Thành phố lều

03/07/2016 - 19:46

PNO - Khi dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ về châu Âu, không phải ai cũng được đặt chân vào miền đất hứa. Hành trình đào thoát khỏi quê hương của nhiều người thường dừng lại ở “thành phố lều”.

Nếu đó là những đứa trẻ không cha mẹ, không có gia đình nào cưu mang, cuộc đời chúng sẽ ra sao? Năm 2015, ít nhất 856.000 người liều mạng vượt qua biển Aegean phía Bắc Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp và xuồng cao su để đến châu Âu. Cũng trong năm đó, Liên minh châu Âu (EU) đăng ký hơn 88.000 trẻ em và thiếu niên tị nạn một mình tại châu lục này. Các em sống ở đây nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Còn biết bao cô bé, cậu bé không người thân, sống vất vưởng trong nhiều trại không điện đóm, không chỗ ngủ, mưa xuống thì dột như ngoài trời.

Cậu bé 17 tuổi Ashraf Khalil Alhatem và em trai Hatem (15 tuổi) rời nhà ở Deir Ezzor (Syria) do bị cha mẹ hối thúc… lên đường. Lúc đầu hai anh em theo chân đoàn người tị nạn định vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng do quân đội Thổ phong tỏa chặt biên giới, họ phải quay lại rồi tìm cách vượt biên lần thứ hai. Lần này, họ thành công. Sau hơn ba tuần vật vờ ở Thổ Nhĩ Kỳ, hai anh em được nhồi lên một chiếc thuyền nhỏ thẳng tiến Hy Lạp, một hải trình gian truân qua Địa Trung Hải mà không ai muốn nhớ lại. Đến Hy Lạp, người anh Ashraf hai lần bị bắt giam, sau đó họ được đưa đến trại Diavata. “Bây giờ chúng tôi sống trong căn lều hôi hám, rách nát, tâm trạng chán chường, tương lai mờ mịt”, Ashraf nói.

Thanh pho leu
Hành trình vượt Địa Trung Hải đưa anh em Ashraf, Obada, Khdier, Harth Mohammed, Ali Misbah Noori... đến châu Âu theo nguyện vọng của gia đình, để cuối cùng sống tạm trong các "thành phố lều".

Obada Khdier, một cậu trai 17 tuổi đến từ Damascus, thủ đô Syria. Cậu mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng giấc mơ tan tành vì cuộc nội chiến thảm khốc ở quê hương. Cậu bé nhập vào đoàn tị nạn vì ở nhà thì không ai có thể “sống bình thường và an toàn”. Sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, suốt một tuần cậu ôm bụng đói ngủ trên ghế đá công viên cho đến khi được một người qua đường tốt bụng cho tá túc và giúp tìm việc làm. Sau tám tháng có cái ăn uống, cậu bé nhiều hoài bão quyết định đến châu Âu, để rồi không tránh khỏi cuộc sống lây lất sau những bức tường giăng dây thép gai của một “thành phố lều”.

Anh em Obada theo đoàn người vượt biên đến Hy Lạp bằng đường biển. Do nhỏ tuổi và không người đi cùng, họ bị chặn lại, nhà chức trách Hy Lạp nói hai anh em cần tìm một gia đình bảo trợ. Obada nhờ cậy một gia đình đi cùng thuyền, nhưng bốn ngày sau, chúng bị bỏ rơi. Không người thân, hai anh em bị cảnh sát nhốt 15 ngày và đưa vào trại Diavata.

May thay, một nhân viên xã hội chuyên giúp đỡ trẻ tị nạn không gia đình phát hiện tình cảnh đáng thương của hai anh em, những ngày sống trong “thành phố lều” của anh em Obada dường như sớm chấm dứt sau khi được một gia đình ở Đức nhận nuôi.

Harth Mohammed, thiếu niên Iraq 16 tuổi, chạy trốn khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đến châu Âu. Hiện cậu bơ vơ trong một “thành phố lều” phía Nam thủ đô Athens (Hy Lạp). Khói lửa chiến tranh ở Iraq tôi luyện một Harth điềm tĩnh khi cậu nói là đang tìm cách tiếp tục việc học và quan trọng nhất là trú thân tại một nơi an toàn.

Trong khi đó, Ali Misbah Noori (14 tuổi) đến từ thủ đô Kabul (Afghanistan) có hoàn cảnh khác. Cuộc hành trình kinh hoàng của Ali qua bốn nước và kéo dài 70 ngày, song cậu phải đến châu Âu một mình vì cha cậu chỉ đủ tiền cho một người đi. Hiện Ali sống lây lất trong “thành phố lều” và kế hoạch đến Pháp ngày một héo mòn.

Thanh pho leu
Tuổi thơ của trẻ em tị nạn Syria trôi qua trong các "thành phố lều".

Tháng 3/2016, EU phong tỏa biên giới giữa Hy Lạp và các nước vùng Balkan, đồng thời ký kết thỏa thuận gây tranh cãi để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại dòng người tị nạn, với lý do Balkan đã quá tải. Thỏa thuận này khiến cho 57.000 người bị mắc kẹt trong các “thành phố lều” khắp Hy Lạp, họ không thể đi sâu vào châu Âu, trong khi không muốn quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi số người tị nạn đã lên đến ba triệu người. Số phận của những trẻ em không người thân từ Syria, Trung Đông và Bắc Phi vì vậy tiếp tục bị “treo” vô định trong các “thành phố lều” - không học hành, không tương lai nơi đất khách quê người.

THIỆN ĐẠO (Theo CNN, Amnesty. org, AP, Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI