảnh vệ tinh diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Mỹ và ASEAN tổ chức cuộc họp cấp cao dấu ấn tại Sunnylands, bang California từ ngày 15 đến 16/2. Tại cuộc họp, Tổng thống Obama đã lặp lại kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Ông yêu cầu không quân sự hoá trên Biển Đông, và khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục đi thuyền và bay ở những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Trong khi đó, mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa hai miền Triều Tiên dường như tiếp tục bị xói mòn nghiêm trọng sau khi các đường dây thông tin chính thức giữa hai bên bị cắt đứt và hàng loạt những vấn đề căng thẳng xuất hiện, báo hiệu những nguy cơ tiềm ẩn trong thời gian tới.

TQ dua ten lua den dao Phu Lam, Trieu Tien ben bo vuc chien tranh
Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận năm 2014

Trên lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh suốt 6 thập kỷ qua, và hai nước cũng đã trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng trong quá khứ, nhưng tình hình chưa bao giờ trở nên nguy hiểm như hiện nay. Các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng gần đây đã dập tắt mọi hy vọng về triển vọng đàm phán và đối thoại giữa hai miền.

Bất chấp phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng việc phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Seoul tuyên bố cương quyết đáp trả mọi động thái khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng.

Tình trạng bế tắc hiện nay đang ngày càng có xu hướng biến thành một cuộc "Chiến tranh Lạnh" về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, giữa một bên là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, với bên kia là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên tới đỉnh điểm trong tuần qua khi Seoul ngừng mọi hoạt động hợp tác tại khu công nghiệp chung Kaesong.

Tuy là một khu vực khá nhạy cảm nằm trên biên giới Triều Tiên, Kaesong vẫn duy trì được sự tồn tại sau nhiều biến cố nghiêm trọng trong quan hệ hai nước kể từ khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2004.

"Đó thực sự là một phép màu khi khu công nghiệp này có thể tồn tại lâu đến vậy", Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá. Nhưng giờ đây phép màu này đã chấm dứt và khó có hy vọng phục hồi.

Ngày 10/2, trong động thái đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh lên quỹ đạo, Seoul tuyên bố ngừng hoạt động 124 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong, đồng nghĩa với việc 53.000 công nhân Triều Tiên sẽ bị mất việc làm.

Bình Nhưỡng cũng trả đũa ngay lập tức bằng cách trục xuất toàn bộ quản lý doanh nghiệp người Hàn Quốc và đóng băng tài khoản của họ, đồng thời đặt khu công nghiệp này dưới sự giám sát của quân đội. Phía Hàn Quốc cũng tuyên bố cắt toàn bộ nguồn cung cấp điện và nước cho khu công nghiệp.

Lam Anh (tổng hợp)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI