Thủ tướng Singapore xin lỗi vì chuyện gia đình ảnh hưởng đến đất nước

20/06/2017 - 08:36

PNO - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên truyền hình, xin lỗi người dân vì những tranh chấp gia đình, liên quan đến di sản của người cha quá cố, đã “làm tổn hại đến uy tín đất nước”.

Mấy ngày nay, ông Lý Hiển Long và hai người em, cùng là con của nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu (1923-2015), đã công kích lẫn nhau trên Facebook và truyền thông quốc tế.

Vụ tranh cãi về tương lai ngôi nhà của gia đình ở số 38 đường Oxley được công khai, khiến nhiều người Singapore bị sốc.

Thu tuong Singapore xin loi vi chuyen gia dinh anh huong den dat nuoc
Thủ tướng Lý Hiển Long xin lỗi vì để mâu thuẫn gia đình ảnh hưởng đến đất nước - Ảnh: AP

"Tôi rất lấy làm tiếc rằng cuộc tranh chấp này ảnh hưởng đến danh tiếng của Singapore, và niềm tin của người Singapore vào chính phủ", ông Lý nói trong một bài phát biểu được ghi hình phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Mediacorp.

"Là Thủ tướng của các bạn, tôi xin lỗi đã để xảy ra điều này. Là người anh cả trong gia đình, tôi cảm thấy đau khổ khi nghĩ rằng điều này sẽ khiến cha mẹ chúng tôi rất đau lòng nếu như họ còn sống”, ông nói.

Gia đình ông Lý đã lãnh đạo Singapore trong gần 6 thập kỷ và luôn được người dân nước này quý trọng.

Ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990, con trai ông – Lý Hiển Long – nắm quyền từ năm 2004. Trước nay, Singapore chỉ có một thủ tướng khác là ông Goh Chok Tong.

Lục đục gia đình họ Lý bùng nổ thứ Tư tuần trước, khi em gái Lý Vỹ Linh và em trai Lý Hiển Dương của của ông Lý Hiển Long ra tuyên bố buộc tội Thủ tướng lạm dụng quyền lực, và tìm cách lợi dụng di sản của cha vì lợi ích chính trị.

Cuộc tranh cãi tập trung vào di nguyện của người cha quá cố Lý Quang Diệu rằng, ngôi nhà của gia đình sẽ được phá bỏ sau khi ông qua đời.

Nhà sáng lập Singapore, với bản tính khiêm nhường, đã phản đối sự sùng bái cá nhân sau cái chết của ông. Ông sợ ngôi nhà sẽ trở thành nhà tưởng niệm để thu hút người dân Singapore.

Căn nhà 5 phòng ngủ được trang trí đơn sơ trên đường Oxley, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 ở khu vực đồn điền, trở nên có giá sau khi Singapore đô thị hóa và trở thành một quốc gia thịnh vượng.

 

Ngôi nhà này là nơi diễn ra nhiều cuộc họp ban đầu của đảng Hành động Nhân dân, chính đảng lãnh đạo Singapore từ năm 1959.

Một đại lý bất động sản nói với AFP, ngôi nhà có giá trị ít nhất 24 triệu đô la Singapore (tương đương 393 tỷ đồng).

Bà Vỹ Linh và ông Hiển Dương cho rằng, ông Lý Hiển Long cố ngăn chặn việc phá dỡ ngôi nhà để khai thác di sản của cha mình, bao gồm cả việc nuôi dưỡng con trai ông trở thành một nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba.

Ông Lý Hiển Long bác bỏ cáo buộc của hai người em.

Ông nói, điều khoản phá dỡ đã được vội vã thêm vào di chúc của cha trong một hoàn cảnh không rõ ràng, sau khi bị chính ông Lý Quang Diệu xóa bỏ trong hai phiên bản di chúc trước đó.

Một ủy ban của chính phủ sẽ xem xét tương lai đối với ngôi nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhưng ông Lý Hiển Long nói ông không tham gia vào bất kỳ quyết định nào.

Thủ tướng nói: "Điều tôi muốn nhiều hơn là tiến lên và chấm dứt trải nghiệm bất hạnh nhất đối với người Singapore, song những cáo buộc vô căn cứ chống lại chính phủ không thể không được trả lời”.

Thủ tướng Singapore cho biết ông sẽ giải quyết tất cả các câu hỏi về vấn đề này khi Quốc hội nhóm họp trở lại vào ngày 3/7.

Việt Hưng (Theo Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI