Tội ác với tương lai

29/12/2015 - 09:29

PNO - “Nhân tai” không tự đến và chính con người phải chung tay giải quyết hậu quả do mình gây ra.

Mới đây, Công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) đã công bố chi phí bồi thường cho thiên tai trên thế giới trong năm 2015 là 74 tỷ USD. Phía sau con số này là những câu chuyện thương tâm của 9.000 người thiệt mạng, 900.000 căn nhà bị tàn phá trong trận động đất kinh hoàng tại Nepal; hàng chục người chết, hàng ngàn chuyến bay bị hoãn trong trận bão tuyết lịch sử hồi tháng Hai; đợt nắng nóng kỷ lục khiến 5.000 người thiệt mạng…

Thiên tai vốn khó tiên liệu, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nhưng trong năm qua, thế giới đã nhiều lần rúng động vì tai ương mà thủ phạm cũng chính là nạn nhân - con người hủy hoại môi trường sống của chính mình. Phát triển kinh tế bất chấp hậu quả đã để lại những bài học đắt giá.

Mới đây nhất, vụ lở đất kinh hoàng ở quận Quang Minh, thành phố Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã chôn vùi 33 tòa nhà, gần 90 người chết và mất tích. Không ai tưởng tượng được rằng, bãi xà bần các công trình xây dựng tích tụ thành núi rác công nghiệp khổng lồ đã đổ sụp xuống và trong tích tắc, chôn vùi hàng loạt công trình khác.

Đáng nói là địa điểm tập kết xà bần trên do chính quyền cấp phép nhưng thiếu kiểm tra, giám sát định kỳ. Người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh về chất lượng môi trường bị ảnh hưởng từ khi điểm tập trung rác thải này hoạt động vào đầu năm 2014, nhưng chẳng ai đoái hoài.

Toi ac voi tuong lai
Vụ nổ ở Thiên Tân gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng - Ảnh: CHINA NEWS

Công ty quản lý bãi rác Yixianglong dù bị nhắc nhở phải ngưng tiếp nhận rác nhưng vẫn tranh thủ kiếm tiền. Chỉ sau hai năm hoạt động, chiều cao của đống rác đã tương đương với tòa nhà 20 tầng, trước khi xảy ra vụ lở đất.

Vụ việc trên một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về việc chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, bỏ quên tiêu chuẩn an toàn trong công nghiệp của các quốc gia. Nó khiến nhiều người nhớ lại “nhân tai” lớn nhất thế giới cũng xảy ra ở Trung Quốc, cũng trong năm 2015, là vụ nổ kho hóa chất tại Thiên Tân, làm 161 người chết.

Các công ty bảo hiểm phải chi đến hai tỷ USD nhưng câu hỏi về ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng khi khí độc phát tán trong vụ nổ vẫn chưa có lời hồi đáp thuyết phục.

Theo quy định của Luật An toàn và Luật Bảo vệ môi trường Trung Quốc, nhà kho chứa hàng hóa nguy hiểm của Công ty Thụy Hải phải cách khu dân cư và đường quốc lộ ít nhất 1km nhưng thực tế, nhà kho chỉ cách khu dân cư gần nhất 600m, cách đường cao tốc vài chục mét và chẳng hề có giấy phép đăng ký vận chuyển, lưu chứa hàng hóa nguy hiểm.

Nhiều ý kiến chỉ ra là do chính quyền Thiên Tân đã ưu tiên chạy đua theo chỉ số phát triển và nhắm vào nguồn thu từ hoạt động của các kho bãi hóa chất, nên đã để sai phạm tồn tại một thời gian dài.

Tháng trước, một con đập chứa 64 triệu m3 chất thải độc hại từ quá trình khai thác quặng ở bang Minas Gerais, Brazil, bị vỡ khiến gần 20 người chết, hàng chục người mất tích, bùn lầy tràn ngập các khu dân cư gần đó. Công ty Samarco (liên doanh giữa BHP Billiton của Anh và Australia), sở hữu con đập trên, đã cam kết bồi thường 280 triệu USD nhưng bấy nhiêu không thể tái tạo được sức sống cho 500km sông Doce bị ô nhiễm.

Sau thảm họa kinh hoàng này, chính phủ Brazil mới quyết định chi 2,3 triệu USD đảm bảo an toàn cho hệ thống đập tại các khu mỏ khai thác quặng sắt ở bang Minas Gerais.

Là một trong những quốc gia mới nổi, áp lực chạy đua tăng trưởng cao cũng đẩy Ấn Độ vào danh sách các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Mới cách đây vài tuần, Chủ tịch Hội đồng thành phố New Delhi, ông Arvind Kejriwal, đã đăng tải hình ảnh so sánh giữa lá phổi lành lặn của một người sống tại bang Himachal Pradesh với lá phổi của một người sống tại thủ đô New Delhi (nơi ô nhiễm nhất Ấn Độ) để minh họa cho tác hại của ô nhiễm đối với sức khỏe.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI