Thực chất đòn phủ đầu của Tổng thống Trump

08/05/2019 - 10:00

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn biết cách tạo sức nóng xung quanh mình. Những dòng tweet hôm 5/5 được cho là đòn tâm lý nhắm vào chính quyền Bắc Kinh và đo tâm lý của thị trường thế giới lẫn cử tri Mỹ.

Theo đó, ông Trump tuyên bố, sẽ sớm áp đặt mức 25% thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thời hạn áp dụng được đưa ra là ngày 10/5 tới. Ngoài ra, 325 tỷ USD hàng hóa khác cũng sẽ được xem xét tăng thuế lên 25%.

Thuc chat don phu dau cua Tong thong Trump
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ hai, từ phải qua) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ ba, từ phải qua) trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, cuối tháng 3/2019

Những cú tweet của ông Trump luôn là nguồn tin đắt giá cho các hãng truyền thông. Chỉ vài dòng tweet đủ khiến thị trường chứng khoán chao đảo, dẫn đến phiên diễn biến phức tạp, ngay trong ngày 6/5. Các thị trường chứng khoán tại châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, giảm mạnh, kéo theo giá vàng tuột dốc. Nhưng liệu nội dung dòng tweet đó có phải là ý chính ông Trump muốn nhắm đến?

Nhiều chuyên gia quan sát chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhận định, dường như phía Trung Quốc không có phản hồi nào đáng để cho thấy lời nói của ông Trump là mối đe dọa thật sự.

Có vẻ Trung Quốc hiểu, Trump vẫn là Trump - một chính trị gia biết “tung hỏa mù” bằng con chữ. Ông Trump, theo nhận định của giới chính trị gia quốc tế, là người có phong cách thất thường. Giáo sư William Hurst thuộc Đại học Northwestern và cũng là chuyên gia về các vấn đề chính trị, pháp lý Trung Quốc, chia sẻ với NBC News: “Tôi không rõ những đe dọa của ông Trump sẽ xảy ra trong thực tế như thế nào, bởi ông ấy đã từng đe dọa nhiều lần rồi. Quan trọng là thời điểm chứ không phải nội dung”.

Trong khi truyền thông Mỹ đổ xô khai thác, phân tích những thông tin liên quan đến nội dung đe dọa của Tổng thống Trump thì báo chí Trung Quốc hầu như chẳng đá động gì nhiều đến ông chủ Nhà Trắng.

Ngày 7/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ thăm Mỹ từ ngày 9-10/5, để đàm phán thương mại song phương. Vòng đàm phán trước đó diễn ra hồi tuần trước, ở Bắc Kinh, được thông báo là đã đạt được những kết quả tích cực. Trước chuyến đi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gọi đây là những vòng đàm phán cuối cùng, đầy tích cực.

Chiến lược của những nhà đàm phán Trung Quốc là cứ để ông Trump tuyên bố bất cứ điều gì ông ấy muốn. Quan trọng là sau đó, những nhà đàm phán hai bên làm việc như thế nào. Bài học Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ và Canada, Mexico chính là bài học mà Trung Quốc không thể bỏ qua.

Giáo sư tài chính Phillip Braun thuộc Đại học Northwestern là chuyên gia chính trị chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đã nhận định như trên.

Giáo sư Phillip Braun, dẫn lại lời Tổng thống Trump, gọi NAFTA là hiệp định tồi tệ nhất thế giới, ở thời điểm ông chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Trump luôn đưa ra những tuyên bố rắn về kế hoạch đánh thuế mạnh với hàng hóa từ Mexico và Canada nhập vào Mỹ. Ông còn yêu cầu đưa những mức thuế mới vào một hiệp định mới, thay cho NAFTA - gọi là Hiệp ước Mỹ-Mexico-Canada. Nhưng thực tế, cả Mỹ, Mexico lẫn Canada đều chưa phê chuẩn hiệp định này.

Về những cuộc đàm phán, giới chuyên gia nhận thấy, phía Trung Quốc vẫn mong có thời gian để bàn về những điểm đã thống nhất, vì họ muốn giành thêm lợi ích cho mình. Trong khi đó, Tổng thống Trump cần thúc đẩy nhanh, để sớm có một thỏa thuận chung, bởi đây không chỉ là câu chuyện chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn là nước cờ của ông Trump ở thời điểm nhạy cảm: cuộc chạy đua tranh cử năm 2020.

Cũng trong ngày 5/5, Tổng thống Trump tweet một thông điệp nghe hết sức vô lý, nhưng lại “đúng” với tính cách của ông. Ông “đòi” đền bù 2 năm nhiệm kỳ, bởi đã bị đánh cắp quá nhiều thời gian. Ông nói, cử tri dành quá nhiều sự quan tâm cho cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, liên quan đến những cáo buộc xung quanh bầu cử.

Trong dòng tweet này và cả tweet dọa trừng phạt Trung Quốc, ông Trump đều nhấn mạnh thành tựu kinh tế Mỹ có được trong hơn 2 năm qua. Ngày 3/5 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê: trong tháng Tư, người Mỹ có thêm 263.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở nước này xuống 3,6% - mức thấp nhất từ năm 1969. Ngoài ra, tiền lương trung bình mỗi giờ cho người lao động đã tăng 3,2% so với 1 năm trước. Đây chính là dấu son mà ông Trump không thể quên chuyển đến cử tri.

Trong số những lời hứa của Tổng thống Trump, lời hứa quan trọng nhất là cải thiện kinh tế, bảo vệ nền công nghiệp Mỹ, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, với mục tiêu quan trọng nhất là mở đường cho lần tái tranh cử sắp tới. Đó mới là điều ông Trump hướng đến. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI