Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Một cuộc gặp lịch sử lạ lùng

16/07/2018 - 14:00

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm nay bước vào hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Nga vừa có "chiến thắng" vang dội từ việc đăng cai World Cup 2018, còn Tổng thống Trump trải qua một tuần ồn ào đầy "xích mích" với các đồng minh châu Âu.

Tổng thống Mỹ muốn gì

Thuong dinh My - Nga: Mot cuoc gap lich su la lung
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là Tổng thống Trump không có chương trình nghị sự hoặc sự chuẩn bị cụ thể nào cho hội nghị thượng đỉnh được cho là có tính chất "lịch sử" này.

Theo trang Business Insider, việc Tổng thống Trump muốn gì từ Nga vẫn là một điều bí ẩn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông đi đến hội nghị, bất chấp nhiều nhà lập pháp kêu gọi hủy sự kiện này, sau khi Mỹ công bố danh sách 12 cá nhân người Nga can dự vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Các nhà quan sát cho rằng ông Trump sẽ không đưa ra thách thức nào sắc bén đối với người đồng nhiệm Nga về vấn đề tin tặc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Bản thân ông Trump cũng thừa nhận: "Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ tiến hành cuộc gặp mặt và không kỳ vọng gì nhiều".

Điều mà ông Trump hay đề cập tới là cải thiện quan hệ với Nga sẽ có lợi cho Mỹ. Nhưng dường như phần lớn hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan chỉ đơn giản là nhằm củng cố quan hệ giữa Washington và Moscow, và giữa ông Trump với ông Putin. 

"Bản thân thực tế là chúng tôi tiến hành hội nghị ở cấp này, vào thời điểm này của lịch sử, đã nói lên nhiều điều" - Jon Huntsman, Đại sứ Mỹ tại Nga bình luận. "Điều quan trọng ở đây là chúng tôi đang tiến hành một cuộc thảo luận".

Tổng thống Nga muốn gì

Thuong dinh My - Nga: Mot cuoc gap lich su la lung
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Về phần Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc ngồi vào bàn đàm phán với ông Trump là một cơ hội mà nhiều người cho rằng ông đã chờ đợi từ lâu, để bắt đầu hàn gắn lại quan hệ với Mỹ.

Ông Putin muốn Mỹ và các đồng minh gỡ bỏ các trừng phạt, đưa các lực lượng quân đội mà NATO triển khai ra xa khỏi biên giới Nga, và khôi phục lại quan hệ thương mại bình thường với Moscow. 

Về lâu dài, ông hy vọng có thể thuyết phục Mỹ nhìn ra tầm ảnh hưởng của Moscow đối với các láng giềng của Nga, mà trước đây từng thuộc Liên bang Xô Viết và, rộng hơn nữa là, công nhận Nga như một người chơi ở tầm cỡ toàn cầu với lợi ích cần được cân nhắc kỹ.

Ông Putin nhận nhận thấy rằng các mục tiêu dài hạn như vậy sẽ không thể đạt được tiến triển đáng kể nào chỉ từ một cuộc gặp duy nhất. Hơn tất thảy, ông coi hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để phát triển quan hệ hữu hảo với ông Trump, và thiết lập một nền tảng cho các mối liên lạc thường xuyên ở cấp cao.

"Quan hệ Nga - Mỹ không chỉ ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ này chưa bao giờ ở mức tệ như bây giờ" - Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, có trụ sở tại Moscow, nhận định. "

Đôi bên cùng thắng

Thuong dinh My - Nga: Mot cuoc gap lich su la lung
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các chuyên gia và nhà quan sát nhận định rằng, trong bối cảnh của hội nghị như vậy rất khó để trông đợi đạt được một thỏa thuận nào mang tính thực chất. Walid Phares, cựu cố vấn của Tổng thống Trump về Trung Đông, bình luận: "Tôi không rõ liệu một thỏa thuận thực chất có thể đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki hay không, song thỏa thuận về các nguyên tắc chung liên quan tới Syria thì rất có khả năng đạt được".

Syria là một trong những lĩnh vực mà cả Moscow và Washington đều có thể đạt tới một sự nhất trí, ngoài ra, đôi bên có thể bàn thảo về vấn đề triển khai quân Syria dọc biên giới với Israel để đổi lấy việc rút lực lượng Iran và Hezbollah. Các nội dung này đều không hy vọng sẽ có bất kỳ tiến triển nào nhanh chóng.

Tuy vậy, theo BBC, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ vẫn cảm thấy rằng họ đã giành được phần thắng khi mà cả thế giới dõi theo cuộc gặp của họ. Với thành công vang dội từ việc đăng cai World Cup, Tổng thống Nga Putin sẽ khuếch trương ảnh hưởng của Nga, khi ông sánh vai bên người đồng nhiệm Mỹ.

Còn về phía Mỹ, Tổng thống Trump một lần nữa lại xuất hiện nổi bật với tư cách là "nhà đàm phán" ở tầm quốc tế, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh "lịch sử" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Không có chương trình nghị sự, thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, cùng với sự khó lường theo kiểu của Tổng thống Donald Trump, không ai dám chắc chuyện gì sẽ có thể xảy ra, dù chỉ vài giờ nữa là cuộc gặp lịch sử Nga - Mỹ diễn ra.

Minh Thu (theo BI-NBC-BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI