Trong vòng xoáy buôn người - Kỳ cuối: Dành cho tội ác

20/03/2014 - 14:52

PNO - PN - Rời khỏi Phnom Penh, tôi về Việt Nam, tìm tung tích của một nạn nhân đã bị bán vào những địa ngục trần gian xứ người là Huỳnh An Khương (SN 1996) ở thị trấn Cần Đước, tỉnh Long An. Mất hai ngày dò hỏi, ngày 9/3, khi tìm...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Khương tìm về lại Việt Nam đúng tuổi trưởng thành. 5 năm trước, người mẹ túng quẫn đã định giá con gái mình 300 USD.

Trong vong xoay buon nguoi - Ky cuoi: Danh cho toi ac

Nhà chứa ở Phnom Penh

Bán con vào động quỷ

“Năm 2009, em đang học lớp 6 ở trường THCS Tân Lân thì cha mẹ ly hôn”, Khương kể. Mẹ Khương, bà Đỗ Thị H. (49 tuổi, quê Cần Thơ), do khó khăn đã dẫn con gái lên TP.HCM tìm việc, thuê một phòng trọ ở Q.7, đi phụ việc rửa chén, quét dọn ở nhiều tiệm cơm. Thông qua người quen, bà H. xin cho Khương (lúc đó mới 13 tuổi) vào làm ở trung tâm dạy nghề trang điểm T.V. trên đường Hùng Vương, P.4, Q.5 với mức lương hai triệu đồng/tháng. Sau ba tháng ở TP.HCM, mẹ Khương “quen” một người đàn ông ở Châu Đốc, An Giang và thỉnh thoảng lại về “nhà chồng” chơi. Một lần, bà H. nhìn chằm chằm vào con gái, bảo: “Mai mẹ dẫn con xuống “nhà nội” chơi”. Khương chưa kịp mừng thì bà H. đính chính: “Nhà nội mới chứ không phải bên nội nhà ba mày”.

Bà bắt con gái nghỉ việc, dẫn ra bến xe miền Tây đi Châu Đốc. Sau ba ngày ở “nhà nội mới”, Khương lại được mẹ rủ “cho đi Campuchia chơi”. Một buổi sáng tháng 7/2009, bà H. dẫn con gái vượt biên qua cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú. Sau đó, xe ôm chở hai mẹ con đi tiếp qua cửa khẩu Chrey Thum, huyện Kor Thum, tỉnh Kan Dal (Campuchia) bằng đường tiểu ngạch, rồi đón xe đến Phnom Penh. “Lúc đó, em vui lắm vì được mẹ đưa đi chơi xa”, Khương nói.

Chiều cùng ngày, bà H. dẫn con gái đến một cửa tiệm bên trong có nhiều bé gái lớn hơn Khương vài tuổi. Chủ tiệm là bà Năm Nguyệt, dẫn hai mẹ con đi ăn cơm, luôn miệng khen: “Nhìn con bé dễ thương, ngoan quá. Ở đây cô Năm nuôi cho lớn”. Thấy bà Năm Nguyệt nói với mẹ: “Chị đưa em 300 USD, cứ yên tâm để nó lại chị giữ cho”, Khương còn nghĩ bà ta là người tốt, đang giúp mẹ, nên vui vẻ ở lại giúp việc cho bà Năm Nguyệt. Bà H. thì nói đi thăm người quen rồi về Việt Nam luôn.

“Ngày đầu tiên em ở chỗ bà Năm, từ khoảng 10g sáng đã có nhiều người nước ngoài to cao đến. Em và các chị cùng phòng phải đi ra ngoài, chỉ để một chị ở lại. Có lúc bà Năm Nguyệt bắt em phải xếp hàng cùng các chị cho khách chọn, nhưng sau khi khách chọn, em sợ quá khóc lóc van xin nên bà Năm Nguyệt nói “từ từ cũng được”, Khương kể.

Chỉ mấy ngày đầu, cô bé đã nhiều lần chứng kiến bà Năm Nguyệt cho người chửi rủa, đánh đập các chị thậm tệ vì không chịu tiếp khách. Lý do bà Năm Nguyệt chưa bắt Khương tiếp khách, theo một cô gái ở cùng, là “đợi tìm khách mua trinh mới có lời”. Hiểu được bà Năm Nguyệt sẽ làm điều gì đó kinh khủng với mình, Khương tính chuyện bỏ trốn, dù chưa biết làm cách nào để có thể vượt qua ba người đàn ông đứng canh giữ bên ngoài.

Khoảng 8g tối, Khương nghe tiếng bà Năm Nguyệt hò hét mọi người chạy ra phía sau nhà. Gần 30 cô gái bị bà chủ chứa đẩy vào căn phòng cuối cùng trong tiệm massage. Khi cảnh sát ập vào, Khương sợ hãi đứng nép ở góc tường, nước mắt giàn giụa. Bà Năm Nguyệt bị còng tay dẫn lên xe cùng các cô gái đưa về đồn cảnh sát. Hôm sau, các cô gái, trong đó có Khương, được cảnh sát đưa đến một căn nhà lớn có rất nhiều cô gái như họ. Khương không biết, căn nhà đó là trụ sở của Agape ở Svay Pak, nơi sẽ thay đổi cả tương lai mình. Agape liên kết với cảnh sát Campuchia nhằm hỗ trợ, dạy nghề cho những bé gái, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Từ cuối năm 2009 cho đến nay, Khương được dạy nghề may ở Agape, học tiếng Campuchia và tiếng Anh.

“Nếu về lại Long An, em cũng không thể ở với cha vì cha thường không có ở nhà. Nhiều lần em còn muốn đi tố cáo vì mẹ đã bán em. Nhưng cuối cùng, em quyết định không tố cáo mẹ, nhưng cũng không dám tìm gặp nữa”, Khương cho biết. Sau 5 năm ở Agape Svay Pak, cuối năm 2013 Khương được Lãnh sự quán Việt Nam hỗ trợ cấp giấy thông hành về nước. “Em sẽ cố gắng học ngoại ngữ, dự định sau này sẽ làm việc cho Agape ở Svay Pak để góp sức mình giúp đỡ những bé gái có hoàn cảnh giống em”, Khương chia sẻ. Theo lời Khương, thời gian cô ở Agape, bà H. đã nhiều lần tìm gặp và tỏ ra hối hận vì tội lỗi của mình.

Trong vong xoay buon nguoi - Ky cuoi: Danh cho toi ac

Em Huỳnh An Khương

Sau ảo mộng là… ác mộng

Tôi tiếp tục hành trình ở miền Tây Nam bộ để tìm những nạn nhân của nạn buôn người. Ở một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, nơi có gần 20 cô gái từng rơi vào vũng bùn Svay Pak 12 năm trước, tôi tìm được D. (26 tuổi), hiện đang làm phục vụ ở một quán cà phê tại Q.10, TP.HCM. D. tâm sự: “Vì tin tưởng người môi giới nên gia đình đã đồng ý để em đi theo, sau đó em bị bán sang Svay Pak”. Với D., quá khứ kinh hoàng đó đã khiến cô mất niềm tin vào cuộc sống, đến giờ cô vẫn chưa một lần có người yêu, dù được nhiều người theo đuổi.

Theo lời D., cuối năm 2002, gia đình cô và gần 20 cô gái khác ở Tân Hiệp, đa số đều khó khăn, đã bị "cò" gạ gẫm bán con. 14 tuổi, nửa buổi đi học, nửa buổi làm ruộng phụ gia đình, một ngày D. được cha mẹ gọi về cho bà H., một người chuyên cho vay nặng lãi xem mặt. Bà H. thường cho gia đình D. vay tiền trả góp nên cha mẹ D. rất tin tưởng khi bà này hứa sẽ đưa D. lên TP.HCM làm việc với mức lương 800.000đ/tháng, bao ăn ở.

Ba ngày sau, D. nghỉ học theo bà H. ra Quốc lộ 80 cùng hai cô bé khác để đợi xe đến đón. Cả ba đều chưa một lần ra khỏi cái xóm nghèo đó nên lên xe nằm ngủ li bì cho đến lúc bà H. bảo xuống xe thì chỉ thấy phía trước là những cánh đồng hoang. Không biết đó là vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, cả ba tiếp tục chuyển sang xe máy đi tiếp. Gần một giờ sau, lại được chuyển sang ô tô. Đến điểm dừng cuối cùng, bà H. dẫn ba cô bé vào quán cà phê do một phụ nữ tên Ngọc làm chủ. “Lúc đó, thấy có nhiều người nói tiếng Khmer, em hỏi đây là đâu thì bà H. bảo trên Sài Gòn người ta không nhận người nữa, đây là Campuchia”. Nhận tiền từ bà Ngọc xong, bà H. đi về, để lại ba đứa bé gái.

Quán cà phê trá hình của bà Ngọc là nhà số 10, địa chỉ khét tiếng thứ hai sau nhà số 1 Svay Pak, nơi chúng tôi đã đề cập trong những bài viết trước. Tại đây, bà Ngọc nuôi nhốt khoảng 60 cô gái, trong đó quá nửa là chưa đủ tuổi thành niên. Buổi tối đầu tiên ở quán số 10, D. và hai cô bạn đi cùng bị bà Ngọc tát, dùng cây đánh lúc thuyết giảng về “cách tiếp khách”. Tối hôm sau, cả ba bị bà Ngọc ép bán trinh cho khách nước ngoài.

Sau lần kinh hoàng ấy, D. ngất lịm, thường xuyên gào khóc, quỳ xin bà Ngọc cho về nhà nhưng không được chấp nhận. Mỗi ngày D. và các cô gái khác phải làm việc khoảng 14 tiếng, tiền khách đưa bà Ngọc giữ hết. Trong một lần D. cùng ba cô khác định bỏ trốn, bà Ngọc bắt lại được, trói cả bốn người vào góc nhà, bỏ đói.

Những tưởng sẽ tàn đời ở địa ngục trần gian này, nhưng đến tháng 1/2003, một cô gái trong quán được gia đình tìm ra tung tích, gửi 300 USD sang chuộc về. Cô bé này và gia đình đã đến công an huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang tố cáo nên bà H. bị bắt giữ. Nghe tin, sợ công an Việt Nam sẽ phối hợp với cảnh sát ở Svay Pak bắt, bà Ngọc thả D. và hai cô khác về khu vực biên giới, cho mỗi người 50.000đ về nhà. “Một năm sau khi về nhà, em thường xuyên gặp ác mộng, gào khóc vì hoảng sợ. Lúc nào em cũng thấy bị bà Ngọc và hai người đàn ông đánh đập”, D. nói. Theo tìm hiểu của tôi, bà H. sau đó đã bị khởi tố về tội “mua bán trẻ em”, bà Ngọc thì bị cảnh sát Campuchia bắt giữ trong chiến dịch truy quét mại dâm vào năm 2004. Cả hai hiện đang nếm trải những ngày tháng cô độc, túng quẫn sau khi trở về.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ tại Phnom Penh, ông Vũ Lê Hà, Tham tán - Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, chính nhận thức lệch lạc, mong muốn đổi đời nhanh chóng của nhiều bậc cha mẹ đã vô tình đẩy con em mình vào những nhà chứa ở Phnom Penh, hủy hoại cuộc đời các bé gái. Nhiều người còn ấu trĩ đến mức cứ nghĩ “có con thì nhờ con” bằng cách... bán con vào nhà chứa. Có trường hợp như bà L.T.Th. ở Bến Tre còn tìm đủ mọi cách sang Campuchia mở quán massage trá hình, dẫn con gái là Tr. (16 tuổi) qua làm nhân viên tiếp khách.

Cuối năm 2012, bà Th. bị cảnh sát Campuchia bắt, đưa vào một trung tâm thuộc tổ chức World Vision rồi bàn giao cho phía Việt Nam. Hay như trường hợp cô gái tên B. (20 tuổi, quê Châu Thành, Bến Tre) đã được cảnh sát giải cứu nhưng nhất định không chịu về Việt Nam vì “ba mẹ không cho về”. Sau khi Lãnh sự quán cấp giấy thông hành cho B., cô đã bỏ trốn. Theo xác minh của tôi, hiện B. đang hành nghề ngay tại Phnom Penh, theo con đường đã được gia đình “hướng nghiệp” từ khi cô còn là một cô bé ngây thơ...

 Vinh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI