Thịt nhân tạo đã có mặt trên thị trường

17/06/2019 - 10:00

PNO - Gần đây, Công ty Impossible Foods (Mỹ) đã đưa ra thị trường loại thịt nhân tạo (thịt chay) được bào chế từ thực vật. Trước mắt, thịt nhân tạo được dùng làm nhân bánh hamburger.

Theo công ty này, khách hàng và thậm chí nhân viên đều không thể nhận biết sự khác biệt giữa nhân thịt thông thường và nhân thịt nhân tạo.

Hàng loạt nhà hàng sử dụng thịt nhân tạo

Tháng 1/2019, Burger King đưa ra phiên bản bánh burger Whopper với nhân thịt chay do công ty Impossible Foods cung cấp. Sự xuất hiện của Impossible Whopper tại 7.200 cửa hàng Burger King trên toàn nước Mỹ chính thức mở đường cho một ngành công nghiệp trẻ đang tìm cách bắt chước và thay thế thịt bằng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Thit nhan tao da co mat tren thi truong
Bào chế thịt nhân tạo trong nhà máy

Tương tự, bánh mì kẹp thịt chay do Beyond Meat sản xuất đã có mặt tại hơn 1.000 nhà hàng Carl’s Jr kể từ đầu năm 2019 và công ty hiện đang chuyển sang cung cấp trên thị trường bán lẻ. Trước đó, chuỗi 380 cửa hàng White Castle tại Mỹ cũng giới thiệu phiên bản burger từ thịt chay từ cuối năm 2018.

Giám đốc tiếp thị của Burger King, Fernando Machado, cho biết, trong thử nghiệm của công ty, khách hàng, thậm chí nhân viên đều không thể nhận biết sự khác biệt giữa thịt thông thường và sản phẩm mới từ thực vật. Để đạt sự tương đồng gần như hoàn hảo này, cải tiến lớn nhất của Impossible Foods đến từ việc sử dụng heme, một loại protein giàu chất sắt mà công ty tin rằng chịu trách nhiệm hình thành hương vị đặc biệt của thịt. Công ty tìm ra cách canh tác heme từ rễ của cây đậu nành và sản xuất hàng loạt bằng cách sử dụng men. Sau đó heme được pha trộn với các thành phần chay khác nhằm tạo nên kết cấu của thịt bò xay. 

Impossible Foods, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại bang California do Pat Brown, cựu giáo sư Đại học Stanford thành lập năm 2011, đón nhận mức tăng doanh thu 50% kể từ khi giới thiệu phiên bản thứ hai của bánh mì kẹp thịt không thịt tháng 1/2019, và sản phẩm đặc trưng của công ty hiện có trong thực đơn tại 9.000 nhà hàng trên toàn xứ sở cờ hoa. 

Tricia Scanlon, một nhân viên tại nhà hàng Red Robin ở New York nhận xét: “Tuy tôi không thực sự thích hương vị của thịt chay, rất nhiều khách hàng yêu cầu món ăn này. Cả người ăn chay lẫn ăn kiêng đều yêu thích nó”. Trung bình sản phẩm từ thịt chay ở các cửa hàng thức ăn nhanh có giá cao hơn khoảng 2 - 3,5 USD so với lựa chọn thông thường. Rachel Konrad, phát ngôn viên của công ty Impossible Foods tiết lộ rằng, sản phẩm thịt chay không chỉ xuất hiện trong bánh burger, mà còn cả bánh taco, thịt viên, lasagna và mì ống xốt Bolognese. Vì thế, công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất trong tương lai không xa.

Thịt sẽ không còn đến từ lò giết mổ

Báo cáo năm 2019 của Công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney dựa trên các cuộc phỏng vấn với chuyên gia nhấn mạnh tác động môi trường nặng nề của sản xuất thịt thông thường, và mối quan tâm của mọi người về phúc lợi của động vật trong chăn nuôi công nghiệp. Từ đó, công ty dự đoán rằng hầu hết sản phẩm thịt trên thị trường vào năm 2040 sẽ không đến từ động vật bị giết mổ, mà 60% sẽ được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm hoặc được thay thế bằng các sản phẩm từ thực vật trông giống như thịt. 

Cụ thể, 35% tổng lượng thịt trên thế giới sẽ đến từ ngành canh tác trong thùng chứa và 25% là sản phẩm thay thế thuần chay; hai nguồn cung cấp này dần bộc lộ các ưu điểm vượt trội hơn ngành chăn nuôi truyền thống. Công ty AT Kearney dẫn chứng rằng, gần một nửa số cây trồng trên thế giới được dùng làm thức ăn cho gia súc, nhưng chỉ có 15% lượng calo thực vật đi đến bàn ăn của con người. Ngược lại, phương pháp thay thế bằng thịt nuôi cấy và thịt thuần chay giữ lại khoảng 3/4 lượng calo đầu vào của nguyên liệu.

Ngành công nghiệp thịt thông thường của thế giới giết hại hàng tỷ động vật để thu về hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó là các tác động môi trường to lớn như khí thải gây ra khủng hoảng khí hậu, hay môi trường sống hoang dã phải nhường chỗ cho đất nông nghiệp, cũng như vấn đề ô nhiễm sông ngòi và đại dương.

Nhiều công ty như Beyond Meat, Impossible Foods và Just Food sử dụng nguyên liệu thực vật để tạo ra bánh mì kẹp thịt, trứng, và các sản phẩm khác đang phát triển nhanh chóng. AT Kearney ước tính 1 tỷ USD đã được đầu tư vào các sản phẩm thuần chay, bao gồm cả các công ty thống trị thị trường thịt thông thường. Theo công ty tư vấn tài chính Barclays có trụ sở tại Anh, thị trường thịt từ thực vật có thể tăng lên khoảng 140 tỷ USD trong thập niên tới. Điển hình, Beyond Meat huy động thành công 240 triệu USD từ khi ra mắt thị trường chứng khoán Mỹ tháng 5/2019 và đến nay cổ phiếu của công ty đã tăng giá gấp đôi.

Song song sản phẩm từ thực vật, một số công ty tập trung phát triển tế bào thịt trong nuôi cấy, nhằm sản xuất thịt thật mà không cần nuôi và giết động vật. Dù hiện nay vẫn chưa có sản phẩm nào đến tay người tiêu dùng, nhưng thịt nuôi cấy sẽ chiếm ưu thế trong dài hạn nhờ khả năng tái tạo hương vị và cảm giác của thịt thông thường “chuẩn” hơn so với các sản phẩm thay thế từ thực vật. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI