Thế hệ bị bỏ rơi giữa bão công nghệ

13/03/2019 - 17:00

PNO - Một thế hệ trải qua năm tháng, ghi dấu ký ức bằng những lá thư tay, những lần gặp gỡ nay bỗng trở nên lạc lõng. Họ lạc lõng trong thế giới hiện đại, giữa những cái kết nối nhanh như chớp mắt.

Một thế hệ trải qua năm tháng, ghi dấu ký ức bằng những lá thư tay, những lần gặp gỡ chỉ để nghe được giọng nói, nhìn thấy nụ cười, nay bỗng trở nên lạc lõng. Họ lạc lõng trong thế giới hiện đại, giữa những cái kết nối nhanh như chớp mắt.

Lạc lối ở thành thị

Giữa đám đông người trẻ chỉ chăm chăm giao tiếp, kết nối không dây, ùa theo nhịp sống vội vã, có những người già bị bỏ rơi, cô đơn và lóng ngóng chẳng biết phải làm gì. Bà Zhang Zhixia (62 tuổi, từng là giáo viên mầm non ở Bắc Kinh) là một trong số đó. Sau gần 50 năm rời ghế nhà trường, bà Zhang Zhixia giờ lại cắp sách đến lớp. Có khác chăng là lần này, bà học cách giao tiếp trên các thiết bị công nghệ. 

The he bi bo roi giua bao cong nghe
200 người già đến hội thảo huấn luyện cách sử dụng thiết bị công nghệ tại thành phố Perth (Úc)

Lớp học “See Young” là lớp học do những tình nguyện viên trẻ ở Bắc Kinh tổ chức, chia sẻ kiến thức công nghệ cho người lớn tuổi, giúp họ khỏi ngỡ ngàng trước thời đại số, dễ hòa nhập với cuộc sống thành thị. Nếu không nỗ lực theo học những lớp phổ cập kiến thức như vậy, người già ở Trung Quốc sẽ phải chấp nhận mình thụt lùi, bị bỏ quên bên đời.

Ở Trung Quốc hiện có 890 triệu tài khoản sử dụng các ứng dụng có thu phí trên thiết bị di động. Ở nhiều đô thị lớn, người dân có khi chẳng cần dùng đến tiền mặt. Chỉ cần có điện thoại trong tay, mọi giao dịch hoàn thành trong nháy mắt - từ mua một chai nước đến chiếc xe hơi đều có thể thực hiện qua vài cái chạm nhẹ trên màn hình smartphone.

Kiên trì đến lớp và tập trung thực hành tại chỗ, sau 3 tháng, bà Zhang Zhixia giờ đã có thể nhắn tin với bạn bè, người thân, thậm chí còn có thể chỉnh sửa những đoạn video bà yêu thích rồi gửi cho mọi người, thoải mái sử dụng bản đồ số để tìm bất cứ địa chỉ nào bà muốn. Có lẽ, người bất ngờ nhất với nỗ lực của bà Zhang Zhixia chính là con trai bà. Anh từng nói, “mẹ chỉ cần điện thoại nghe gọi là được”, nhiều lần cáu bẳn vì mất kiên nhẫn, khi phải hướng dẫn mẹ mình sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh. Người mẹ tủi thân lặng thinh và tự nhủ, “mình không thể để con coi thường như thế”. Zhang Zhixia ngày nào từng dìu con đi những bước đầu tiên, dạy con nói cho tròn vành rõ chữ, nay phải tự tìm cách mò mẫm với công cụ giúp mình “gần” con hơn.

Thu hẹp hố sâu ngăn cách 

Khung cảnh hội thảo quá quen thuộc với người trẻ, dân văn phòng, nay trở thành điểm hẹn của những ông bà cụ sống ở thành phố Perth (Úc). 200 người ngồi chật kín khán phòng. Trên tay các cụ già là điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc bất cứ thứ gì có khả năng kết nối.

The he bi bo roi giua bao cong nghe
Bà Zhang Zhixia được hướng dẫn cách dùng các ứng dụng trên điện thoại di động

Cụ bà 89 tuổi - Edna Cable kể: “Tôi cảm thấy hết sức căng thẳng khi phải học cách giao tiếp bằng thiết bị công nghệ”. Có những đêm, Edna Cable cảm thấy bất lực khi loay hoay cầm chiếc điện thoại, không biết phải làm sao hiểu hết được những tính năng trên thiết bị nằm gọn trong lòng bàn tay mình. Edna Cable cũng như các cụ già có mặt ở buổi hội thảo không tránh được làn sóng công nghệ, vì nếu từ chối, nghĩa là họ đã ngắt gần như tất cả kết nối với thế giới bên ngoài.

Đã có lúc, họ thấy cô đơn, bế tắc, cảm nhận rõ khoảng cách quá lớn với con cháu mình và cách duy nhất thu hẹp hố sâu ấy chính là học cách sử dụng công nghệ. Chính phủ Úc đã cam kết dành gần 50 triệu USD thực hiện chương trình “Be Connected” (giữ kết nối), nhằm trang bị kỹ năng công nghệ số cho người già.

Hiện ở Úc có khoảng 49% dân số trên 65 tuổi không hề có bất cứ kết nối công nghệ số nào. Úc có kế hoạch, đến năm 2025, mỗi công dân nước này phải có một xác minh nhận dạng số riêng biệt (single digital identity), giúp cho việc quản lý công dân thuận tiện hơn. Dù muốn “sống chậm” với những phương thức giao tiếp truyền thống, những cụ già cũng sẽ phải bắt nhịp với tiến trình của thời đại, không còn cách nào khác.

Tại triển lãm công nghệ tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) diễn ra đầu năm nay, một tín hiệu đáng mừng là đã có những công ty tên tuổi chú ý hơn đến đối tượng khách hàng người cao tuổi. Giáo sư John McCallum, một trong những chuyên gia cố vấn chương trình “Be Connected”, nhận định: “Việc hướng dẫn các cụ già sử dụng thiết bị công nghệ chỉ là biện pháp tức thời, để họ không phải đứng ngoài rìa xã hội hiện đại. Nhưng người già vẫn cần có thời gian để trò chuyện, cần những cuộc gặp gỡ trực tiếp, để không cảm thấy cô đơn. Đó là thứ mà công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể nào thay thế được”.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI