'Sức mạnh mềm' Nhật Bản từ nghệ thuật tái sắp xếp

21/01/2019 - 15:00

PNO - Thế giới đang “phát sốt” với Marie Kondo. Nhưng Nhật Bản không chỉ có mỗi Marie Kondo mà có cả chuỗi hình ảnh, được xây dựng một cách bài bản, để giới thiệu phong cách sống của người dân đất nước mặt trời mọc.

'Suc manh mem' Nhat Ban tu nghe thuat tai sap xep
Marie Kondo

Những gì Marie Kondo làm không mới. Những người yêu thích giá trị sống tối giản từng biết đến cô gái sinh năm 1984 thông qua quyển sách cùng chủ đề do cô viết, ra mắt năm 2011. Nhưng hành trình của Marie Kondo không dừng lại ở đó mà còn đưa hình ảnh Nhật Bản ra thế giới. Tác giả Christopher Harding - giảng viên về lịch sử châu Á tại Đại học Edinburgh (Anh) - chia sẻ trên New York Times, gọi đây là “sức mạnh mềm”, ghi dấu ấn, thể hiện một cách sinh động nhất tinh thần người Nhật.

Nhắc đến Marie Kondo, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, trao đi tất cả năng lượng tích cực, với nghi thức quỳ xuống sàn, dành lời cảm ơn chân thành đến từng món đồ đã phục vụ gia chủ. Sau đó, cô tái sắp xếp từng góc nhà, góc phòng, hướng đến sự tối giản. Marie Kondo đặt tên cho phương pháp này là KonMari.

Thế giới có thể biết đến hình ảnh nhân vật ô-sin với bản phim năm 1983, khắc họa câu chuyện có thật về một người phụ nữ sinh ra trong gia đình bần nông Nhật Bản. Cô bé ấy trưởng thành, trải qua những khúc quanh nghiệt ngã nhất cuộc đời mà vẫn luôn giữ nụ cười đầy lạc quan. Bộ phim về làng quê nghèo nàn ấy khiến khán giả quốc tế ấn tượng với phong cách Nhật Bản - giản đơn tối đa, nhưng ẩn chứa trong không gian sống là cả một nghệ thuật sắp xếp, bài trí tinh tế.

'Suc manh mem' Nhat Ban tu nghe thuat tai sap xep
Nghệ thuật tái sắp xếp cùng phong cách sống tối giản chính là một trong những giá trị mà người Nhật đã lựa chọn
Xem Marie Kondo hướng dẫn cách gấp quần áo và xếp vào vali. Nguồn: NBC

Những điều ấy thống nhất với giá trị sống đề cao vẻ đẹp tinh tế của sự giản đơn mà người dân quốc gia châu Á này đã lựa chọn. 35 năm sau, đúng vào ngày đầu năm 2019, cả thế giới nhận ra mình cần học cách người Nhật sắp xếp vật dụng, tạo không gian trống không chỉ cho góc phòng mà đó còn là cam kết sống không quá lệ thuộc vào vật chất, sống trong sự thừa mứa nhưng luôn cảm thấy mình thiếu thốn.

Nghệ thuật tái sắp xếp ở Nhật Bản còn được biết đến qua phương pháp Kaizen - vốn là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ “kai” có nghĩa là thay đổi và từ “zen” có nghĩa là tốt hơn. Kaizen nghĩa là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”, nhằm mang lại lợi ích vì tập thể hơn là lợi ích cá nhân. Những doanh nghiệp lớn ở Nhật và nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật xem Kaizen là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp và cá nhân từng ngày thăng tiến về mức độ chuyên nghiệp, tối ưu năng suất. Toyota là công ty đầu tiên vận dụng Kaizen và Kaizen giờ đã trở thành một triết lý nổi tiếng, tràn sang cả lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ hoặc thậm chí là một khóa học về kỹ năng sống.

'Suc manh mem' Nhat Ban tu nghe thuat tai sap xep
 

Khởi nguồn của giá trị tái sắp xếp là sự cân nhắc của người Nhật từ những năm cuối thế kỷ XIX - khi họ tự hỏi làm sao tạo nên nét riêng biệt, hiện đại, nhưng không quá khô khan như cách người phương Tây đang làm. Họ muốn sự hiện đại phải kết hợp cùng yếu tố tinh thần, cảm xúc và mang câu chuyện cá nhân. Nghệ thuật tái sắp xếp lồng ghép giá trị sống tối giản chính là con đường mà người Nhật đã tìm thấy trên hành trình định hình “sức mạnh mềm” quốc gia.

Đối với một quốc gia, “sức mạnh mềm” được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách. Đây là nội dung được giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard nhắc đến, khi lần đầu đề cập về “sức mạnh mềm” vào năm 1990. Quả thực, người Nhật đã làm rất tốt việc định hình “sức mạnh mềm” qua quá trình sống với đúng giá trị đã chọn. 

'Suc manh mem' Nhat Ban tu nghe thuat tai sap xep
 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI