Tái sinh nhờ thành tựu y học - Bài 1: “Tấn công phủ đầu” virus HIV

13/03/2013 - 07:51

PNO - PN - Lần đầu tiên, một bé sơ sinh nhiễm HIV/AIDS được chữa khỏi bằng liều thuốc chống HIV “đánh phủ đầu” ở Mỹ, đem lại hy vọng xóa bỏ căn bệnh thế kỷ cho trẻ em toàn thế giới, dù nhiều nhà khoa học cho rằng cần có thêm...

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 1: “Tan cong phu dau” virus HIV

Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.000 bé nhiễm HIV/AIDS lúc chào đời (ảnh: internet)

Chữa bằng kinh nghiệm

Sản phụ được chở tới một bệnh viện ở vùng nông thôn bang Mississippi vào mùa thu năm 2010 và sinh non một đứa bé. Từ lúc cấn thai cho đến lúc nhập viện, sản phụ này chưa bao giờ đến bác sĩ thăm khám nên không biết mình đã bị lây nhiễm virus HIV.

Sau khi thử máu thấy sản phụ dương tính với HIV, lập tức bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đại học Mississippi. Lúc đó, bé đã sinh ra được 30 giờ. Phó giáo sư tiến sĩ nhi khoa, Hannah Gay, ra lệnh lấy hai mẫu máu cách nhau một giờ đem xét nghiệm dấu vết RNA và DNA của virus HIV. Xem kết quả, bà Gay nhận định việc lây nhiễm HIV diễn ra trong buồng trứng chứ không phải lúc sinh con.

Thông thường trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ được chữa trị bằng một hoặc hai loại thuốc kháng HIV với liều thấp như một biện pháp phòng ngừa. Trong sáu tuần sau, nếu bé có kết quả dương tính HIV, mới tăng liều. Với kinh nghiệm gần 20 năm “chuyên trị” các ca bệnh HIV/aids, bà Gay dùng một lúc ba loại thuốc kháng HIV “tấn công phủ đầu”, không phải để phòng bệnh mà là chữa bệnh, không cần đợi kết quả xét nghiệm dương tính với HIV ở bé sơ sinh.

Khi bé được một tháng tuổi, các xét nghiệm cho thấy mật độ virus HIV giảm rất nhanh. Tình trạng này được duy trì cho đến lúc bé được 18 tháng tuổi. Trong thời gian này, bé vẫn tiếp tục dùng thuốc. Sau đó, bà mẹ không đến bệnh viện lãnh thuốc nữa. Mười tháng sau, hai mẹ con quay trở lại bệnh viện. Bà Gay tưởng virus HIV đã sinh sôi trở lại trong máu em bé vì ngưng thuốc nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Nghi ngờ phòng thí nghiệm mắc sai sót, bà Gay cho làm thêm nhiều xét nghiệm khác và ngỡ ngàng: “Tôi hầu như không tin vào mắt mình, tất cả đều âm tính”.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 1: “Tan cong phu dau” virus HIV

(ảnh: internet)

Lạc quan dè dặt

Trên thế giới, chưa từng thấy xảy ra trường hợp tương tự. Đứa bé coi như được tái sinh nhờ “liệu pháp sốc” mang tính đột phá của bà Gay. Vì vậy, khi bác sĩ Deborah Persaud, Giám đốc Trung tâm Nhi đồng, Đại học John Hopkins và tác giả công trình nghiên cứu đề tài ca bệnh nói trên, thông báo kết quả kỳ diệu này hôm 4/3/2013, tại Hội nghị chuyên đề về HIV/AIDS ở Atlanta (Mỹ) một số nhà khoa học tỏ ý nghi ngờ đây là trường hợp cá biệt.

Đứa bé ngưng thuốc khi được 18 tháng tuổi và vẫn âm tính với HIV trong 10 tháng kế tiếp. Dù vậy, các chuyên gia về HIV/AIDS vẫn thận trọng cho rằng cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi đưa ra kết luận dứt khoát, nhất là phải xác định tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh nói trên đối với trẻ sơ sinh nhằm bảo đảm “lợi bất cập hại”.

Bác sĩ Ross McKinney, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y khoa Duke (Mỹ), tuyên bố: “Tôi hơi nghi ngờ trường hợp này vì nó chưa thật sự rõ ràng”. Theo bà, yếu tố liệu pháp tấn công mạnh được nhấn mạnh hơi quá để gieo niềm hy vọng rằng đây là một liệu pháp đầy triển vọng. Bà McKinney lưu ý: “Việc phát hiện mật độ virus HIV thấp không thể chứng minh rằng nó sẽ không bao giờ sinh sôi nẩy nở”. Bà lý giải: có thể nó quá yếu để phát triển. Hoặc, cũng có thể hệ miễn dịch của đứa bé thuộc dạng “có một không hai”. Do vậy, cần phải xác định cho rõ hai khả năng này trước khi tuyên bố đã tìm ra liệu pháp thần kỳ chữa HIV/AIDS ở trẻ sơ sinh đã nhiễm bệnh.

Không riêng gì bà McKinney, nhiều chuyên gia về HIV/AIDS khác cũng lạc quan một cách dè dặt. Vì sao? Khi đứa bé được đưa trở lại bệnh viện, xét nghiệm máu cho thấy virus HIV không phát triển. Trong giới chuyên môn, người ta gọi là “điều trị chức năng”. Không phát triển nhưng virus HIV vẫn còn đó, chưa bị xóa sổ. Nó còn sống yếu ớt thật, nhưng lấy gì đảm bảo nó không bùng phát trở lại khi đứa bé lớn lên? Đây là thắc mắc của bác sĩ David Rosenthal, Giám đốc Trung tâm Nhi HIV ở New York.

Bác sĩ Sten Vermund, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường Y Đại học Vanderbilt ở Nasville, bang Tennessee, lưu ý, trong 30 giờ đầu tiên của trẻ sơ sinh, rất khó biết trẻ có bị nhiễm HIV hay chưa. Lý do: Khi bé chào đời từ một người mẹ nhiễm HIV, một lượng máu nhỏ có thể di chuyển đến cơ thể bé thông qua cuống nhau. Lúc đó, làm xét nghiệm sẽ thấy có virus HIV. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bé đã bị nhiễm bệnh thật sự. Bé chỉ mang chất liệu gen HIV của mẹ trong người.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 1: “Tan cong phu dau” virus HIV

Phó giáo sư, tiến sĩ Hannah Gay (ảnh: internet)

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 1: “Tan cong phu dau” virus HIV

Tiến sĩ Deborah Persaud (ảnh: i

Để trấn an dư luận, bác sĩ Katherine Luzuriaga, chuyên gia về miễn dịch Trường Y Đại học Massachussetts, người cùng với bác sĩ Persaud trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội nghị Atlanta, cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi vụ này dài hạn. Chúng tôi tiếp tục chữa trị bằng thuốc nếu lại phát hiện virus trong máu”.

Bà Luzuriaga cũng thừa nhận đây là một trường hợp “điều trị chức năng” bởi các xét nghiệm máu cực nhạy cho thấy vẫn còn một lượng nhỏ DNA của virus HIV trong tế bào máu. Bà nói thêm về tiềm năng xóa sạch HIV ở năm thanh thiếu niên được chữa trị bằng thuốc kháng virus retro như AZT kể từ tháng thứ hai sau khi sinh. Bốn trường hợp thanh thiếu niên khác cũng dùng thuốc như vậy nhưng ở thời điểm muộn hơn nên đã thất bại. Trường hợp ở Bệnh viện Mississippi, bé được chữa bằng liều mạnh rất sớm, chỉ 30 ngày sau khi sinh, đã thành công. Bà Luzuriaga khẳng định cần tiếp tục theo dõi tình trạng HIV của bé cũng như bốn trường hợp thất bại vừa kể.

Triển vọng

Cho dù thế nào thì trường hợp cứu đứa bé khỏi họa HIV/AIDS của bà Gay vẫn được dư luận đón nhận và đánh giá cao. Tuy chưa phải là một thành tựu vĩ đại nhưng đây là một bước tiến rõ rệt giúp các nhà khoa học mở ra nhiều hướng điều trị HIV/AIDS mới, hiệu quả hơn.

Hiện nay, các bà mẹ nhiễm HIV/AIDS được chữa trị tích cực trước khi sinh để tránh lây sang con. Biện pháp này có hiệu quả lớn. Tỷ lệ có thể đạt 95% như ở nước Anh. Tuy nhiên, ngay ở các nước giàu có như Mỹ, hàng năm vẫn có 100 - 200 bé sơ sinh nhiễm HIV, vì phát hiện trễ bệnh ở sản phụ.

Trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, mỗi ngày có khoảng 1.000 bé sơ sinh nhiễm HIV. Đối với các bé này, trường hợp ở Mississippi mang lại niềm hy vọng rất lớn. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 330.000 trẻ sơ sinh nhiễm HIV trong năm 2011 và hơn ba triệu trẻ em trên thế giới đang nhiễm virus nan y này.

Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành Chương trình HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAids), tuyên bố “Thông tin từ Mỹ khiến chúng tôi hy vọng có thể chữa bệnh HIV/AIDS cho trẻ sơ sinh”. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, cần có thêm những nghiên cứu và phát minh thiết thực, nhất là trong lĩnh vực chẩn đoán sớm.

VĂN ANH

Đón đọc kỳ tới: Khát vọng sống

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI