Sau thiên tai, trẻ em chẳng khác gì... hàng hóa

11/04/2016 - 14:11

PNO - Trong vai thương nhân, một phóng viên báo The Sun (Anh) đã phanh phui đường dây buôn người, nhằm vào trẻ mồ côi sau trận động đất Nepal.

Nhưng, những đứa bé trạc 10 tuổi được bán với giá 5.000 Bảng để giúp việc nhà tại Anh chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” về số phận của trẻ em sau những trận thiên tai khủng khiếp.

Bỗng chốc bơ vơ

Trận sóng thần Ấn Độ Dương kinh hoàng càn quét tỉnh Aceh (Indonesia) năm 2004 đã làm 230.000 người thiệt mạng và mất tích. Anh em Arif Pratama Rangkuti và Raudhatul Jannah may mắn bám vào một gốc cây và được một ngư dân cứu sống, nhưng ông chỉ có thể nuôi bé gái vì gia đình cũng bữa đói bữa no.

Arif năm đó bảy tuổi, một mình lang thang khắp nơi, vật lộn với cô đơn và đói khát. Em nhặt thức ăn thừa, đêm về tìm giấc ngủ trước cửa quán ven đường. Tình cờ có người nhận ra hai em và báo về gia đình. Cuộc đoàn viên trong nước mắt này là tia sáng hiếm hoi vì ở Aceh có đến 33.000 trẻ mất bố hoặc mẹ, hoặc mất cả hai sau tai họa sóng thần.

Siêu bão Haiyan ập vào Philippines gần cuối năm 2013 là một trong những cơn bão dữ tợn nhất lịch sử, khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, một triệu người mất nhà cửa. Các nhân viên cứu trợ đã chứng kiến những đứa trẻ khủng hoảng đến mức hễ ngủ dậy là khóc và la hét; không ít trẻ đứng, ngồi bên đường, chìa tay cầu cứu, nhặt thức ăn thừa, lục lọi những đống rác. Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) từng cảnh báo khoảng hai triệu trẻ em ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng và buôn bán.

Sau thien tai, tre em chang khac gi... hang hoa
Sợ hãi, hoang mang, đó là những gì những đứa trẻ ngây thơ phải đón nhận sau thảm họa thiên tai - Ảnh: GETTY IMAGES

Sau trận động đất mạnh 7,9 độ richter hồi tháng 4/2015 ở Nepal làm hơn 8.000 người thiệt mạng, để lại hàng triệu người vô gia cư cùng nhiều trẻ mồ côi, nhiệm vụ ưu tiên lúc ấy là giúp trẻ em thoát khỏi sang chấn tâm lý. Hậu quả đến nay vẫn còn ám ảnh Nepal, đợt lạnh đầu năm nay nhiều đứa trẻ tại đây đã lìa đời vì không được ủ ấm. Gia đình các em được cấp 100 USD để mua quần áo ấm nhưng số tiền ấy chẳng trang trải nổi chuyện ăn uống, nói gì đến mua sắm. Đau lòng hơn, chính con người tiếp tục gây ra tội ác trên những số phận bất hạnh đã một lần bị nhấn chìm vì thiên tai.

Đường đến... địa ngục

Ngay sau trận động đất ở Nepal, UNICEF khuyến cáo viễn cảnh trẻ cơ nhỡ rơi vào vòng xoáy buôn người, nhưng chính quyền Nepal chẳng thể ngăn chặn. Trung bình mỗi năm, có khoảng 12.000 trẻ bị trao tay sang điểm dừng đầu tiên tại Ấn Độ, sau đó được chuyển sang những nước khác để sống kiếp… nô lệ. Khi phóng viên điều tra của báo The Sun đến Jalandhar (thành phố thuộc bang Punjab, Ấn Độ, gần biên giới Nepal) và cải trang thành doanh nhân để tìm trẻ giúp việc nhà, anh tiếp cận được Makkhan Singh, kẻ ngang nhiên thừa nhận mình vận hành đường dây buôn bán trẻ em sang Anh.

“Bọn trẻ Nepal là những người giúp việc nhà chu đáo, lại biết nấu ăn ngon”, y tiết lộ. Mỗi đứa trẻ bán được ở Anh với giá 500.000 rupee (khoảng 5.250 bảng). Theo Singh, Ấn Độ tràn ngập các bé trai Nepal theo dòng người đổ về đây sau động đất, gã chỉ cần đến các gia đình nghèo, thỏa thuận việc mua bán. Bọn buôn người giam lỏng lũ trẻ, huấn luyện các em làm việc nhà trong thời gian chờ giấy thông hành, có khi kéo dài đến vài năm, để cuối cùng các em đến Anh như trẻ mồ côi được nhận làm con nuôi hay trẻ giúp việc nhà “hợp pháp” của các thành viên trong đường dây.

Được hỏi có “món hàng” nào dưới 10 tuổi hay không, gã buôn người có thâm niên hoạt động tám năm nói “không” và giải thích: "Trẻ quá nhỏ chưa thạo việc, lại hay khóc vì nhớ nhà". Singh cũng cho biết, đường dây của hắn có 20 người cung cấp “hàng” và hắn thường giải quyết một thương vụ chỉ trong vòng 5-10 phút.

Sau thien tai, tre em chang khac gi... hang hoa
Không muốn con sống khổ sở, những ông bố bà mẹ phải nuốt nước mắt bán con Ảnh: The Sun

Ngay trên chính quê hương mình cũng có hàng ngàn trẻ em Nepal phải làm nô lệ thời hiện đại. Oái oăm là nhờ trận động đất mà 500.000 nô lệ là trẻ nhỏ đã được giải thoát. Trong đó, Sumitra (11 tuổi) bị nhà chủ bỏ rơi, may mắn sống sót. Trước kia, một ngày của em túi bụi từ việc giặt giũ, quét dọn, nấu nướng đến chăm sóc con của chủ nhà - chỉ kém em một tuổi. Làm xong việc sớm, em bị “cho thuê” để quần quật kiếp tôi đòi ở gia đình khác; nếu không xong việc là bị chủ nhà đánh đập không thương tiếc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI