Tổng thống Nga Putin "tố" EU ngáng đường Nga

25/11/2016 - 06:47

PNO - Thiếu tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh rằng, Nga không phải là thành viên của EU.

Trong một diễn biến phản ánh quan hệ căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga, ngày 23/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã hối thúc EU sớm có giải pháp truyền thông đáp trả những thông tin tuyên truyền của Nga mà EP gọi là "thù địch" đồng thời cáo buộc điện Kremlin hậu thuẫn các đảng phái chống EU.

Theo một bản kiến nghị được EP thông qua, EU cần đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền chiến lược để "đối phó với những luồng thông tin đánh lạc hướng" từ Moskva trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Nga gia tăng do những bất đồng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Các nghị sỹ EP bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Nga mở rộng dần các hoạt động ở châu Âu khi cho rằng các cơ quan truyền thông Nga "phát tán thông tin bịa đặt nhằm duy trì hoặc gia tăng sự ảnh hưởng của Nga và làm suy yếu, gây chia rẽ EU".

Tong thong Nga Putin
Nga: EU đổ lỗi 'vớ vẩn' lên đầu Nga

Phản ứng trước động thái của EP, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hành động của EP một lần nữa cho thấy sự "suy đồi" của khái niệm dân chủ trong xã hội phương Tây.

Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố nêu rõ động thái trên của EP là một "tội lỗi thông tin" khi tỏ thái độ kỳ thị đối với các cơ quan truyền thông Nga.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng "những âm mưu, hạn chế và lệnh "trừng phạt "đang có hiệu lực trong nội bộ EU đối với việc cung cấp nhiên liệu cho Syria không liên quan đến Lực lượng hàng không vũ trụ( VKS) Nga.

Đáp trả cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh rằng, Nga không phải là thành viên của EU. Tướng Konashenkov nhắc nhở rằng, Liên bang Nga là một trong những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.

"Vì vậy, không có tình trạng thiếu nhiên liệu cho đội máy bay của VKS Liên bang Nga, đặc biệt là khi nói đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chúng tôi không thiếu xăng, thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng đó", ông Konashenkov kết luận.

Trước đó, hãng Reuters đưa tin rằng, hai tàu chở dầu của Nga là Yaz và Mukhalatka cung cấp nhiên liệu cho máy bay của VKS Nga tại Syria đã vi phạm lệnh trừng phạt của EU, bởi vì đã vào các cảng của Síp và Hy Lạp.

Những nguồn tin của Reuters nói rằng, chỉ trong vòng hai tuần hồi tháng 10, hai tàu chở dầu giao đến Syria 20.000 tấn nhiên liệu hàng không.

Tuy nhiên, theo Sputnik, Yaz và Mukhalatka là hai tàu dân dụng, mà theo Công ước thương mại hàng hải quốc tế, không thể cấm tàu dân dụng di chuyển và cập cảng của các quốc gia nước ngoài.

Phương Tây bơm tiền vào Nga: Đón đầu Donald Trump?

Ngày 23/11, hãng tin Bloomberg đăng bài viết với tiêu đề: “Các công ty lớn ở phương Tây đang bơm tiền vào Nga”.

Theo nhận định của Bloomberg, trước thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra với kỳ vọng về mối quan hệ ấm dần với điện Kremlin, một số công ty lớn của phương Tây đã đặt cược nền kinh tế của Nga sẽ sớm thoát khỏi tình trạng đóng băng.

Cụ thể, các nhà bán lẻ lớn như Ikea của Thụy Điển và Leroy Merlin SA của Pháp đã bắt đầu bơm hàng tỷ USD vào các cửa hàng mới và các nhà máy của Nga, đặt cược vào nhu cầu của người tiêu dùng Nga sau 2 năm suy thoái.

Ikea được cho là có ý định đầu tư 1,6 tỷ USD vào cửa hàng mới ở Nga trong thời gian 5 năm tới. Trong khi Leroy Merlin vào tháng 9 đã công bố một kế hoạch 2 tỷ euro nhằm tăng gấp đôi số lượng các cửa hàng tại Nga so với cùng kỳ. Pfizer Inc đang xây dựng một nhà máy thuốc mới, còn Mars Inc đang mở rộng nhà máy kẹo cao su và thực phẩm cho thú nuôi.

Tong thong Nga Putin
Việc Trump thắng cử khiến nhiều đồng minh Mỹ lo sợ.

“Đây là thời điểm để đầu tư”, ông Walter Kadnar, Tổng giám đốc Ikea nhấn mạnh. Theo kế hoạch đầu năm nay, Ikea đã mở một nhà máy đồ nội thất với trị giá 60 triệu USD gần thành phố St. Petersburg đồng thời thu hồi đất để xây dựng thêm một trung tâm mua sắm thứ ba nói gần thành phố.

Khi đất nước chìm vào suy thoái kinh tế và xung đột với phương Tây trong hai năm qua, các công ty lớn như General Motors đã cắt giảm các hoạt động tại Nga. Việc đồng rúp của Nga mất giá đã khiến cho doanh thu của các công ty bị giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động.

Hoạt động trên của các tập đoàn phương Tây được diễn ra sau khi có nhiều tín hiệu tốt đẹp trong mối quan hệ ấm nóng giữa Nga và Mỹ, nhất là sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Giới phân tích cho rằng, đây là lựa chọn khôn ngoan của phương Tây nhằm đón đầu ý đồ của vị tỷ phú người Mỹ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi thời gian qua cả tổng thống Putin và ông Donald Trump đang có những dấu hiệu chuẩn bị cho sự tan băng vào thời gian tới.

Minh Đức


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI