“Sóng ngầm” phân biệt chủng tộc ở Ý

25/06/2013 - 07:31

PNO - PN - Cécile Kyenge (48 tuổi) là người phụ nữ da đen đầu tiên trở thành bộ trưởng ở Ý từ tháng 4/2013. Khi nhận lời tham gia nội các mới của Thủ tướng Enrico Letta, bà Kyenge (ảnh) không ngờ, làn sóng bài xích màu da của bà lại trở...

Làn sóng chống đối này biến thành cuộc tấn công dữ dội bằng ngôn từ, khiến bà Kyenge luôn phải được bảo vệ an ninh tối đa mỗi khi đi lại. Chính phủ mở cuộc điều tra đối với các trang mạng theo chủ nghĩa phát xít, nơi đã phỉ báng bà Kyenge bằng các cụm từ “con khỉ Congo”, “một tên đen chống lại nước Ý”.

Mới gần tám tuần đương chức, bà Kyenge đã đề xuất một đạo luật nhằm công nhận quyền công dân cho con cái của những người nhập cư nếu chúng được sinh ra trên đất Ý. Theo pháp luật hiện hành, quốc tịch Ý được công nhận phổ biến nhất theo dòng máu, nghĩa là cháu của một người Ý có thể chưa bao giờ đặt chân đến đất nước này vẫn có nhiều khả năng được trao quyền công dân so với người được sinh ra tại Ý nhưng cha mẹ là người nước ngoài.

Đề xuất của bà Kyenge đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số người cực đoan, như Mario Borghezio, thành viên của Nghị viện châu Âu thuộc Liên minh miền Bắc chống nhập cư: “Kyenge muốn áp đặt truyền thống bộ lạc từ Congo vào nghị trường. Bà ta giống một người quản gia hơn là một bộ trưởng”.

“Song ngam” phan biet chung toc o Y

Bộ trưởng Cécile Kyenge tại văn phòng làm việc hồi tháng Năm (ảnh: The New York Times)

Trước “sóng ngầm” vây bủa, bà Cécile không có dấu hiệu nào “phản pháo” những người chống đối, thay vào đó, bà cám ơn những ai ủng hộ mình. “Tôi không phản ứng vì điều đó sẽ kích thích thêm những tranh cãi” - bà Kyenge cho biết. “Không ai phải xấu hổ về chính mình”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình La7. “Tôi chưa bao giờ xấu hổ về điều kiện kinh tế, vị thế, màu da hay mái tóc xoăn của mình. Tôi là người Ý và tôi là người Congo”.

Những công kích nhắm vào bà Kyenge đã trở thành cuộc tranh luận căng thẳng trên bình diện quốc gia về sự phân hóa trong xã hội đa văn hóa của Ý hiện nay. Năm 2011, những người nhập cư đã làm tăng 7,5% dân số của Ý, có nghĩa là tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ của một thập kỷ trước. Khi khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao đến 40% những người dưới 25 tuổi không có việc làm, thì người nhập cư rất dễ trở thành “vật tế thần”.

Bà Cécile Kyenge chào đời tại Katange (một tỉnh phía Nam nước Cộng hòa Congo), trong một gia đình có 38 anh chị cùng cha khác mẹ. Cha của Kyenge là chức sắc trong vùng. Những năm 1980, bà di dân đến Ý để học y khoa, tự trang trải học phí bằng cách giúp việc nhà cho các gia đình Ý. Bà thực tập nhãn khoa ở Modena, một thành phố ở phía Bắc vùng Emilia-Romagna và làm việc tại đây. Cũng ở Modena, bà gặp ý trung nhân, một bệnh nhân được bà phẫu thuật. Họ kết hôn và có hai con gái.

Trong gần một thập kỷ, bà Cécile Kyenge hoạt động tích cực cho lực lượng chính trị trung tả tại địa phương và nổi tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ quyền của người nhập cư.

 VĨNH LINH
(The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI