Tiếng khóc thảm thiết của em bé 1 tuổi trong phiên tòa dành cho trẻ nhập cư

10/07/2018 - 09:56

PNO - Thậm chí, thẩm phán chủ tọa cho biết ông cảm thấy "xấu hổ" khi phải hỏi liệu cậu bé có hiểu thủ tục tố tụng tại tòa hay không.

Cậu bé 1 tuổi bị giữ tại trại giam liên bang xuất hiện trong tòa án di trú ở Phoenix, Hoa Kỳ, mà không có cha mẹ đi cùng. Lúc đầu cậu bé đùa nghịch với quả bóng, uống sữa, sau đó "khóc thảm thiết" khi rời khỏi phòng xử án vào hôm 6/7.

Cuối cùng, cậu bé tên là Johan được cấp lệnh khởi hành tự nguyện để chính phủ có thể đưa cậu về Honduras, nơi người cha đang chờ.

Tieng khoc tham thiet cua em be 1 tuoi trong phien toa danh cho tre nhap cu
Theo chính sách nhập cư "không khoan nhượng" của chính quyền Tổng thống Trump, trẻ em có thể bị tách khỏi cha mẹ ngay tại trạm kiểm soát biên giới.

Johan là một trong nhiều đứa trẻ xuất hiện tại tòa án Arizona hôm 6/7 mà không có cha mẹ. Một cậu bé chỉ biết giơ năm ngón tay khi thẩm phán hỏi về tuổi.

Thẩm phán John Richardson nói, ông "xấu hổ khi hỏi" liệu Johan có hiểu các thủ tục tố tụng hay không: "Tôi không biết bạn cần giải thích cho ai, trừ khi bạn nghĩ rằng đứa trẻ 1 tuổi có thể học luật di trú".

Những người ủng hộ nhân quyền lên tiếng phản đối việc đưa trẻ em ra tòa, và gọi đó là phương pháp căng thẳng, đáng sợ.

Trong phiên xử về vấn đề nhập cư, ngay cả trẻ em cũng không được bảo đảm quyền có luật sư, mặc dù hầu hết các trẻ vị thành niên đều không có người đại diện đi cùng. Nhiều trẻ thậm chí không thể chạm đến bục bị cáo nếu không có ghế nâng.

Luật sư di trú Lindsay Toczlowski nói với CNN: “Không có ghế nâng, không có gấu bông. Đó là một tòa án nhập cư lạnh lùng, và những đứa trẻ này đang ngồi trên chiếc ghế quá lớn đối với chúng; chân của các bé thậm chí không chạm sàn”.

Bé Johan bị tách ra khỏi cha mình ngay tại biên giới Mỹ, dù hãng tin AP không đưa tin lý do ly tán hoặc thời gian cụ thể.

Chính quyền Tổng thống Trump ban hành một chính sách nhập cư không khoan nhượng hồi đầu năm 2018, nhằm truy tố hình sự tất cả mọi trường hợp vượt biên trái phép.

Từ đó dẫn đến cảnh hàng ngàn trẻ em bị chia rẽ khỏi cha mẹ. Một số cha mẹ bị trục xuất mà không có con cái bên cạnh, vì bị buộc ký giấy bỏ con.

Tieng khoc tham thiet cua em be 1 tuoi trong phien toa danh cho tre nhap cu
Nhiều trẻ nhập cư có nguy cơ không thể gặp lại cha mẹ do thất lạc giấy tờ.

Ông Trump ký thêm một lệnh nữa vào ngày 20/6 nhằm chấm dứt việc chia rẽ các gia đình nhập cư. Đồng thời, tòa án Mỹ cũng ra phán quyết buộc chính phủ hỗ trợ đoàn tụ trẻ em với gia đình.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, khoảng 3.000 trẻ em di cư vẫn còn ở trong trại giam giữ sau khi bị tách khỏi cha mẹ, trong đó có khoảng 100 trẻ em dưới 5 tuổi.

Thời báo New York đưa tin, một số hồ sơ về các gia đình di cư đã bị mất hoặc bị hủy, khiến nhiều trẻ em có thể không bao giờ được đoàn tụ với gia đình.

Ngoài ra, Mỹ đã trục xuất ít nhất 19 phụ huynh có con nhỏ dưới 5 tuổi, và giữ các bé tại trại tập trung liên bang.

Một thẩm phán liên bang ở San Diego đã ra lệnh đoàn tụ trẻ em dưới 5 tuổi với cha mẹ trong vòng 14 ngày, và trong vòng 30 ngày đối với trẻ lớn hơn. Hạn chót của trường hợp đầu là ngày 10/7.

Các luật sư của Cơ quan lưu trú đã yêu cầu gia hạn với lập luận rằng các viên chức liên bang không có nhiệm vụ phải đoàn tụ trẻ em với cha mẹ đã bị trục xuất.

Thẩm phán Dana Sabraw, người đặt ra thời hạn, tổ chức một phiên điều trần vào ngày 9/7 về yêu cầu mở rộng, nhưng chỉ trong trường hợp cụ thể, khi chính phủ có thể chứng minh điều đó là cần thiết.

Ông nói thêm rằng chính phủ phải đoàn tụ trẻ em với cha mẹ của họ, ngay cả khi cha mẹ đã bị trục xuất.

Tấn Vĩ (Theo Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI