Tân Tổng thống Iran với những kỳ vọng và thách thức

17/06/2013 - 14:43

PNO - PN - Hôm 15/6/2013 sau khi nhận được 18,5 triệu phiếu ủng hộ của cử tri Iran, bỏ xa đối thủ gần nhất đến gần 12 triệu phiếu, vị giáo sĩ theo đường lối ôn hòa Hassan Rohani (ảnh) đã trở thành Tổng thống Iran nhiệm kỳ tiếp theo....

Tan Tong thong Iran voi nhung ky vong va thach thuc

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Iran lần này được coi là hứa hẹn một thời kỳ mới đối với Iran. Là người có quan điểm cải cách ôn hòa, lại có quan hệ chặt chẽ và được giáo chủ Ayatollah Khamenei ủng hộ, tân Tổng thống Rohani có nhiều cơ hội để chấm dứt cuộc đối đầu giữa giới tăng lữ và tổng thống, cải thiện tình hình kinh tế xã hội, làm dịu những căng thẳng với cộng đồng quốc tế và đưa Iran thoát khỏi tình thế bị cô lập do chương trình hạt nhân của nước này.

Sau khi tin ông Rohani chiến thắng được phát ra, tình hình tại Iran vẫn yên tĩnh, khác với lần bỏ phiếu tháng 6/2009, hàng triệu người Iran đã xuống đường yêu cầu bầu cử lại. Trong khi hàng ngàn người dân đổ ra đường phố thủ đô Tehran để ăn mừng chiến thắng của ông Rohani, giáo chủ Ali Khamenei - lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran - đã chúc mừng ông Rohani, đồng thời kêu gọi “Tất cả mọi người hãy hỗ trợ Tổng thống đắc cử và các đồng nghiệp trong chính phủ của ông”. Lãnh tụ Khamenei sẽ phê chuẩn kết quả bầu cử vào ngày 3/8, sau đó tân Tổng thống sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Thắng lợi của ông Rohani cho thấy nguyện vọng của đa số cử tri Iran là cải cách và tăng trưởng kinh tế, hạn chế sự can thiệp của thần quyền và quân đội vào việc điều hành quốc gia, mềm mỏng hơn với phương Tây. Người ta hy vọng ông Rohani sẽ cân bằng được cán cân giữa phe bảo thủ và lớp trẻ (chiếm khoảng 30% cử tri) muốn cách tân và muốn hòa nhập với thế giới. Những hứa hẹn về cải cách, chẳng hạn như tăng cường quyền cho phụ nữ đã giúp ông Rohani được cử tri yêu thích hơn.

Tuy nhiên, ông Rohani sẽ phải giải quyết những hậu quả mà Tổng thống Ahmadinejad tiền nhiệm để lại: những khoản chi khổng lồ cho các chương trình xã hội trong khi kinh tế thiếu ổn định, lạm phát gia tăng, lại phải chịu những đợt trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào ngành xuất khẩu dầu; vị thế của Iran trong khu vực khi các phong trào nổi dậy của người Sunni và thánh chiến đang gia tăng chống lại ảnh hưởng của Iran.

Dù trước đó từng lo ngại về sự “thiếu minh bạch” và “kiểm duyệt” trong bầu cử, nhưng Nhà Trắng đã hoan nghênh kết quả bầu cử hôm 15/6 và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Iran.

Trong phát biểu đầu tiên sau khi được tin mình chiến thắng, ông Rohani kêu gọi cộng đồng quốc tế đối xử với Iran bằng sự tôn trọng và công nhận các quyền của nước này nếu muốn nhận được phản hồi thích hợp.

Năm nay 64 tuổi, ông Rohani lấy bằng tiến sĩ luật tại Đại học Glasgow Caledonian của Scotland. Trong 20 năm (1980-2000) ông Rohani là nghị sĩ Quốc hội và là thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao từ năm 1989 đến năm 2005, là người có mối quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong tất cả các quyết định quan trọng về chính sách của Iran.

 Hữu Du (AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI