Thế hệ trẻ Afghanistan 'phá rào'

23/11/2014 - 10:12

PNO - PNCN - Giới trẻ Afghanistan từ lâu bị cản trở hòa nhập với thế giới bên ngoài bởi những định kiến hà khắc. Giờ đây, xu hướng sử dụng internet và mạng xã hội cho phép họ tự “cởi trói” để kiếm tìm tri thức và bắt kịp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tỷ lệ công dân dưới 25 tuổi chiếm 65% dân số Afghanistan. Họ đang nỗ lực khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trong cộng đồng. Mới đây, nữ sinh Sahar Fetrat (17 tuổi), đã tạo được tiếng vang bằng phim ngắn Do not trust my silence (tạm dịch: Đừng nghĩ tôi chỉ biết im lặng) do chính cô sản xuất. Phim gây chấn động dư luận Afghanistan vì đánh vào một trong những vấn đề nhức nhối tồn tại từ rất lâu ở quốc gia Trung Á này, đó là tình trạng xâm phạm, bạo hành tình dục mà phụ nữ nước này phải chịu đựng mọi lúc mọi nơi.

Phim xuất hiện ở các trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay như YouTube, Facebook, không ngừng được dẫn nguồn và đưa lại trên các trang mạng xã hội cá nhân khác. Sự kiện này còn được một số chương trình truyền hình quốc gia khai thác. Sahar Fetrat trở thành gương mặt khách mời cùng một số giáo sư, thành viên quốc hội để cùng thảo luận về vấn nạn chưa có cách giải quyết triệt để. Sahar Fetrat nói: “Mạng xã hội mở cánh cửa cho chúng ta bày tỏ quan điểm của mình. Hơn nữa, đó là cách để mỗi người thoát khỏi những giá trị đã đóng khung từ lâu để sẵn sàng đón nhận sự đổi mới”.

The he tre Afghanistan  'pha rao'

Giới trẻ Afghanistan thông qua Internet và mạng xã hội để tự làm mới mình - Ảnh: Guardian

Sahar Fetrat là một trong số 2,4 triệu người (chiếm 7,7% dân số Afghanistan) được tiếp cận internet. Trong số 2,4 triệu người này thì có 74% tham gia mạng xã hội. Đây là tỷ lệ đáng chú ý, khi 75% dân số Afghanistan sống ở nông thôn, chỉ 43% nam giới và 13% phụ nữ biết chữ. So với thời điểm năm 2002, điều kiện vươn ra thế giới bên ngoài của người dân Afghanistan đã được cải thiện rất nhiều.

Ở Afghanistan, chi phí kết nối internet khá cao, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức quốc tế phải chung tay hỗ trợ để internet đến được với công chúng. Tháng 9/2013 đánh dấu cột mốc quan trọng ở Afghanistan với sự kiện Hội nghị Paiwand, hội nghị đầu tiên về truyền thông xã hội ở đất nước này.

Dù có những bất tiện, nhưng giới trẻ Afghanistan và các nhà hoạt động ở nước này vẫn xem mạng xã hội là nơi trao đổi chính. Mạng xã hội không chỉ là phương tiện để người trẻ Afghanistan xóa bỏ khoảng cách với thế giới, mà còn là công cụ truyền thông của quan chức. Tổng thống Ashraf Ghani và người tiền nhiệm, ông Hamid Karzai cũng có tài khoản ở các mạng xã hội và chăm chút khá thường xuyên thông tin, hình ảnh của mình.

Giảng viên Faisal Karimi dạy về truyền thông trực tuyến ở Đại học Herat của Afghanistan cho biết: “Sinh viên của tôi hiếm khi kiểm tra mail. Khi cần liên lạc với họ, nhanh nhất là thông qua Facebook hoặc Twitter. Kể cả giao bài tập, tôi cũng thông qua các kênh này. Sinh viên nhờ các mạng xã hội để kết nối với bên ngoài, tìm tư liệu, thông tin hoàn thành các bài tập của tôi”. Ông Faisal Karimi cho rằng, “cơn khát” kết nối đang tạo lực đẩy rất mạnh để người dân Afghanistan mạnh dạn nắm bắt cơ hội.

The he tre Afghanistan  'pha rao'

Ngày càng có nhiều phụ nữ Afghanistan tiếp cận mạng xã hội, mở rộng các mối quan hệ - Ảnh: Reuters

Phần lớn phụ nữ ở quốc gia này vẫn bị gia đình ngăn cản đến trường học hoặc đến nơi làm việc cũng như các hoạt động xã hội khác. Thế nhưng, họ vẫn tìm mọi cách để kết nối, chẳng hạn ẩn danh hoặc lấy tên tài khoản là nam giới. Cô Gazele Zaheer (22 tuổi), sinh viên về phần mềm máy tính ở Đại học Herat, một trong số ít phụ nữ Afghanistan được công khai sử dụng Facebook kể: “Tôi may mắn được gia đình ủng hộ và khuyến khích mở rộng mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Bố mẹ tôi cũng có tài khoản Faceboook”. Nhờ mạng xã hội, Gazele Zaheer liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, bổ sung cho bài học từ ghế nhà trường. Cô còn trực tiếp thảo luận với bạn bè cùng ngành ở khắp nơi trên thế giới và tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí.

Như hàng chục ngàn sinh viên Afghanistan được hỗ trợ để kết nối internet, Atai, một sinh viên ở thủ đô Kabul cho biết: “Internet thay đổi hoàn toàn cách dạy và học. Cả sinh viên lẫn giáo viên phải bắt kịp sự xoay chuyển mỗi ngày trên toàn thế giới. Chúng tôi không còn cảm giác mình lạc hậu nữa”.

 THIÊN ANH (Theo Guardian, thenational.ae)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI