"Tôi là Malala”

28/03/2013 - 20:30

PNO - PNO - Malala Yousufzai sẽ không lặng lẽ nữa. Nhà hoạt động 15 tuổi người Pakistan bị chiến binh Taliban bắn thẳng vào đầu khi cô đấu tranh cho quyền được đến trường của trẻ em gái hôm 28/3 tuyên bố sẽ xuất bản câu chuyện về...

Malala Yousafzai ngày đầu tiên đến trường nữ Trung học Edgbaston ở Birmingham (Anh) - Ảnh: AP

Tờ Guardian của Anh cho biết, thỏa thuận này đã được ký với trị giá khoảng 3 triệu USD, mặc dù phát ngôn viên của nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson, nơi xuất bản cuốn sách, không xác nhận tin về giá trị của hợp đồng.

"Tôi muốn kể câu chuyện của tôi, nhưng nó cũng sẽ là câu chuyện của 61 triệu trẻ em, những người không được đi học”, Yousafzai cho biết trong một thông cáo báo chí. "Tôi muốn nó sẽ là một phần của chiến dịch trao quyền đến trường cho mỗi cậu bé và cô bé. Đó là quyền cơ bản của trẻ em”.

Malala đã đi học trở lại chỉ sáu tháng sau khi Taliban ám hại cô bất thành khi cô đi từ trường về nhà ở Mingora tại thung lũng Swat của Pakistan. Viên đạn đi vào phía trên mắt bên trái Malala, vòng qua hộp sọ và đi xuống xương hàm của cô.

Sau khi bác sĩ ở Pakistan mổ lấy viên đạn, Malala đã bay đến Anh để phẫu thuật chuyên khoa. Các bác sĩ thay thế một phần hộp sọ của cô bằng một tấm kim loại và cấy ghép một thiết bị điện tử trợ giúp thính giác cho cô. Cuối cùng, Malala được xuất viện từ một bệnh viện ở Birmingham hồi tháng trước.

Từ năm 11 tuổi, Malala đã tham gia viết blog dưới một bút danh cho đài BBC về cuộc sống tại thung lũng Swat dưới quyền cai trị của Taliban. Sau khi quân đội Pakistan đánh đuổi các chiến binh năm 2009, cô bắt đầu công khai lên tiếng về sự cần thiết phải được học hành của trẻ em gái.

Cô xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã được dành cho một trong các danh hiệu danh dự cao nhất của đất nước vì lòng dũng cảm.

Câu chuyện của cô đã thu hút sự chú ý toàn cầu đối với cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ ở Pakistan, và một dấu hiệu cho thấy điều này là cô đã lọt vào danh sách rút gọn cho "Nhân vật của năm" (năm 2012) của Tạp chí Time.

Sau khi Malala bị bắn, ngày 12/7 đã được LHQ quyết định lấy làm Ngày Malala. Quỹ Malala, thành lập nhân danh cô và gia đình cô, được dành riêng cho giáo dục và trao quyền cho các cô gái ở Pakistan và trên thế giới.

"Cuốn sách này sẽ là một tư liệu về lòng can đảm, sự dũng cảm và tầm nhìn", ông Arzu Tahsin, Phó giám đốc xuất bản tại Weidenfeld & Nicolson cho biết. "Malala còn quá trẻ để trải nghiệm nhiều như vậy và tôi tin chắc rằng câu chuyện của cô sẽ là một nguồn cảm hứng cho độc giả mọi thế hệ, những ai tin vào quyền được giáo dục và tự do để theo đuổi quyền cơ bản này”.

THANH HIỀN (Theo AP)

Từ khóa hồi kýMalala
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI