Thần hạnh phúc có thật

17/02/2016 - 19:04

PNO - Thần hạnh phúc vừa được gọi tên trong đời thực khi chính quyền UAE lần đầu tiên bổ nhiệm nữ chính trị gia Ohood Al-Roumi làm Bộ trưởng Hạnh phúc.

Than hanh phuc co that
Bà Ohood Al-Roumi - Ảnh: NPR

Ngày nhậm chức, bà Ohood Al-Roumi cười rạng rỡ, đeo chiếc vòng cổ khắc chữ "Happy", tượng trưng lời tuyên thệ vì hạnh phúc cho người dân nước này.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là một trong những quốc gia có mức sống hàng đầu, giàu thứ bảy trên thế giới nhờ xuất khẩu dầu lửa. Người UAE xếp thứ 20 trong danh sách công dân hạnh phúc nhất thế giới, vẫn chưa phải là điều chính quyền UAE mong đợi.

Trên trang twitter với gần sáu triệu người theo dõi, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, ông Sheikh Mohammed dành tặng người dân bài thơ: “Để chạm đến ước mơ cháy bỏng, họ không phải rơi lệ. Họ sống với lẽ phải và đầy ắp khát khao, không phải đuổi bắt ảo giác mà luôn đứng vững ở thực tại”. Ông nhấn mạnh, chính phủ mới tập trung vào thế hệ trẻ, đảm bảo cho họ thụ hưởng nền giáo dục nhân văn, mang đến niềm vui sống và cùng họ đẩy lùi mối đe dọa biến đổi khí hậu. Học cách chung sống, đó là cách tốt nhất để tồn tại. Những điều ông đề cập khiến người dân UAE nức lòng.

Điều thú vị, chức danh Bộ trưởng Hạnh phúc, với hy vọng về sức sống mới của quốc gia, được tin cậy trao cho một phụ nữ đặc biệt. Nhiều năm đứng đầu Văn phòng Thủ tướng, bà Ohood Al-Roumi có thể chuyển tải nguyện vọng của người dân đến những người trực tiếp điều hành đất nước. Nữ bộ trưởng xác định nhiệm vụ của mình không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn tham gia điều chỉnh chính sách, đóng góp ý tưởng cải thiện đời sống tinh thần của người dân, tăng mức độ thỏa mãn của họ đối với xã hội.

Bà nói: “Phụ nữ UAE dù sống trong môi trường được mong ước bậc nhất thế giới nhưng vẫn chưa thực sự hạnh phúc. Có quá nhiều giới hạn, định kiến bủa vây họ. Gần 70% phụ nữ đã kết hôn ở UAE là nạn nhân của bạo hành. Họ còn chịu sự bất công mà xã hội xem đó là điều hiển nhiên khi chiếu theo đạo Hồi. Không có sự bình đẳng là không có hạnh phúc trọn vẹn”.

Theo Thủ tướng Sheikh Mohammed, bà Ohood Al-Roumi là người thích hợp nhất đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Hạnh phúc vì khả năng bao quát sâu rộng mọi ngóc ngách xã hội. Cảm nhận về hạnh phúc, theo bà Ohood Al-Roumi, không thể thiếu chất lượng cuộc sống, xuất phát từ nền kinh tế “khỏe mạnh”. Đây cũng là thế mạnh của bà Ohood Al-Roumi, khi bà là đại diện đầu tiên của thế giới Ả rập tham gia Hội đồng Doanh nhân toàn cầu của Quỹ Liên Hiệp Quốc.

Với người phụ nữ đầy nội lực này, hạnh phúc cũng đồng nghĩa thỏa sức khẳng định khả năng: “Nhiều người hỏi tôi có hạnh phúc không. Cuộc sống riêng của tôi rất đơn giản, hạnh phúc với tôi là cân bằng mọi thứ, hết lòng cống hiến năng lực bản thân. Giờ đây, hạnh phúc của tôi là nhìn thấy mọi người hạnh phúc với con đường chúng tôi lựa chọn và theo đuổi”.

Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Tìm kiếm hạnh phúc luôn là tâm nguyện lớn của nhân loại. Sáng kiến của UAE, với sự xuất hiện của Bộ trưởng Hạnh phúc, làm người ta nhớ đến Bhutan, quốc gia lọt thỏm giữa trùng trùng điệp điệp dãy Himalaya. Chấp nhận không chạy đua theo các chỉ số kinh tế thông dụng, Bhutan định nghĩa thịnh vượng bằng cách riêng.

Than hanh phuc co that
Học sinh ở Bhutan đến trường miễn phí - Ảnh: HUFFINGTON POST

Đây là quốc gia duy nhất tạo nên khái niệm Tổng hạnh phúc quốc dân (GNH) và xem đây là thước đo sự hài lòng của người dân. Tiêu chuẩn GNH gồm: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, lãnh đạo tốt. Mãi đến năm 1999, muộn nhất trên thế giới, chiếc ti vi đầu tiên mới xuất hiện ở Bhutan, người dân nước này chẳng lấy làm phiền lòng.

Cuộc sống ở đây là sự chậm rãi, tận hưởng giá trị tinh thần. Họ chọn khác biệt dựa vào điều kiện tự nhiên, thay vì tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, họ gìn giữ khoảng không gian xanh với hơn 50% diện tích dành cho rừng xanh bạt ngàn. Cứ một cây bị đốn đi vì bất cứ lý do nào thì phải bù lại ba cây. Dù ở Bhutan vẫn còn 30% dân số nghèo nhưng họ hoàn toàn yên tâm vì con cái đến trường không mất khoản phí nào, lại còn nhận trợ cấp sách vở, lương thực.

Ốm đau, bệnh tật cũng nhận hỗ trợ tối đa, như thế với họ là hạnh phúc. Trẻ em nơi đây không phải đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng luôn cố gắng trở thành công dân tốt, biết hòa mình cùng thiên nhiên. Trong cuộc khảo sát gần đây, 97% người Bhutan được hỏi đều trả lời họ hạnh phúc với hiện tại. 

Thiên Anh (Theo Al-Jazirah, NPR, ABC, Press Reader, Life Hack)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI