Thảm họa ở Indonesia đến từ đâu?

01/10/2018 - 11:35

PNO - 18g7 ngày 28/9 (5 phút sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,5 độ ngoài khơi Sulawesi) Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia đã phát đi cảnh báo sóng thần. Nhưng 30 phút sau, chính quyền Indonesia lại gỡ bỏ cảnh báo này.

Thảm họa kép từ trận động đất ở Indonesia kéo theo nhiều hệ lụy và tang thương trên khắp thành phố Palu. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng những chi tiết bất cập của Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) cùng với cách xử lý thảm họa của chính quyền Indonesia lại thực sự gây khó hiểu cho nhiều người. 

Lúc 18g7 ngày 28/9, tức chỉ 5 phút sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,5 độ ngoài khơi Sulawesi, BMKG đã phát đi cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, 30 phút sau, chính quyền Indonesia đã quyết định gỡ bỏ cảnh báo này với lý do được Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia đưa ra bằng thông cáo. Nội dung như sau: "Việc gỡ cảnh báo dựa trên kết quả theo dõi bằng mắt thường và hệ thống phao cảnh báo sóng thần ngoài biển trong 30 phút. BMKG không phát hiện sự thay đổi đáng kể của mực nước biển và quyết định chấm dứt báo động".

Tham hoa o Indonesia den tu dau?
Sóng thần đã gây ra thiệt hại và đau thương rất lớn cho người dân Indonesia.

Trong khi đó, cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất mạnh xảy ra gần đảo Sulawesi, miền trung Indonesia lúc 18g2 (giờ Indonesia) ngày 28/9 có tâm chấn nằm ở độ sâu 10km dưới mặt đất, là chấn động mạnh nhất trong hàng loạt trận động đất xảy ra trong chiều cùng ngày. Và thực tế cũng cho thấy, trận động đất này đã gây ra sóng thần cao đến hai mét, tàn phá nhiều khu vực ven biển của thành phố Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi và thị trấn Donggala, nhưng trong cảnh báo được gửi đi của BMKG, mức sóng thần chỉ ở mức... 6cm. 

Thậm chí, một thông tin khác cho hay thiết bị cảnh báo được đặt ngoài khơi, không đo được tới bờ, và chỉ được chính quyền nước này hứa hẹn sẽ “xem xét trong tương lai”, khi con số tử vong vì thảm họa kép đã lên đến gần 900 người và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Nhà chức trách Indonesia đổ lỗi cho việc mất điện tại thành phố Palu và toàn bộ khu vực lân cận khiến hệ thống thông tin liên lạc và giao thông bị tê liệt. Vì vậy, tin nhắn cảnh báo sau đó của chính quyền không thể đến với người dân, đặc biệt là những người đã thiệt mạng vì không thể lường được thiên tai bằng mắt thường để có thể tự thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Trước khi bị tước đi mạng sống, họ còn vui vẻ với một lễ hội sắp được tổ chức trên bãi biển... Thậm chí đến khi thảm họa xảy ra, nhà chức trách vẫn từ chối cung cấp số liệu chính xác nạn nhân thiệt mạng được xác định tới thời điểm hiện tại.

Thống kê về số người chết và thương vong ngày 29/9 vừa qua của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia dường như đã được “giảm nhẹ” đi rất nhiều, thậm chí trong một báo cáo của một cơ quan cứu hộ, cứu nạn trên biển tại địa phương, số người chết chính xác đã được họ thay thế bằng cụm từ “rất nhiều xác chết” đang trôi trên biển để công bố với truyền thông. 

Thảm họa thực sự đến từ đâu? Có thể vì cơn sóng thần tại Indonesia có diễn biến phức tạp, bởi vị trí địa lý và địa chất khu vực này khá đặc biệt, việc dự đoán và đưa ra những cảnh báo chính xác là hoàn toàn khó khăn (điều này lý giải cho việc các nhà chức trách bị nhầm lẫn, dẫn tới việc gỡ cảnh báo sớm trước khi sóng ập tới). Có thể vì người dân Indonesia vốn đã quen với động đất nên có thể đã chủ quan và không đi sơ tán. Nhưng bất cập trong việc dự báo của BMKG là không thể phủ nhận. 

Hạnh - Phong 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI