Tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam mang theo thông điệp gì?

05/03/2018 - 08:29

PNO - Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh, một tàu sân bay Mỹ dự kiến ghé thăm cảng Việt Nam vào ngày 5/3, mang theo một thông điệp đặc biệt.

Tàu sân bay Carl Vinson bỏ neo ngoài khơi Đà Nẵng, một thành phố cảng miền Trung Việt Nam, nơi đóng vai trò là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước này.

Tau san bay My den Viet Nam mang theo thong diep gi?
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ghé thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam, từ ngày 5/3 - Ảnh: Getty Images/US Navy

Đô đốc John V. Fuller, chỉ huy nhóm tấn công Carl Vinson, người có cha từng phục vụ tại Việt Nam, nói: "Đây là một bước tiến khá lớn và mang tính lịch sử, vì một tàu sân bay vắng mặt ở đây đã 40 năm nay”.

Ông cho biết hai bên “hy vọng sẽ tiếp nối một vấn đề cùng quan tâm”, đó là “thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực".

Sự xuất hiện của 5.500 thủy thủ thuộc nhóm tấn công Carl Vinson đánh dấu lần đầu tiên một đội quân đông đảo của Mỹ quay lại miếng đất Việt Nam kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam năm 1975.

Trong thời gian chuyến thăm 4 ngày ở Đà Nẵng, sĩ quan và thủy thủ tàu sân bay Carl Vinson sẽ đi thăm một trại trẻ mồ côi và một trung tâm dành cho các nạn nhân chất độc màu da cam.

Các thủy thủ tàu sân bay cũng sẽ thi đấu giao hữu bóng rổ và bóng đá với các đối tác Việt Nam.

Tháng qua, tàu sân bay Carl Vinson đã được triển khai ở Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, nhưng là nơi đang diễn ra các tuyên bố chủ quyền khác nhau của sáu chính phủ trong khu vực.

Trung Quốc, một trong các bên tranh chấp, đã tiến hành cải tạo rộng rãi, biến đổi các tảng đá và rạn san hô họ đang kiểm soát thành các hòn đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), một tổ chức được điều hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết chỉ riêng năm 2017, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở thường trú trên đất khai hoang có diện tích khoảng 72 mẫu Anh, tương đương 290.000m².

Mặc dù Washington không phải là một bên trong tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, Hải quân Mỹ miêu tả các hoạt động của mình ở Biển Đông là quan trọng để đảm bảo an ninh hàng hải và nuôi dưỡng các điều kiện đã dẫn tới việc phát triển kinh tế châu Á sau chiến tranh thế giới thứ II.

Đô đốc Fuller nói: "Đó là một môi trường ổn định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Ông từ chối bình luận việc Trung Quốc xây dựng đảo đã thay đổi động lực phát triển trong khu vực thế nào.

Trong khi đó, Bắc Kinh luôn phản đối bất cứ khi nào Washington tiến hành hoạt động tự do hàng hải và các tàu Mỹ đi đến gần các vùng biển đang có tranh chấp do Trung Quốc kiểm soát.

Năm 2016, một tòa án quốc tế đã phán quyết phần thắng về Philippines trong một vụ kiện tố cáo tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền ít ngày sau chiến thắng pháp lý của Philippines, đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc và Mỹ.

Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ, đồng minh lâu năm, và xây dựng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc để nhận được hàng tỷ đô la Bắc Kinh đầu tư vào Philippines.

Quế Lâm (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI