Tiết lộ nguyên nhân khiến những năm cuối đời, Mao Trạch Đông không ngừng rơi lệ

03/09/2016 - 06:30

PNO - Gần như ngày nào Mao Trạch Đông cũng ngồi trên ghế sofa khóc một mình, nước mắt đẫm áo. Cán bộ xung quanh cũng không biết phải an ủi ông ra sao…

Mất đi hai người đồng chí thân thiết

Ngày 8/1/1976, thủ tướng Trung Quốc – Chu Ân Lai qua đời. Thủ tướng Chu là bạn chiến đấu lâu năm, trung thành nhất của chủ tịch Mao Trạch Đông, hai người đã kề vai sát cánh gần một thế kỷ. Khi Mao Trạch Đông biết tin thủ tướng Chu qua đời, ông đau đớn muôn phần. Trong những ngày ấy, Mao Trạch Đông không thiết ăn cơm, đi ngủ không ngủ nổi, ông thường nằm trên ghế Sofa khóc một mình.

Tiet lo nguyen nhan khien nhung nam cuoi doi, Mao Trach Dong khong ngung roi le
Những năm cuối đời, Mao Trạch Đông phải chịu nhiều nỗi đau.

Những người làm việc xung quanh ông đều biết mất mát này đối với Mao Trạch Đông to lớn tới người nào. Trong ngày đầu tiên tổ chức lễ truy điệu thủ tướng Chu, Mao Trạch Đông sau khi đọc những dòng điếu văn đầy cảm xúc, hai mắt đã đỏ hoe. Ngày hôm sau, ông cũng muốn tới lễ truy điệu để đưa tiễn chiến hữu của mình, thế nhưng ông không đứng nổi nữa, hai bàn chân bị phù, run run, cũng không xỏ được giầy. Trong những lúc ông đau đớn buồn tủi, cán bộ thường xuyên ở bên cạnh cũng không biết an ủi ông như thế nào, đành nhìn ông ngồi thẫn thờ trên ghế sofa, nước mắt chảy ướt vạt áo. Những ngày diễn ra lễ truy điệu, Mao Trạch Đông cố tỏ ra không quá đau buồn, nhưng ai ở gần ông cũng thấy ông ngồi một mình là nước mắt lại tự rơi xuống.

Tới tháng 5 năm đó, sức khỏe của Mao Trạch Đông yếu đi nhiều, tới tháng 6 thì ông bị nhồi máu cơ tim. Trung Ương Đảng Cộng Sản một mặt tích cực cứu chữa, một mặt báo cáo tình hình sức khỏe của Mao Trạch Đông tới những đồng chí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ. Sức sống của Mao Trạch Đông rất mãnh liệt, vì thế ông vẫn bảo toàn được mạng sống kịp thời sau ca hồi sức cấp cứu dài ngày.

Thế nhưng không lâu sau, tin buồn khác lại truyền đến tai Mao Trạch Đông. Đầu tháng 7 năm đó, đồng chí Chu Đức (Phó Chủ Tịch) đột ngột qua đời. Trong vòng nửa năm, Mao Trạch Đông mất đi hai đồng chí thân thiết cùng nhau trải qua bao sóng gió, đồng cam cộng khổ, điều này khiến cho Mao Trạch Đông mệt mỏi, con tim trở nên lạnh lẽo.

Một ngày nọ, Mao Trạch Đông đột nhiên yêu cầu thư ký riêng – Trương Ngọc Phượng đọc cho ông nghe bài “Khô Thụ Phú” của Dữu Tín. Bài phú này được sáng tác từ thời Nam Bắc Triều, có hơn 500 chữ nhưng Mao Trạch Đông thuộc làu làu. Nội dung bài phú kể về một người ở triều Tấn, tới ngồi dưới một gốc cây, chứng kiến cái cây này từng có thời xanh tốt, giờ đây ngày một già cỗi, khô cằn. Mọi vật đều không tránh khỏi quy luật của tự nhiên. Bài phú này cũng thể hiện niềm cảm hoài của tác giả đối với thời cuộc, nhớ cố hương và thương lấy bản thân mình.

Những ngày nằm trên giường bệnh, hầu như ngày nào Mao Trạch Đông cũng nghe bài phú này. Trương Ngọc Phượng trong cuốn hồi ký của mình có viết: “Tôi đọc rất chậm rãi, mắt chủ tịch nhắm hờ, dường như khi nghe tôi đọc, ông cũng tưởng tượng ra cảnh vật trong bài phú đó, nghĩ lại một thời ông đã trải qua”.

Tiet lo nguyen nhan khien nhung nam cuoi doi, Mao Trach Dong khong ngung roi le
Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Khi Trương Ngọc Phượng đọc lần hai, đột nhiên Mao Trạch Đông nói: “Cô cầm sách, đối chiếu xem tôi đọc lại có đúng không”. Trương Ngọc Phượng vừa nghe Mao Trạch Đông đọc, vừa so sánh, ông già cả rồi mà gần như không đọc sai chữ nào. Tuy rằng giọng đọc của ông không thể hay như trước, đọc rất nhỏ nhưng từng chữ từng từ vẫn tràn đầy cảm xúc. Trí nhớ của Mao Trạch Đông thực khiến người khác phải nể phục. Ông gắng sức, đọc thuộc lần hai cho Trương Ngọc Phượng nghe, bà cảm thấy rằng, có lẽ không bao giờ bà quên được hình ảnh và giọng điệu của ông lúc đó.

Kể về chuyện bài phú “Khô Thụ Phú” của Dữu Tín gắn bó với Mao Trạch Đông, cán bộ thân cận của Mao Trạch Đông cho biết:

“Lần thứ nhất ông đọc bài phú này là năm 1951, khi ông 58 tuổi, lần thứ hai là vào năm 1976, khi ông 83 tuổi. Sau khi hai vị lãnh đạo Chu Ân Lai và Chu Đức qua đời, Mao Trạch Đông cũng tự đắm chìm trong nỗi buồn của mình, có lần nhồi máu cơ tim suýt nữa qua đời. Hai lần này, đều là hai lần Mao Trạch Đông cảm thấy đau lòng nhất.”

Con trai hy sinh

Năm 1951, Bành Đức Hoài trở về từ chiến trường và tới Bắc Kinh để báo cáo tình hình kháng chiến chống Mỹ với Mao Trạch Đông, đồng thời để nghe chỉ đạo từ phía cấp trên. Khi chuẩn bị ra về, Bành Đức Hoài nghĩ rằng ông nên thông báo tin cậu con trai của Mao Trạch Đông đã hy sinh ngoài chiến trường, nhưng ông chần chừ mãi không biết mở lời như thế nào.

Cuối cùng, ông hít một hơi thật sâu và nói “ Chủ tịch, tôi có tội với chủ tịch, tôi không chăm sóc được cho Ngạn Anh, nó...” “Ngạn Anh làm sao?” Mao Trạch Đông nhíu mày. Bành Đức Hoài ngây ra, nghĩ thầm: “ Sau khi Ngạn Anh qua đời, mình đã đánh điện báo khẩn rồi, sao ông ấy còn không biết”. Bành Đức Hoài định tiếp lời thì Mao Trạch Đông lớn tiếng:“Thôi, đừng nói nữa”. Nói rồi Mao Trạch Đông đứng dậy tiến ra bậu cửa sổ, quay lưng lại phía Bành Đức Hoài. Bành Đức Hoài nói: “Chủ tịch đã giao Ngạn Anh cho tôi, tôi không chăm sóc tốt cho cậu ấy, xin lỗi chủ tịch”.

Tiet lo nguyen nhan khien nhung nam cuoi doi, Mao Trach Dong khong ngung roi le
Mao Trạch Đông và con trai Mao Ngạn Anh

Một hồi lâu, Mao Trạch Đông mới nói tiếp: “Có trận chiến nào không có người chết cơ chứ, Ngạn Anh cũng chỉ là một người trong số hàng vạn chiến sĩ anh dũng hi sinh tại chiến trường thôi. Đừng nghĩ vì nó là con tôi mà phải làm lớn chuyện.”

Bành Đức Hoài đi rồi, Mao Trạch Đông vẫn đứng bên cửa sổ, mắt nhìn cây tùng rồi bất giác thở dài. Ông lại đọc một lượt “Khô Thụ Phú”, trong lòng cảm thấy vô cùng đau xót. Đọc tới câu cuối cùng “ thụ do như thử, nhân hà dĩ kham” * trong bài phú ông nhớ tới Khai Tuệ (vợ ông) và đứa con trai của mình. Ông tự lẩm bẩm một mình: “ Khai Tuệ à, Ngạn Anh giống em, cũng hy sinh vì cách mạng, vì nhân dân, và nhân dân sẽ mãi nhớ tới hai người…”

Có lẽ không thể biết được Mao Trạch Đông đã tự đọc bài phú này bao nhiêu lần, đến mức ông không quên từ nào ngay cả khi ông đã ở 83 tuổi. Ngày còn sống, tủ sách của ông có nhiều bản “Khô Thụ Phú” không giống nhau, quyển ông thường dùng nhất là của đơn vị in ấn chuyên môn tại Thượng Hải, quyển này thường được đặt bên cạnh ông, ông với tay ra là có thể đọc được. Đến cuối đời, quyển này vẫn được đặt cạnh ông, như một vật báu không khi nào ông rời xa.

Tuyết Trang

*: Nguyên câu văn như sau: Tích nên chủng liễu, y y hán nam. Kim khán diêu lạc, thê sảng giang đàm. Thụ do như thử, nhân hà dĩ kham.

Đại ý: Ngày trước trồng liễu bên bờ phía nam của sông Hàn Thủy, xanh tốt là thế. Nay cũng thấy khô héo, tiêu điều. Cây còn héo úa như thế, người làm sao có thể chịu đựng nổi đây?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI