Sức khỏe tâm thần: Người châu Á và rào cản xấu hổ với người thân

27/10/2018 - 06:00

PNO - “Nói ra sẽ mất mặt”, đó là suy nghĩ của hầu hết người châu Á khi đứng trước lựa chọn nói hay không nói những vấn đề tâm lý của bản thân để nhờ hỗ trợ.

Suc khoe tam than: Nguoi chau A va rao can xau ho voi nguoi than
Amanda từng tìm đến cái chết vì bế tắc

Chính cách suy nghĩ này càng nhấn chìm họ xuống hố sâu của bất an, tuyệt vọng. 

Amanda Rosenberg (người Anh gốc Hoa) hiện là cây viết cộng tác cho nhiều trang báo ở Mỹ, Anh. Mẹ cô là người Trung Quốc. Amanda từng sống chung trong cộng đồng người gốc Hoa với khoảng 20 dòng họ lớn kết nối. Bản thân Amanda không có quan hệ máu mủ với tất cả những người trong từng ấy dòng họ và cũng chẳng thể biết mặt hết tất cả, nhưng dường như bất cứ ai cũng có thể xen vào cuộc đời Amanda để hỏi những chuyện riêng tư của cô. 

Bản thân Amanda đã đối mặt với chứng rối loạn lo âu từ năm 13 tuổi. Một vài người bạn của cô có biết, còn Amanda thì nghĩ do cô căng thẳng quá mức đối với việc học hành. Vấn đề sức khỏe tâm thần là đề tài dường như hiếm khi được nhắc đến và mặc nhiên nó trở thành chuyện cấm kỵ trong cộng đồng. Năm 17 tuổi, cô trải qua đợt khủng hoảng tâm lý, nó như cơn bùng phát của cả quá trình lâu dài chịu đựng trầm cảm, lo âu kéo dài. Amanda đối xử tệ với chính bản thân đến mức lơ là chăm sóc vệ sinh cá nhân mà không ý thức được mình đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Mẹ Amanda khi ấy cho rằng con gái mình không bình thường và đưa cô đến bệnh viện. Bác sĩ hỏi chuyện Amanda, mẹ cô ngồi ngay bên cạnh, khiến Amanda chẳng thể nói ra những rối bời bên trong mình. Mẹ cô diễn tả với bác sĩ: “Trông nó thật lôi thôi, gớm ghiếc”. Chính câu nói ấy đã khiến Amanda từ bỏ suy nghĩ nói thật những gì đang xảy ra. Amanda quyết định nói với bác sĩ rằng cô bình thường. Amanda hiểu rằng gia đình cô chẳng mong đợi những điều bất thường. Họ cần giữ thể diện và cô không có quyền gây rối thêm nữa.

Năm 20 tuổi, Amanda khi ấy đang học đại học và cô bắt đầu nhận ra tinh thần của mình ngày càng bế tắc. Cô đến gặp nhà trị liệu tâm lý và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Một lần nữa, mẹ của Amanda lại xen vào cuộc đời cô. Bà dọa cô rằng, nếu cô có “tì vết” trong hồ sơ sức khỏe, cô sẽ khó kiếm việc làm. Thế là, Amanda từ bỏ ý định phải đối diện, giải quyết vấn đề của mình. 

Bảy năm sau, cô tỉnh dậy trong phòng cấp cứu vì tự tử hụt. Chọn cái chết như là cách Amanda giải thoát chính mình vì sức khỏe tâm thần quá suy kiệt. Mẹ cô đã né tránh ở gần con gái vì sợ xấu hổ với người quen. Amanda nhờ có những người bạn thân và được hỗ trợ bởi nhà trị liệu chuyên nghiệp nên đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Giờ đây, khi kể lại câu chuyện của mình, cô không hề trách gia đình và cũng mong mọi người đừng “ném đá” người thân của cô. Amanda hiểu áp lực tâm lý về cách nghĩ cũ kỹ ăn sâu vào người châu Á không cho phép gia đình cô chấp nhận người nhà bị rối loạn tâm lý. Cô lên tiếng vì không muốn có những sự im lặng chịu đựng như mình đã từng. 

Giáo sư Vitor Manuel làm việc tại Đại học Saint Joseph Faculty (Macau, Trung Quốc) cho biết: “Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, cộng đồng người châu Á thường bị ám ảnh vấn đề tâm lý và vết nhơ trong cuộc đời nên họ chọn cách giấu kín. Điều này cản trở họ tìm đến sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn, các dịch vụ tham vấn chuyên nghiệp”.

Theo Giáo sư Vitor Manuel, chính các gia đình nếu có biết chuyện thành viên trong nhà đang gặp khó khăn về tâm lý thì họ cũng chọn cách “đóng cửa bảo nhau”, bên cạnh đó là tình trạng chính người thân của người đang gặp rắc rối cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Tất cả chỉ vì định kiến phi lý, cho rằng sức khỏe tâm thần không cần thiết phải quan tâm và vấn đề tâm lý chỉ nói lên một người quá yếu đuối!

Các nghiên cứu mà giáo sư có tham gia thực hiện và quan sát đều xét đến yếu tố bối cảnh văn hóa. Ở châu Á, khái niệm khác biệt hóa cá nhân dường như rất mờ nhạt vì vai trò của cá nhân không được đề cao trong cộng đồng, tập thể. 

Thiên Anh (theo Vox, Macau Bausiness)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI