Tĩnh tại và yêu thương

16/07/2015 - 18:55

PNO - PN - Luôn kè kè ít nhất một thiết bị công nghệ (như điện thoại, máy tính bảng…), ai đó đôi khi chợt nhận ra mình đã quá tải trước luồng thông tin khổng lồ cứ chực chờ cuốn lấy cảm xúc và không gian sống riêng tư. Gấp gáp,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tập sống tĩnh tại

Ngồi trong tĩnh lặng, không nhạc, không tiếng chuông điện thoại, cho đến khi không chịu được nữa, bạn sẽ bị loại. Đó là cuộc thi độc đáo mới được tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc), dành cho bất cứ ai muốn được thư giãn. Một nhóm tình nguyện viên thường xuyên theo dõi nhịp tim của từng người nhằm xác định thí sinh có bị xao lãng, phân tâm vì môi trường xung quanh hay không.

Người thắng giải lần này là Xin Shiyu, sinh viên mới ra trường. Kết quả được đưa ra, dựa vào sự đánh giá của ban giám khảo, khán giả và căn cứ nhịp tim đo được. Dường như cuộc thi không phải là thử thách quá lớn với Xin. Bình thường, chàng trai trẻ đã quen với việc tìm những khoảnh khắc lắng đọng, sống với thế giới riêng của mình, bên cạnh thời gian dành cho bạn bè, người thân. Lối sống này khiến Xin Shiyu luôn cảm thấy thư thái, không quá căng thẳng dù có chuyện gì xảy ra.

Tinh tai va yeu thuong

Bé Yang (9 tuổi) chiến thắng cuộc thi ở Hàn Quốc năm 2014 - Ảnh: KBS1

Ở Bắc Kinh, nơi nhịp sống hối hả, đầy áp lực, một phút tĩnh tại cũng là điều “xa xỉ” với nhiều người, nhất là những người trẻ đã quá quen với tốc độ quay cuồng đến chóng mặt của một ngày chìm ngập trong công việc và các mối quan hệ xã hội. Đây không phải lần đầu tiên mọi người biết đến cuộc thi tìm kiếm sự tĩnh tại. Năm 2014, người dân Hàn Quốc biết đến một cuộc thi tưởng dễ mà khó thông qua ý tưởng của nghệ sĩ Woops Yang, nhằm giúp mọi người “dọn dẹp” trí óc, loại bỏ những điều vụn vặt gây nhiễu, để cùng kéo nhau thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ số, trở về “chung sống” với thực tại. Người được đánh giá điềm nhiên nhất là một bé gái họ Yang chín tuổi. Mẹ của bé đưa con đến tham gia sự kiện và nói rằng, chị chấp nhận chịu nhà trường khiển trách vì muốn con học được sự tự cân bằng và tự tìm cách hài hòa với môi trường xung quanh. Đó cũng là một bài học bổ ích, thay vì chỉ chăm chăm vào bài vở, những con số.

Ban tổ chức cuộc thi ở Hàn Quốc cho biết, nhiều người không thể thoát khỏi sự chi phối bên ngoài dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Nhiều nghiên cứu về sức khỏe tinh thần chỉ ra rằng, trí não cần những khoảng nghỉ ngơi, thư giãn, giúp mỗi người tái tạo năng lượng, suy nghĩ sáng tạo hơn, nhanh chóng tìm được giải pháp cho vấn đề cần tháo gỡ. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất, 40 người/ngày, phần lớn là thanh niên, những người chưa kịp sống chậm đã bị cuốn vào guồng xoáy cạnh tranh khốc liệt.

An nhiên vốn dĩ là lẽ thường, là điều tự nhiên nhất mà mỗi người đúng ra phải có, nhưng nay người ta phải tìm-lại-chính-mình vì đã lỡ “cho phép” mình đi quá xa với bình yên trong tâm trí. Cách nghĩ và làm của những người tham gia tổ chức cuộc thi giúp khơi lại niềm ham sống giản đơn. Sống tĩnh tại, cân bằng cũng giúp bảo tồn năng lượng, tạo những cú hích trong chính bản thân mỗi người.

Tinh tai va yeu thuong

Nhiều người tham gia cuộc thi "tìm bình yên" ở Hàn Quốc năm 2014 - ẢNH: AUDREY MAGAZINE

Đối thoại thay bạo lực

Đều đặn mỗi tuần, các nhóm nam sinh ở những vùng phức tạp nhất thuộc Tây Nam Chicago (bang Illinois, Mỹ) sẽ ngồi cùng nhau, chia sẻ cảm xúc của mình trong tuần qua. Các em đang tham gia chương trình “Becoming a man” (BAM) do tổ chức phi lợi nhuận Youth Guidance của địa phương thực hiện. Ở đây, các em học hỏi về sự cảm thông, đối thoại thay vì đối đầu. Những tâm hồn tưởng chừng phát triển trong môi trường cằn cỗi, bạo lực và tội ác, nhưng nhờ sự bồi đắp, nuôi dưỡng kịp thời, các em đã học cách sống trong yêu thương.

Trong một bài học có tên “Nắm đấm”, các em được chia bắt cặp. Một người trong mỗi cặp nhận quả bóng nhỏ, người còn lại được yêu cầu lấy quả bóng ấy trong 30 giây. Hầu hết bài tập kết thúc với những nắm đấm và hành động bạo lực. Các em sau đó rút ra bài học, chỉ cần nói bạn đưa quả bóng cho mình, mọi chuyện sẽ êm đẹp hơn rất nhiều so với việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Chương trình BAM cung cấp cho các em cách suy nghĩ và giải quyết được vấn đề sao cho giảm thiểu tối đa các vụ bạo lực. Năm 2014, BAM đã tiếp cận được 1.935 nam sinh ở 38 trường học của thành phố Chicago.

Trong số học sinh tham gia chương trình, 79% các em được hỏi đều xác nhận, mỗi lúc nóng nảy, có ý định thực hiện hành vi bạo lực, các em đều suy nghĩ lại. Nhờ vậy mà suy nghĩ tiêu cực bị ngăn chặn kịp thời. Số liệu từ Sở Cảnh sát Chicago cũng cho thấy, số vụ ẩu đả với đối tượng nam sinh ở những trường có tham gia chương trình BAM giảm đáng kể.

Tinh tai va yeu thuong

Cô Kristin Rudy cùng học sinh của mình - Ảnh: starnewsonline

Giáo sư Sara Heller (Đại học Pennsyl- vania), tác giả của nghiên cứu trên cho biết, phương pháp của BAM hiệu quả mà không quá tốn kém. Theo giáo sư Sara, giữa những vấn đề xã hội cần phải giải quyết như đói kém, tội ác thì việc dạy cho thanh thiếu niên cách kềm giữ nhịp độ sống, suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động là điều cần kíp. Trong cuộc khảo sát mới đây, chỉ 34% phụ huynh ở Mỹ tự tin khẳng định mình có thể thuyết phục con kiên nhẫn, suy nghĩ trước khi hành động. Còn lại, các phụ huynh đành “bó tay” nhìn con sai phạm chỉ vì quá nóng nảy, hấp tấp.

Trong lớp học của cô Kristin Rudy tại trường thiết kế và nghệ thuật Snipes ở hạt New Hanover, bang Bắc Carolina (Mỹ), học sinh lớp 2 học cách nhắm mắt, yên lặng lắng nghe tiếng chuông. Nhờ vậy bộ não của học sinh được vận hành đúng mức, các em giữ được “thăng bằng” trước khi đưa ra quyết định. Từng em được yêu cầu nói ra tên của người em yêu mến, biết ơn. Học cách tập trung, kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc, đó là điều mà nhiều trường ở New Hanover hướng đến, để giúp học sinh của mình ngày càng tự chủ và ý thức rõ ràng về sự tác động của bản thân với môi trường xung quanh.

Thời gian dành cho bản thân luôn tỷ lệ nghịch với thời gian bị chi phối bởi guồng quay vội vã của cuộc sống. Áp lực càng lớn hơn trên đôi vai người trẻ khi họ phải chịu quá nhiều kỳ vọng và họ cũng là đối tượng dễ bị “cám dỗ” nhất từ sự hào nhoáng thời thượng. Tìm một góc bình yên, cũng là tìm lấy sự cân bằng để tiếp tục cống hiến và sống đúng với tuổi trẻ của mình.

 THIÊN NHƯ (Theo Tân Hoa xã, Quartz, fivethirtyeight.com, starnewsonline)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI